Hà Nam: Các cấp Hội tích cực tham gia bảo vệ môi trường nông thôn
09:30 - 12/07/2023
(MTNT)- Nhằm hạn chế tình trạng vứt rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm môi trường xanh- sạch- đẹp, những năm qua, các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân triển khai nhiều mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả, góp phần thay đổi hành vi sống thân thiện với môi trường.
Hàng năm Hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường.


Hàng năm, các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền, phối hợp các ngành chức năng tổ chức tập huấn kiến thức bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là pháp luật về bảo vệ môi trường với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực như: Các tin bài, ảnh, phóng sự trên báo, đài, bản tin công tác Hội, qua hệ thống đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; tuyên truyền miệng thông qua các cuộc họp, sinh hoạt chi, tổ Hội, câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”; cấp phát tờ rơi; vận động cán bộ, hội viên, nông dân viết bài thi tìm hiểu Luật đất đai, Luật tài nguyên nước…
 
 
Bên cạnh đó, hàng năm Hội còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hàng trăm lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi lợn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; kỹ thuật thu gom phế thải, rác thải trong trồng trọt, chăn nuôi ủ với chế phẩm Bioplan sản xuất phân hữu cơ vi sinh; kỹ thuật sử dụng phân bón sạch trong nông nghiệp, ủ thức ăn gia súc sạch cho đông đảo cán bộ, hội viên. Qua đó, nhiều cán bộ, hội viên, nông dân tích cực giữ gìn vệ sinh môi trường, tự giác tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ, xóm theo phương châm “Sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ vào nhà” và “Ăn sạch, uống sạch, ở nhà sạch”, tích cực trồng, chăm sóc cây xanh tại gia đình và nơi công cộng.
 
 
Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới, tháng Hành động vệ sinh môi trường năm 2023, 100% các cơ sở Hội đã phát động các chi, tổ Hội vận động hội viên, nông dân tham gia tổng dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nạo vét cống rãnh, kênh mương; thu gom xử lý rác thải… với hơn 50.000 hội viên tham gia.
 
 
Các cấp Hội còn duy trì hoạt động trên 1.000 tổ vệ sinh thôn, xóm; trên 600 mô hình chi Hội “Nông dân tự quản con đường sáng, xanh, sạch đẹp” với gần 800 km đường giao thông nông thôn. Đã có trên 30 nghìn hộ thường xuyên dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm ở các chi, tổ Hội của 105 cơ sở Hội trong toàn tỉnh.
 
 
Điển hình như Hội ND thị xã Duy Tiên đã chủ động phối hợp với Hội Phụ nữ thị xã tổ chức các hoạt động đổi rác lấy quả; tái chế rác thải nhựa tại các chi Hội; tái chế các vỏ chai, hộp nhựa để trồng hoa, cây cảnh trang trí tại nhà và các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, thu hút trên 10.000 cán bộ, hội viên, nông dân của các xã: Chuyên Ngoại, Mộc Nam, Tiên Sơn, Mộc Bắc.
 
 
Hội ND tỉnh đã tranh thủ các nguồn lực, phối hợp với các doanh nghiệp tạo điều kiện hỗ trợ  kỹ thuật cho hàng nghìn hộ hội viên tại các huyện: Thanh Liêm, Kim Bảng, Bình Lục, Lý Nhân, thị xã Duy Tiên sản xuất phân bón vi sinh từ việc thu gom phế thải trong chăn nuôi, trồng trọt ủ với chế phẩm Bioplan; xây dựng “Mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế trang trại của nông dân” tại xã Đồng Hoá (huyện Kim Bảng); giúp trên 10.000 hộ nông dân cải tạo các công trình vệ sinh, cải thiện môi trường…
 
 
Điển hình như mô hình “Bể thu gom rác thải nguy hại trên đồng ruộng” được Hội ND huyện Bình Lục triển khai tại 17 xã, thị trấn được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Trước khi xây dựng các bể chứa, Hội ND huyện chỉ đạo Hội ND xã lựa chọn vị trí phù hợp, thuận tiện, đảm bảo cách xa nguồn nước sinh hoạt, xa khu dân cư để không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Đồng thời, số lượng bể được phân bố hợp lý giúp bà con thuận lợi khi tiến hành pha chế thuốc...
 
 
Từ hiệu quả đạt được của các mô hình, các cấp Hội đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng 700 bể thu gom rác thải nguy hại trên các cánh đồng. Nhờ đó, hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, ý thức mỗi người dân cũng có nhiều chuyển biến tích cực, hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, bền vững.
 
 
Hay như mô hình “Xử lý rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học Sumitri gắn với bảo vệ môi trường” được Hội ND huyện Thanh Liêm triển khai với tổng diện tích trên 5 ha tại 20 hộ nông dân xã Thanh Nguyên. Đến nay mô hình đã nhân rộng tại 16 xã, tổng diện tích gần 100 ha với gần 200 hộ tham gia.
 
 
Để mô hình triển khai hiệu quả, Hội ND đã phối hợp tổ chức tập huấn, giới thiệu, phổ biến những lợi ích của việc sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri để xử lý rơm, rạ sau thu hoạch. Các hộ tham gia mô hình được Hội phối hợp hỗ trợ toàn bộ chế phẩm và hướng dẫn cách sử dụng khi làm đất, cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên toàn bộ diện tích lúa sử dụng chế phẩm sinh học Sumitri phát triển tốt, ít sâu bệnh, giảm chi phí cho năng suất cao. Mô hình đã tạo thói quen cho người dân không đốt rơm, rạ sau thu hoạch góp phần bảo vệ môi trường.
 
 
Tại xã Thanh Hà (huyện Thanh Liêm), thực hiện mô hình "Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng”, các hội viên trong chi Hội thôn Mậu Chử đã thu gom được gần 100 kg rác thải cùng vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng. Nhờ đó, đến nay, cảnh quan môi trường được cải thiện, ý thức của hội viên, nông dân trong thôn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được nâng cao.
 
 
Thời gian tới, Hội ND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh, xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân nâng cao nhận thức, chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; chỉ đạo mỗi cơ sở, chi Hội tiếp tục lựa chọn đăng ký, đảm nhận một việc làm cụ thể trong công tác bảo vệ môi trường; tham mưu với cấp ủy, chính quyền xây dựng và nhân rộng mô hình phân loại, xử lý rác thải tại các hộ gia đình; tuyến đường nông dân tự quản; hàng cây nông dân…; tích cực tham gia vào các chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, xanh- sạch- đẹp.
Quang Khải
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn