Yên Thượng - nơi không cho đất nghỉ
17:00 - 16/05/2023
Thôn Yên Thượng, xã Vĩ Thượng (Quang Bình) có 170 hộ, thôn có nhiều diện tích đất bằng phẳng trải dài như một tấm bạt ôm quanh các ngọn đồi tạo nên mảnh đất hiền hòa, nên thơ. Tận dụng lợi thế thiên nhiên ban tặng, người dân trong thôn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; luân canh gối vụ biến mảnh đất chỉ có cỏ dại thành những mảnh đất màu xanh của các cây hoa màu tươi tốt quanh năm.
Người dân chăm sóc vườn dưa lê

Cải tạo đất - luân canh gối vụ

Đất trồng là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng sản phẩm nông nghiệp, trải qua quá trình canh tác lâu dài, hàm lượng hữu cơ trong đất giảm dần, chất lượng hữu cơ không cao. Nếu đất trồng tơi xốp, màu mỡ thì cây trồng sẽ phát triển và sinh trưởng tốt, cho năng suất cao nhất. Nắm được những nguyên lý về thổ nhưỡng, người dân trong thôn tự tìm hiểu thông tin và sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn có những biện pháp cải tạo đất cho màu mỡ, như: Hạn chế sử dụng các loại phân hóa học, tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ; cày sâu đất; sử dụng các chế phẩm sinh học để sử lý rơm rạ sau khi thu hoạch; bón vôi đúng liều lượng, đúng cách, đúng thời thời điểm… Cùng với đó, người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa 2 vụ sang trồng 1 vụ lúa và trồng 2 vụ rau sao cho phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương; luân canh gối vụ không cho đất nghỉ, cùng sự cần mẫn của người dân, năng suất nông sản tăng hơn với vụ trước, thu nhập ổn định, đời sống tinh thần của người dân trong thôn ngày một nâng cao.

Vừa chăm sóc cây dưa lê, chị Nguyễn Thị Linh tâm sự: "Trước kia diện tích hơn 3.000 m2 đất của gia đình chỉ dùng để trồng 2 vụ lúa nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Được sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây dưa lê và trồng các loại rau theo hình luân canh gối vụ. Để tránh đất bị cằn cỗi gia đình tôi thường sử dụng các loại phân hữu cơ để bón cho cây; sau mỗi vụ thu hoạch gia đình tiếp tục cày sâu để tạo độ tơi xốp và phì nhiêu cho đất. Bình quân mỗi năm gia đình tôi có thu nhập khoảng 150 triệu đồng từ hình thức trồng luân canh gối vụ cây hoa màu".

Là địa phương thuận tiện cho việc trao đổi hàng hóa cũng như nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc cải tạo đất, luân canh gối vụ nên 100% người dân trong thôn chuyển đổi đất trồng lúa 2 vụ sang trồng 1 vụ lúa và trồng 2 vụ rau, quả hoặc chuyển đổi trồng lúa sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ những sáng tạo trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã thúc đẩy bức tranh KT – XH của địa phương thay đổi nhanh chóng, không còn tình trạng chồng chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà tự thân vận động, tạo đòn bẩy cho nền kinh tế nông nghiệp phát triển ngày một vươn xa.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

Xác định ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào trong sản xuất là động lực quan trọng phát triển KT – XH; là nền tảng đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, ứng dụng KHCN vào sản xuất sẽ giảm chi phí đầu tư, giảm nhân công, tăng chất lượng và giá trị sản phẩm. Nhận thấy, việc ứng dụng KHCN trong sản xuất là cần thiết, phù hợp trong điều kiện hiện nay và đem lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế. Từ đó, người dân thôn Yên Thượng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa.

Trên diện tích khoảng 0,8 ha cây thanh long đang cho thu hoạch, anh Phạm Công Vĩnh vui vẻ tâm sự: "Năm 2021 gia đình tôi thu nhập được gần 100 triệu đồng từ trồng cây thanh long, mức thu nhập này là thấp so với 1.000 trụ cây. Để tăng năng suất, sản lượng cũng như chất lượng quả thanh long, năm 2022, tôi học kinh nghiệm chăm sóc cây thanh long ở nhiều nơi với những quy trình chăm sóc đặc biệt, như: Kỹ thuật trồng thanh long leo giàn, kỹ thuật ủ và sử dụng phân hữu cơ; sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, phun mưa kết hợp đưa phân bón vào hệ thống tưới phun; kỹ thuật tỉa cành, tạo tán; quy trình xử lý bệnh đốm nâu; kỹ thuật tuyển chọn nụ và trái; quy trình giảm lượng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật… Nhờ vậy, năm nay cây thanh long phát triển tốt, ra quả nhiều và liên tục từ tháng 5 đến tháng 10, mẫu mã bắt mắt. Dự kiến năm nay gia đình tôi có thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ trồng cây thanh long. Mùa Đông năm nay, tôi sẽ lắp đặt hệ thống bóng điện thắp sáng để kích thích cây ra quả trái vụ".

Cùng với việc ứng dụng KHCN vào sản xuất, người dân thôn Yên Thượng còn phối hợp cùng các đoàn thể đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua nhiều hướng đa dạng, như: Nhà hàng, chợ đầu mối, kênh thông tin truyền thông… nhằm mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác, tháo gỡ những điểm nghẽn trong giải quyết đầu ra cho các sản phẩm.

Hiện nay, thôn Yên Thượng có các sản phẩm nông nghiệp, như thanh long ruột đỏ, dưa lê, một số rau củ được người tiêu dùng ưu chuộng. Để phát triển nông nghiệp của thôn Yên Thượng nói riêng và toàn xã nói chung theo hướng bền vững và an toàn, Chủ tịch UBND xã Vĩ Thượng Hứa Đức Hạnh cho biết: "Hiện nay, thôn Yên Thượng có nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp phát triển, tạo thành phong trào đem lại thu nhập cho người dân, đặc biệt là một số mô hình áp dụng KHCN vào trong sản xuất. Tuy nhiên trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng, UBND xã phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGap; nghiên cứu, ứng dụng, đẩy mạnh các chương trình phát triển cây, con giống mới có hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương; có cơ chế khuyến khích người dân ứng dụng KHCN vào sản xuất; rà soát, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa kém hiểu quả để triển khai xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ các hình thức liên kết và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường thu hút đầu tư khác nhau trong đó tập trung vào các loại hình doanh nghiệp, chú trọng đến nguồn vốn trong dân để đảm bảo phát triển nhanh, bền vững; chủ động nắm bắt, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các hộ sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; vận động người dân học tập cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để phát triển nông nghiệp; chú trọng đa dạng hóa sản phẩm và tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm, thị trường tiêu thụ nông sản trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội…"

 
Nguồn: baohagiang.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn