(MTNT)- Thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, những năm qua, Hội đã phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương vận động hội viên tham gia vào hoạt động giữ gìn môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp, đặc biệt trong hoạt động chống rác thải nhựa.
|
Dự án “Phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn” tại phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang đã thay đổi nhận thức, ý thức của hội viên, nông dân trong việc phân loại rác thải và bảo vệ môi trường. |
Các cấp Hội đã tổ chức cho hội viên, nông dân thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải tại bãi tập kết rác; xây dựng câu lạc bộ vệ sinh môi trường thực hiện việc thu gom, vận chuyển thải sinh hoạt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng chung một số người dân, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa phân loại rác, vẫn bỏ chung vào một túi hoặc xô nhựa, thùng nhựa để ra hành lang, hè phố… dẫn đến gây mất mỹ quan. Một số tuyến phố đã thực hiện phân loại rác thải nhưng vẫn tập kết tất cả ra các bãi rác công cộng do đó quá tải cho hoạt động thu gom rác, quy mô các bãi rác ngày càng phải mở rộng; tình trạng rác thải hữu cơ chưa được xử lý gây mùi hôi thối làm ô nhiễm môi trường.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội ND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện việc “Phân loại, xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn”. Mục tiêu đến năm 2025 100% hộ gia đình hội viên, nông dân được tuyên truyền, hướng dẫn thu gom, phân loại và xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn và tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường; 100% các cơ sở Hội (138 xã, phường, thị trấn) xây dựng được ít nhất 01 mô hình “Phân loại và xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn; phấn đấu 50% hộ gia đình hội viên, nông dân tại các xã về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thực hiện phân loại, xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn.
Qua thực tế điều tra khảo sát, Hội ND tỉnh thống nhất chọn phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang để xây dựng dự án “Phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn” tận dụng nguồn rác thải hữu cơ sẵn có đã được phân loại tại các hộ gia đình, dùng chế phẩm vi sinh để xử lý ủ thành phân bón hữu cơ bón cho cây trồng nhằm mục tiêu giảm thiểu chi phí thu gom rác thải hàng ngày, giảm mức độ quá tải của các bãi chứa rác, giảm chi phí phân bón các hộ gia đình phải mua để chăm sóc cho cây trồng, giảm vấn đề ô nhiễm môi trường, thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị sáng-xanh-sạch-đẹp.
Mô hình triển khai thực hiện tại Tổ 15, phường Tân Hà. Theo đó, Hội ND tỉnh đã tập huấn nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại cộng đồng dân cư; sử dụng chế phẩm vi sinh ủ rác thải thành phân bón hữu cơ; hỗ trợ các hộ gia đình tham gia dự án 210 thùng đựng để ủ rác thải hữu cơ bằng Chế phẩm sinh học Sumitri.
Trong đó, các hộ gia đình thực hiện thu gom rác từ sinh hoạt, rác thải từ làm vườn, từ chăn nuôi tại gia đình và xử lý chuồng trại,... Mỗi gói Sumitri 125gr xử lý được 300 kg rác (bình quân 1kg rác = 0,45gr đã bao gồm cả phần hao hư do quá trình sử dụng). Thời gian xử lý tùy theo điều kiện môi trường và vật chất cần phân hủy mà nhanh hay chậm. Với rơm rạ ngoài đồng ruộng ngập nước thời gian phân hủy 7-10 ngày; thân, lá, rễ cây rau sau thu hoạch ngoài ruộng có tủ đất 10-15 ngày; các loại xác, bã thực vật trong sản xuất và sinh hoạt từ 10-20 ngày,… Bà con có thể rải 01 lớp rác thải hữu cơ 20-30 cm rồi rắc (có thể trộn Sumitri cùng với cát) hoặc tưới 01 lần Sumitri để thấm đều.
Hội ND tỉnh còn phối hợp với UBND phường Tân Hà tuyên truyền trên Đài Phát thanh của phường tạo sự lan tỏa phong trào bảo vệ môi trường. Hội vận động cán bộ, hội viên lồng ghép vào các cuộc sinh hoạt chi, tổ Hội, tham gia viết tin, bài, tuyên truyền miệng… để mọi người dân hiểu và có ý thức cùng chung tay, chung sức bảo vệ môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp và bền vững.
Đến nay, Hội ND tỉnh đã hỗ trợ 210 thùng đựng rác hữu cơ, chế phẩm vi sinh cho 210 hộ hội viên, nông dân. Các hộ gia đình được hướng dẫn cách phân loại rác thải và ủ thành phân hữu cơ bằng chế phẩm sinh học. Cùng với đó, Hội ND phường Tân Hà đã vận động xã hội hóa mua thùng phân loại rác đặt tại 5 điểm ở Tổ 15. Cán bộ Hội ND tỉnh đã trực tiếp hướng dẫn các hộ dân sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý, phân hủy rơm rạ sau thu hoạch trên diện tích 05 ha ruộng. Nhờ đó, rơm rạ trên đồng ruộng sau khi được xử lý bằng chế phẩm sinh học đã cung cấp cho cây trồng một lượng lớn phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân hóa học gây tác hại tới môi trường.
Trong quá trình triển khai thực hiện, cán bộ Hội ND tỉnh đã thường xuyên đến từng hộ gia đình để vận động, hướng dẫn kỹ thuật phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón bằng chế phẩm sinh học Sumitri, từ đó đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của người dân. Các hộ tham gia dự án đã tích cực thực hiện theo hướng dẫn, phân loại và xử lý rác thải, đến nay một số hộ đã sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây trồng từ việc xử lý rác thải hữu cơ.
Việc thực hiện mô hình phát huy được vai trò, trách nhiệm của Hội ND và các hội viên, nông dân trong công tác bảo vệ môi trường. Hội viên, nông dân được hưởng lợi từ dự án và trở thành các tuyên truyền viên tích cực đối với hoạt động bảo vệ môi trường, có tác dụng ảnh hưởng tốt đến các phường, xã lân cận trong địa bàn thành phố và trong tỉnh.
Mô hình sau khi triển khai thực hiện đã thay đổi nhận thức, ý thức của hội viên, nông dân trong việc phân loại rác thải và bảo vệ môi trường. Đến nay, tại các hộ gia đình thực hiện mô hình, các loại rác như: Thức ăn thừa, rau, củ, quả hỏng... được cho vào thùng, sử dụng chế phẩm sinh học, ủ thành phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, còn các loại rác thải khác vẫn được thu gom và đưa ra bãi rác tập trung. Việc phân loại và xử lý rác thải đã nâng cao nhận thức của hội viên nông dân về tác hại của chất thải nhựa, tạo chuyển biến tích cực trong hành động thu gom rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon, tích cực sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hình thành thói quen về phân loại rác tại hộ gia đình, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra, tạo cảnh quan môi trường xanh- sạch- đẹp. Đồng thời, các hộ gia đình tận dụng được phân hữu cơ từ quá trình ủ rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng, tiết kiệm được chi phí.
Đây là mô hình đạt hiệu quả và cần được phổ biến, nhân rộng trong địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, các cấp Hội ND trong tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động về bảo vệ môi trường nông thôn, nông nghiệp; quan tâm xây dựng mô hình phân loại rác thải hữu cơ gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời thực hiện các hoạt động hỗ trợ, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp người nông dân vừa phát triển sản xuất nông nghiệp vừa cải thiện môi trường sống.