Được hỗ trợ về kỹ thuật, nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất rừng
18:14 - 15/06/2023
Mô hình phát triển rừng kết hợp với trồng cây nông nghiệp hữu cơ dưới tán rừng đang được triển khai và nhân rộng đã tạo nên những luồng sinh khí mới trong sản xuất, góp phần không nhỏ trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo cho hội viên nông dân dân ở Yên Bái. 

Ông Nguyễn Huy Khôi (thứ 2 từ phải) giới thiệu vườn bưởi hữu cơ của gia đình

Giúp nông dân thay đổi cách làm

Ông Hoàng Xuân Long – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Yên Bái cho biết: Chương trình FFF chủ yếu tập trung nâng cao năng lực cho các tổ chức của những người trồng rừng, hưởng lợi từ rừng trong đó có hội viên, nông dân. Hội ND tỉnh Yên Bái là một trong 3 tỉnh được Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tài trợ thông qua T.Ư Hội NDVN hỗ trợ giai đoạn 1 và hiện nay đang tiếp tục giai đoạn 2.
 

Hội Nông dân tỉnh đã triển khai các hoạt động cụ thể hỗ trợ hiệu quả hội viên nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh rừng và các sản phẩm dưới tán rừng.
 

Thông qua các hoạt động về đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cũng như các hoạt động khác như làm việc nhóm, tham vấn chính sách, tổ chức cho người nông dân từ các nhóm hộ nông dân hoạt động theo chương trình xây dựng thành các tổ hợp tác, hợp tác xã; tổ chức hội thảo tập huấn về giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu, tham quan mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, hội nghị đối thoại với nông dân... Qua đó, tạo điều kiện cho các cấp hội, các THT, HTX có thêm nguồn lực hỗ trợ hội viên nông dân đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh các sản phẩm dưới tán rừng. 
 

Ông Nguyễn Huy Khôi – xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, đồng thời cũng là thành viên của HTX Bình Minh chia sẻ: Gia đình ông có tổng diện tích 3ha, trong đó 2ha rừng trồng keo và 1ha là cây ăn quả chủ yếu là bưởi Đại Minh, ngoài ra còn 6 sào ao để nuôi cá. Đến nay ông tham gia FFF được 5 năm, ngay từ khi có dự án. Trước đây, khi chưa tham gia tổ hợp tác, gia đình cũng trồng rừng chủ yếu là cây keo, không có chăm bón gì, đến vụ thu hoạch thì bán lung tung, giá cả không ổn định. Sau mỗi lần thu hoạch thì đốt lá trạc khô gây khói mù mịt, sau vài năm thì có hiện tượng đất bị xói mòn.
 

“Sau khi tham gia vào THT trồng rừng, tôi được Chương trình FFF và Hội ND hướng dẫn cụ thể về cách chăm sóc, quản lý cây trồng, trồng rừng giúp thu nhập tăng cao, hoạch toán được kinh tế, không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, tôi còn được hỗ trợ phân bón, cây giống. Các thành viên của THT còn được đi tham quan các mô hình để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm” – ông Khôi thông tin.
 

Cách làm của chương trình có khác là chọn cây có tuổi thọ dài hơn, trồng có khoảng cách và thực hiện đốn tỉa cây chứ không trồng ồ ạt như nông dân vẫn làm chính vì vậy giúp cho cây gỗ to hơn, bán được giá cao hơn.
 

Hiện tại gia đình ông chỉ có 2 nhân lực, lúc cần người thì vẫn phải thuê người làm với mức tiền công là 250 nghìn/ngày, hoặc đổi công với những hộ trong HTX. Tổng thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm từ rừng.
 

Đối với vườn cây ăn quả, ông đều áp dụng phương pháp trồng hữu cơ, sau khi thu hoạch, thì ủ phân chuồng bón cho cây trồng. Ngoài ra, tận dụng diện tích rừng trồng và cây ăn quả ông Khôi còn kết hợp nuôi ong lấy mật. Nhờ đó, tạo thêm nguồn thu cho gia đình mỗi năm cũng hàng chục triệu đồng.
 

Tạo mối liên kết, hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp

Theo ông Hoàng Xuân Long, điều đặc biệt ở Chương trình là đã nâng cao năng lực cho THT, HTX sản xuất rừng và trang trại về phát triển tổ chức, cách thức quản lý, sản xuất kinh doanh theo chuỗi hiệu quả. Khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm lâm nông nghiệp, phát triển rừng bền vững, gia tăng giá trị từ rừng và cảnh quan rừng, đồng thời giúp các HTX, THT khai thác tiềm năng về dịch vụ văn hóa, xã hội của địa phương để cung cấp cho các thành viên và cộng đồng. 
 

Ông Phùng Bình Minh – Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Bình Minh cho biết: Sau khi tham gia chương trình FFF giai đoạn 1, đến năm 2017 chúng tôi thành lập HTX nông lâm nghiệp Bình Minh, lúc đó có 10 thành viên 5 nam và 5 nữ.
 

“Trước đây, từ mô hình từ 1 nhóm hộ 5 người, đến giờ chúng tôi đã phát triển thành HTX. Từ việc tập trung vào trồng keo một cách rất đơn giản, không chăm sóc gì cả, thậm chí hoàn toàn không hiểu gỗ FSC, hoặc chứng chỉ FSC là gì? Đến nay, được Chương trình FFF và Hội ND các cấp hỗ trợ, hướng dẫn, diện tích rừng của chúng tôi được Hội đồng quản lý rừng thế giới (FSC) công nhận. Khi có  chứng chỉ FSC, giá bán gỗ thường cao hơn giá thị trường từ 15-20%, thương hiệu sản phẩm rừng được nâng lên và sản phẩm gỗ có thể vào được thị trường khó tính của châu Âu và Mỹ. Nhờ được bảo vệ, chăm sóc tốt nên trữ lượng rừng của HTX cũng đạt mức cao, trung bình trên 150 tấn/ha. Đặc biệt, người dân được tiếp cận với sự hỗ trợ kỹ thuật mới nên các thói quen cũ được thay đổi, năng suất lao động, thu nhập ngày càng cao hơn, cuộc sống người dân ngày càng ổn định. Ngoài ra, chúng tôi còn sản xuất thêm nhiều sản phẩm khác như mật ong, bưởi, gừng, nuôi gà…” – ông Phùng Bình Minh thông tin.
 

Khi mới thành lập HTX đã huy động nguồn lực vốn từ các thành viên và liên kết với các công ty để hình thành nên chuỗi sản phẩm từ rừng như Công ty TNHH công nghiệp Hòa Phát, Công ty lâm nghiệp Việt Nam (NAFOCO)… Năm 2021 – 2022, HTX đã sản xuất thêm một số sản phẩm khác như ống nhựa và làm vườn ươm.
 

Hiện nay, HTX có 10 thành viên chính thức, nhưng có hơn 2.000 thành viên liên kết, với diện tích 4.000ha. HTX chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC và các sản phẩm khác của các thành viên.
 

Ông Hoàng Xuân Long cũng thông tin thêm: Mô hình nông nghiệp hữu cơ, trồng cây gỗ lớn, nông lâm kết hợp đã mang lại hiệu quả rất tốt cho bà con nông dân tại các cơ sở. Đặc biệt, sự liên kết giữa những hội viên nông dân trở thành THT, HTX, liên kết với doanh nghiệp… đã có thêm nhiều những cách làm hay, sáng tạo từ chương trình FFF đã lan tỏa sang cả bà con chưa vào THT, HTX; bà con đã thấy được nhiều lợi ích, không chỉ lợi ích kinh tế mà cả lợi ích về sức khỏe con người nên ngày càng có nhiều người đồng hành, muốn tham gia vào.
 

Và một điều rất dễ nhận thấy là năng lực và kỹ năng cán bộ Hội ND các cấp đang từng bước được nâng cao. Từ đó, họ cung cấp dịch vụ tốt hơn cho các THT, HTX cũng như hội viên nông dân. Chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành liên quan cũng có được sự phối hợp chặt chẽ hơn, có nhiều cơ hội làm việc với nông dân, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho nông dân. 
 

Tổ chức FSC (Forest Stewardship Council -  Hội đồng quản lý rừng – Một tổ chức quốc tế, phi lợi nhuận) cấp cho các tổ chức đã chứng minh được các sản phẩm gỗ giao dịch từ các nguồn gốc đã được cấp chứng nhận đem đến những giải pháp để khuyến khích việc quản lý rừng trên thế giới, các sản phẩm này có thể sử dụng nhãn FSC và dấu chứng nhận của tổ chức này.
Nguồn: tapchinongthonmoi.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn