Cần một giải pháp bền vững trước tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long
17:44 - 26/07/2016
(MTNT) - Theo Bộ Nông nghiệp & PTNT cho biết, hiện tượng El Nino kéo dài đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình biến đổi khí hậu ở nước ta. Do mùa mưa kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mekong lại xuống thấp nhất trong 90 năm qua chính là nguyên nhân khiến cho hiện tượng xâm nhập mặn xuất hiện sớm ở nhiều tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.
Các giống lúa mới có khả năng chống chịu được hạn, mặn ngày càng được nhiều địa phương tín nhiệm và đặt hàng


 
Có thể nói, ảnh hưởng của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đối với sản xuất nông nghiệp là hết sức nặng nề. Con số thống kê cho thấy, nếu như ở vụ Đông- Xuân 2015- 2016, khắp cả 8 tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre, Bạc Liêu và Hậu Giang đã xuống giống hơn 971 nghìn ha (chiếm trên 62% diện tích lúa của toàn khu vực) thì đã có khoảng trên 339 nghìn ha bị hạn hán, xâm nhập mặn.

 
Tình trạng thiệt hại vẫn còn tiếp diễn đối với vụ Hè- Thu năm 2016. Theo ước tính, có khoảng 500.000 ha lúa bị ảnh hưởng lớn, tương đương 1 triệu hộ với khoảng 5 triệu người gặp khó khăn; trong đó, có đến 150.000 hộ lâm vào hoàn cảnh thiếu nước sinh hoạt.


 
Hạn, mặn không chỉ gây thiệt hại đối với cây lúa, nước sinh hoạt mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây ăn trái, thủy sản và còn là nguy cơ dẫn đến cháy rừng. Ngoài những thiệt hại của cây lúa, thủy sản, nhiều loại cây ăn trái như: Bưởi da xanh, sầu riêng, xoài, cam, nhãn của các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang… cũng đều đang bị ảnh hưởng với các mức độ khác nhau.

 
Theo thống kê, các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Long An đã bị nhiễm mặn khoảng 50%. Nhiều khu vực do nhiễm mặn sâu và trong thời gian kéo dài nên đã không còn đủ nước ngọt để sinh hoạt, điển hình như ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Tình trạng khô hạn, thiếu nước cũng khiến cho nguy cơ cháy rừng ở một số tỉnh như Cà Mau, Đồng Tháp, Long An trở nên nghiêm trọng.


 
Trong vòng khoảng 100 năm qua, đợt xâm nhập mặn lần này ở đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu do sự xâm nhập mặn diễn ra sớm, xâm nhập sâu vào đất liền và kéo dài trong nhiều ngày. Để hạn chế tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2016, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời trong việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phòng, chống hạn hán.

 
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Cao Đức Phát, việc triển khai công tác phòng, chống sớm hạn mặn sẽ góp phần hạn chế bớt những thiệt hại. Trước mắt, Bộ đã chỉ đạo các địa phương tạm ứng ngân sách để hỗ trợ ngay các diện tích lúa bị thiệt hại trong thời gian qua. Cụ thể, đối với diện tích lúa bị thiệt hại trên 70%, mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/ha và hỗ trợ 1 triệu đồng/ha đối với diện tích lúa bị thiệt hại từ 30%- 70%.

 
Trước tình trạng khô hạn diễn ra căng thẳng ở Đồng bằng sông Cửu Long, Giáo sư Võ Tòng Xuân- một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, Nhà nước và người dân cần phải chấp nhận và thích ứng, nên làm bạn với mặn vì nó sẽ là cơ hội để làm giàu.


 
Cũng theo Giáo sư, đối với người dân sinh sống tại các vùng ven biển bị nhiễm mặn thì nên chuyển từ việc chuyên canh trồng lúa sang những mô hình canh tác bền vững khác. Cụ thể là chuyển đổi sang quy trình lúa- tôm, tức là nông dân sẽ trồng vụ lúa khi mùa mưa bắt đầu, đến khi mưa hết thì lúa cũng được thu hoạch xong; tiếp đó, cho nước mặn vào ruộng để nuôi tôm, cua...
 

Theo ý kiến của một số lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cho rằng, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là người dân trong tỉnh cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích nghi được với những khó khăn do các yếu tố thời tiết gây ra. Trong đó, giải pháp ứng dụng các tiến bộ khoa học nhằm trang bị những kỹ năng cần thiết cho nông dân được xem là  thiết thực nhất để hạn chế bớt rủi ro, nâng cao giá trị trong sản xuất lúa; đặc biệt là đối với việc lai tạo ra các giống lúa mới có khả năng chống chọi với hạn hán và chịu mặn cao.

 
Từ những đòi hỏi đặt ra của tình hình thực tế, thời gian qua, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ cũng đã nghiên cứu, chọn lọc và lai tạo thành công một số giống lúa chịu mặn từ 4‰- 6‰ và được bà con nông dân trong tỉnh đưa vào canh tác. Ở nhiều nơi khác, bước đầu cũng đã chọn tạo được giống lúa siêu chịu mặn. Trải qua quá trình nghiên cứu, trồng khảo nghiệm nhiều năm, đến nay các giống lúa nói trên đã được một số địa phương tín nhiệm đặt hàng.


 
Đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn từ khá sớm, huyện Bình Đại của tỉnh Bến Tre cũng có nhiều giải pháp để bảo vệ cây trồng, vật nuôi, giúp nông dân đảm bảo được năng suất. Huyện đã chỉ đạo bà con nông dân ở những vùng sản xuất lúa thường bị nhiễm mặn cuối vụ như một số xã ven sông Cửa Đại phải xuống giống sớm hơn các vụ trước. Nơi nào nếu không xuống giống được do thiếu nước thì nên chuyển đổi sang cây trồng khác như: Trồng rau màu, dừa, cây ăn trái hoặc trồng cỏ nuôi bò… Ngoài ra, nông dân cũng được khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nhằm tiết kiệm nước tưới.

 
Đối với các loại cây ăn trái, huyện hướng dẫn nông dân cần chủ động dự trữ nước ngọt trong mương vườn; khi mặn xâm nhập, tuyệt đối không được sử dụng nước mặn để tưới cho cây. Đồng thời, huyện còn tăng cường việc thực hiện quan trắc môi trường để khuyến cáo kịp thời cho người dân có biện pháp phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn theo lịch thời vụ.

 
Giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng cũng được áp dụng triển khai tích cực tại tỉnh Tiền Giang. Nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, đồng thời sớm ổn định đời sống nhân dân tại những địa bàn canh tác gặp khó khăn, nông dân cũng được hỗ trợ để chuyển đổi trên 1.600 ha đất lúa sang trồng các loại rau màu như: Hành, hẹ, dưa leo, mướp đắng...
 


Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết, ngay từ đầu vụ, Chi cục đã khuyến cáo nông dân trong vùng dự án ngọt hóa huyện Gò Công về những tác hại khôn lường của hạn mặn và tình hình biến đổi khí hậu. Đặc biệt, đối với những vùng ở xa nguồn nước thì càng cần thiết phải chuyển đổi cây trồng hoặc áp dụng các mô hình sản xuất tiết kiệm nước tưới. Qua đó, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa giảm bớt được thiệt hại do thiên tai gây ra.

 
Đối với giải pháp mang tính lâu dài, Chính phủ cũng như các Bộ, ngành khi đầu tư cho những công trình thủy lợi, hồ đập ngăn mặn, trữ ngọt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tính tới yếu tố vận hành liên vùng, liên tỉnh. Đồng thời, các tỉnh, thành trong vùng cũng cần có sự liên kết trong phòng chống hạn mặn và biến đổi khí hậu; tránh manh mún, cục bộ. Đặc biệt, cần phát động trong nhân dân liên kết chặt chẽ với nhau để hình thành các ao, hồ, bể trữ nước ngọt liên hộ, liên khóm, ấp. 


 
Bên cạnh đó, các địa phương cần bố trí lại cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Đẩy mạnh việc nghiên cứu để chọn tạo các giống cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực và thực phẩm có khả năng chịu hạn, mặn tốt, cho hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng; quy hoạch, bố trí lại vườn cây ăn quả, cây công nghiệp hoặc chuyển đổi cây trồng. Cùng với đó là hoàn chỉnh hệ thống đê bao ngăn mặn dọc theo sông lớn, xây dựng các cống ngăn mặn tại các điểm trọng yếu của các vùng chuyên canh cây ăn quả.
 

 

Tiến Duy
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn