Ô nhiễm môi trường nước từ nuôi tôm
17:14 - 23/05/2016
(MTNT)- Vấn đề ô nhiễm nguồn nước do nuôi tôm thải ra đang là vấn đề nhức nhối hiện nay…
Bơm xả nước thải trực tiếp ra sông rạch làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước trong nuôi tôm. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích nuôi tôm nước lợ tập trung tại 8 tỉnh ven biển gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang với hai đối tượng chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. ĐBSCL là vùng tập trung nhiều loại đất phèn tiềm tàng và phèn hoạt động. Các nguồn thải ra sông rạch làm cho môi trường nước bị biến đổi. Chất lượng nước trong các ao nuôi thủy sản đặc biệt nuôi tôm nước lợ thâm canh đã cho thấy ô nhiễm hữu cơ có sự xuất hiện các thành phần độc hại như H2S, NH3+ và chỉ số vi sinh Coliforms đã cho thấy nguồn nước thải ngày cần phải được xử lý triệt để trước lúc thải ra sông rạch. Chất thải trong nuôi tôm nước lợ là bùn thải chữa phân, thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các chất tồn dư của các loại vật tư sử dụng như: Hóa chất, vôi và các loại khoáng chất Diatomit, Dolomit…
 
 
Tại Cà Mau, hàng năm hoạt động sên vét của người dân diễn ra tràn lan, ngoài tầm kiểm soát, có những hộ trong quá trình sên vét đổ thẳng bùn thải xuống  sông rạch khiến môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng và làm mâu thuẫn giữa nội bộ người dân ngày một gay gắt. Đặc biệt là giữa các hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến và hộ nuôi công nghiệp. Do các hộ nuôi tôm công nghiệp thường xuyên cải tạo ao, đầm sau mỗi vụ nuôi, còn các hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến thường xuyên trực tiếp lấy nước vào vuông không qua ao lắng và không có điều kiện để xử lý nước. Từ đó vấn đề ô nhiễm môi trường nước vùng nuôi trồng thủy sản ngày càng trở nên bức xúc.
 
 
Ông Nguyễn Thanh Giảng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, cho biết, năm 2015 trên địa bàn huyện chỉ có hơn 970 hộ có đơn xin cải tạo ao đầm, trong khi đó toàn huyện có trên 3.000 hộ nuôi tôm. Như vậy, có nhiều người dân tự sên vét đất bùn mà không xin phép và việc xả thải trực tiếp xuống kinh rạch hoặc diện tích khu bao ví nhỏ làm bùn thải tràn ra bên ngoài gây ô nhiễm môi trường ngày càng nặng hơn. Ðịa bàn rộng lớn, hoạt động sên vét xả thẳng ra kinh rạch phần lớn thực hiện vào ban đêm nên việc phát hiện rất hạn chế.
 
 
Tại Vĩnh Long, tuy cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đều nắm rõ quy định của Bộ Nông nghiệp- PTNT cấm nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt nhưng hiện tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng trái phép trên địa bàn tỉnh chưa chấm dứt triệt để- nhất là 2 huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Vĩnh Long.
 
 
Các cơ sở nuôi này đều có khoan giếng sử dụng nước ngầm trái phép để tạo môi trường nước lợ nuôi tôm. Hậu quả bước đầu là đã có dấu hiệu tác động không tích cực đến môi trường chung quanh: Độ mặn được đo tại các kinh, mương (vốn dĩ là nước ngọt hoàn toàn) lân cận các cơ sở nuôi ở ấp Phú An, Phú Hữu Tây- Phú Thịnh- Tam Bình đạt mức 0,5‰.
 
 
Qua kiểm tra, khảo sát, từ năm 2014, tất cả các vùng có nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt trên toàn tỉnh đều đang nằm trong diện tích quy hoạch để nuôi trồng các loại cá nước ngọt, hoặc là vùng canh tác rau màu.
 
 
Bên cạnh đó, diện tích này cũng hoàn toàn không có cơ sở hạ tầng, cả hạ tầng dùng chung lẫn hạ tầng trong từng ao nuôi. Đặc biệt, không có ao chứa và ao xử lý nước thải; nguồn nước cung cấp cho ao nuôi được lấy trực tiếp từ giếng khoan nước ngầm để pha với nước bên ngoài và nguồn nước thải sau khi nuôi tôm lại xả trực tiếp ra môi trường xung quanh.
 
 
Điều này gây ô nhiễm nền đáy, chất đất của cả vùng nuôi và khu vực lân cận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, làm thiệt hại các vùng canh tác lân cận trong tương lai không xa bởi chỉ sau thời gian nuôi từ 3- 5 năm, môi trường nước sẽ bị mặn hóa trở lại và dịch bệnh trên con tôm lại phát triển như thường, thậm chí phát sinh thêm nhiều bệnh mới không kiểm soát được, trong đó phổ biến nhất là bệnh mềm vỏ.
 
 
Việc khoan giếng ngầm để lấy nước mặn nuôi tôm và việc thải nước nhiễm mặn từ ao nuôi tôm này ra các thủy vực nước ngọt sẽ để lại hệ lụy rất khó lường đối với lĩnh vực nông nghiệp có thế mạnh khác (cây lúa, cây ăn quả...) trong tương lai khi đất và nước bị nhiễm mặn. Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã cảnh báo sự bất ổn của mô hình này không phù hợp với xu hướng nuôi trồng thủy sản bền vững hiện nay, do ảnh hưởng về lâu dài đối với môi trường sinh thái. Việc này sẽ tác động rất lớn đến môi trường và đa dạng sinh học, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự sụt lún đất trong khu vực, gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm.
 
 
Ở Nghệ An, tại 8 vùng nuôi tôm cơ bản của tỉnh (6 vùng GAP, 2 vùng đa dạng) ở các xã Quỳnh Xuân, Quỳnh Lộc (T.X Hoàng Mai), Quỳnh Bảng, Quỳnh Lýõng, Quỳnh Thanh (Quỳnh Lýu), Diễn Vạn, Diễn Trung (Diễn Châu) và Nghi Hợp (Nghi Lộc), theo khảo sát sơ bộ nguồn nước cho thấy, có 81% cơ sở bị ô nhiễm và chỉ có 19% cơ sở nguồn nước có chất lượng tốt.
 
 
Hầu hết các cơ sở nuôi tôm sau mỗi vụ nuôi đều xả trực tiếp nước thải, bùn ra ngoài tự nhiên, ngoài ra, trong quá trình canh tác, sau 30 ngày nuôi, các hộ tiến hành xiphon (hút) bùn đáy từ ao nuôi thải ra kênh mương.
 
 
Nguồn thức ăn thừa trong các đầm nuôi tôm thâm canh còn gây ô nhiễm nguồn nước. Trong hệ thống thâm canh tôm chỉ có 15 – 20% thức ăn được dùng vào phát triển mô động vật, có tới 15% tổng lượng thức ăn hao hụt do không ăn hết và thất thoát, chỉ có 40 – 45% là được sử dụng trong quá trình chuyển hoá dinh dưỡng, duy trì hoạt động sống và lột vỏ. Việc cho thức ăn quá nhiều, tính chất nguồn nước không ổn định, thức ăn dễ tan, thức ăn khó hấp thu và khả năng duy trì nitơ… theo nước thải ra môi trường. Ngoài ra, việc nuôi tôm còn gây nên sự lắng đọng bùn ở các vùng lân cận và ở những nơi nước tù. Phần lớn sản phẩm dư thừa trong nuôi tôm đã tích tụ dưới đáy ao.
 
 
Không chỉ ô nhiễm môi trường nước trong ao nuôi, mà môi trường bên ngoài trại nuôi tôm cũng gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái ven biển. Việc tái sử dụng ao bị ô nhiễm hay thải ra môi trường xung quanh làm cho nguồn nước ô nhiễm và tác động lên các hoạt động ven biển. Sự rò rỉ nước thải cũng như nước ao nuôi còn làm mặn hoá đất nông nghiệp quanh vùng và nước ngầm (sinh hoạt, ăn uống).
 
 
Tại vùng nuôi tôm trên cát tại hai thôn Bắc Hòa, Phú Hòa thuộc xã Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh), vì lợi nhuận mang lại quá lớn nên người dân đổ xô nuôi tôm. Đầu tư càng mạnh, càng ồ ạt thì khâu vệ sinh môi trường càng dễ bị bỏ qua. Điều này đã khiến tình hình ô nhiễm tại các khu vực xả thải của hồ nuôi càng trở nên trầm trọng. Hệ thống nước thải từ hồ nuôi theo các đường ống chảy thẳng ra biển; trong khi đó, hệ thống bể lắng, bể lọc được chủ hồ nuôi làm theo kiểu đối phó, hầu hết các hồ lắng đều không được trải bạt, khâu xử lý kém. Các mối nối đường ống dẫn thải được lắp lại với nhau một cách sơ sài. “Bất kể ai đặt chân đến khu vực xả thải của vùng nuôi đều phải đeo khẩu trang vì không chịu nổi mùi hôi thối. Những dòng nước xanh, đen kèm theo váng vàng, sủi bọt đặc quánh từ các kẽ hở của mối nối chảy ra tràn ngập lút cả ống dẫn”, một người được thuê canh giữ hồ nuôi tôm tại đây chia sẻ.
 
 
Có thể khẳng định, mặc dù nghề nuôi tôm thời gian gần đây phát triển khá ổn định, trình độ kỹ thuật của người nuôi và mức độ thâm canh ngày càng cao nhưng ý thức của người dân về sử dụng hóa chất, kháng sinh đúng cách trong nuôi tôm chưa cao. Việc dập dịch, xử lý chất thải trong nuôi tôm trước khi thải nước ra môi trường chưa được người dân quan tâm nên đã gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái ven biển.
 
 
Để góp phần bảo vệ môi trường biển, hạn chế dịch bệnh, tăng hiệu quả cho người nuôi tôm, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con cần tuân thủ kỹ thuật, thực hiện các phương án ứng phó nhằm khắc phục và giảm thiểu ô nhiễm để tiếp tục sản xuất, bảo đảm cho các vụ nuôi thành công.
 

Trần Thanh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn