Mùa trái cây trên dãy Thất Sơn
15:07 - 13/06/2023
AN GIANG - Dâu da, sầu riêng, hồng quân trồng trên dãy Thất Sơn - nóc nhà miền Tây, vào mùa thu hoạch, nông dân mang hương vị núi rừng xuống triền bán cho thương lái.
Dâu trên núi cấm gồm giống dâu xanh và dâu vàng, khá sai trái


Sau cơn mưa đầu tháng 6, ông Trần Hoàng Anh, chủ vườn sầu riêng gần thác suối Tiên, thuộc dãy Thiên Cấm Sơn cao 700 m, làm không ngơi tay. Sầu riêng bắt đầu chín thu hút sóc cùng các loại động vật nhỏ đến phá phách. Chủ vườn phải bao lưới mới mong có hàng để bán. Ông chọn những túi lưới bằng kim loại đưa lên ngọn cây để nhân công trùm quanh trái.

Người thợ leo lên cây cao hơn 5 m, bọc túi lưới vào trái, buộc miệng kỹ, kéo dây qua nhánh sau đó đưa đầu dây còn lại để người bên dưới cột vào gốc. Sầu riêng xứ núi chỉ thu hoạch khi trái đã chín mùi, rụng khỏi cuống. Cách bao trái này giúp chủ vườn dễ thu trái chín rụng, không cần leo lên cây lần nữa để tháo dây."Trái nào chín hái bán trái đó, nên sầu riêng trên núi đặc biệt thơm, béo không bị sượng", ông Anh nói và cho biết khí hậu trên núi mát mẻ, người làm vườn ít phải bỏ phân bón, phun thuốc trừ sâu bệnh bởi đất đai màu mỡ. Với vườn cây hơn 30 gốc, mỗi năm ông Anh hái được gần hai tấn trái, giá ổn định 110.000-130.000 đồng mỗi kg, sau khi trừ chi phí thu về khoảng 200 triệu đồng.

Thất Sơn hay còn gọi Bảy Núi là vùng đất núi đồi xen lẫn đồng bằng thuộc 4 huyện, thành phố của An Giang: TP Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn và Thoại Sơn. Ngoài điều kiện đất núi phì nhiêu, với độ cao 50-710 m, nơi đây khí hậu mát mẻ quanh năm, trái cây mang hương vị núi rừng, thơm ngon tự nhiên, giá bán có khi gấp đôi so với đồng bằng.

Tuy nhiên, nguồn nước tưới trên núi rất hạn chế, ngoài việc trông vào trời mưa, nông phu xứ núi tìm cách dẫn nước từ suối về tưới vườn. Những năm khô hạn, mưa ít nông dân chỉ biết nhìn cây trái khô héo, chết dần. Bên cạnh trái cây rừng, nông dân trên núi còn mang giống cây ăn trái miền xuôi lên núi trồng.Cách nhà ông Trần Hoàng Anh gần 100 m, vườn dâu da của gia đình bà Đinh Kim Chi đang vào mùa thu hoạch. Dâu xanh lúc lỉu trên cành, từng chùm được chủ vườn hái để nhẹ vào giỏ. Trái càng gần gốc cây thường to hơn, cỡ nửa cổ tay người lớn, vỏ dày, vị chua ngọt.

Năm nay dâu trúng mùa, song giá rẻ, đầu vụ thương lái mua giá 7.000 đồng nay chỉ còn 4.000-5.000 đồng mỗi kg. Hái đầy giỏ, vợ chồng bà Chi mang ra đường làng cách vườn khoảng 150 m, đổ vào hai giỏ lớn treo sẵn trên xe máy mang xuống triền bán. "Đầy hai giỏ lớn, một giỏ nhỏ nặng hơn trăm kg là đủ tiền đi đám cưới sáng nay", bà Chi nói.

So với sầu riêng, thu nhập dâu da kém hơn nhưng ít công chăm sóc, cây ra trái tự nhiên và căng mọng khi được tưới đủ nước. Tiền lời đủ vợ chồng bà Chi tiêu xài trong vài tháng. Ngoài trồng dâu, họ trồng thêm vài chục cây sầu riêng, bơ sáp, hồng quân xen lẫn măng rừng ở 5.000 m2 dọc con lạch nhỏ, nước suối chảy róc rách - ranh đất tự nhiên phân biệt với khoảnh đất nhà hàng xóm.Mùa trái cây xứ núi thường đến vào đầu mùa mưa. Dọc các triền núi nhiều thương lái mở vựa, thu gom chở xuống các chợ lớn khắp các tỉnh thành miền Tây hoặc bán tại chỗ cho du khách. Riêng trâm rừng mọc nhiều ở dưới chân núi Tô, đồng bào Khmer hái xuống mang ra ven đường bán, giá 50.000-60.000 đồng mỗi kg. Công việc làm nông trên núi bận rộn cả năm, hết mùa trái cây người dân quay sang thu hoạch măng, chăm sóc vườn, coi sóc việc nước tưới...

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, cho biết dãy Thất Sơn rộng hơn 3.000 ha với khoảng 1.000 ha cây ăn trái trồng xen măng tre, còn lại là rừng, vườn tạp. Địa phương đang chọn các vườn cây ăn trái tiêu biểu hướng dẫn nông dân mở các điểm tham quan, trải nghiệm. Một hợp tác xã cây ăn trái trên núi chuẩn bị được thành lập để nông dân xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị, tìm thị trường tiêu thụ ổn định.

 
Nguồn: VNE
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn