Phú Thọ: Nhiều chuyển biến trong công tác bảo vệ môi trường
18:02 - 25/03/2016
(MTNT)- Thời gian qua, công tác tuyên truyền, triển khai các mô hình công nghệ, các biện pháp kỹ thuật trong việc xử lý ô nhiễm, đồng thời nâng cao tính tích cực, chủ động của người dân trong thực hiện các quy định về môi trường đã góp phần tạo nên nhiều chuyển biến trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Người dân vẫn có thói quen vứt rác xuống sông, suối, ao hồ (ảnh minh họa, nguồn Internet)

Tại các làng nghề chế biến nông lâm sản, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề bức xúc. Nhóm làng nghề chế biến nông lâm sản ở tỉnh Phú Thọ gồm các nghề: Chế biến chè, làm tương, làm bún bánh, trồng rau an toàn, sản xuất sơn, sản xuất và chế biến gỗ. Theo thống kê, 100% các làng nghề chưa có hệ thống xử lý chất thải, nước thải riêng biệt.
 
Để xử lý ô nhiễm môi trường, trong những năm qua, các cấp chính quyền từ tỉnh đến địa phương đã tập trung thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, trong đó có việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư tập trung, chuyển tới các cụm công nghiệp, làng nghề. Tuy nhiên, tiến độ di dời vẫn còn chậm do thiếu vốn cho việc triển khai các cụm công nghiệp, làng nghề cũng như các công trình, hệ thống xử lý nước thải, chất thải làng nghề trên địa bàn tỉnh.
 
Tại huyện Hạ Hòa, một số xã khu vực nông thôn tình trạng ô nhiễm do: Chất thải chăn nuôi, lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật, rác thải sinh hoạt… có chiều hướng gia tăng. Huyện đã phối hợp với cơ quan chức năng, các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra chấp hành Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn; tuyên truyền vận động người dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, không vứt rác bừa bãi; hướng dẫn các xã, thị trấn hình thành các HTX, tổ vệ sinh, hộ kinh doanh... để thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ các xóm đến trạm trung chuyển và vận chuyển đến nơi xử lý chất thải rắn của xã hoặc nơi xử lý tập trung của huyện theo quy định. Hướng dẫn, khuyến khích các hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi và khuyến khích chăn nuôi tập trung, chăn nuôi quy mô lớn có xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Áp dụng biện pháp sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp để hạn chế sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Để thu gom, xử lý rác thải, huyện đã triển khai xây dựng lò đốt sinh hoạt rác thải tại xã Vô Tranh để xử lý cho khu vực thị trấn Hạ Hòa, xã Bằng Giã, Chuế Lưu, Vô Tranh. Đến nay, một số xã của huyện Hạ Hòa đã đạt tiêu chí về môi trường như: Mai Tùng, Gia Điền, Hiền Lương…
 
 
 
Tại huyện Thanh Sơn, ước tính mỗi ngày trên địa bàn huyện có gần 40 tấn rác thải các loại ra ngoài môi trường, song chỉ mới khoảng 8 tấn được xử lý, tập trung chủ yếu ở địa bàn thị trấn. Phần lớn rác thải phát sinh trong đời sống hàng ngày, người dân thường có thói quen loại bỏ bằng cách đốt hoặc xả thải vào môi trường đất, ao, hồ, sông, suối, kênh mương... gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đất, nước, không khí, cảnh quan và tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng.
 
Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra, năm 2015, bước đầu huyện đã triển khai xây dựng điểm tập kết rác thải trong khu dân cư tập trung tại địa bàn các xã: Sơn Hùng, Thục Luyện, Giáp Lai, Địch Quả, Lương Nha, Hương Cần. Các xã Sơn Hùng, Thục Luyện, Giáp Lai đã bố trí được một điểm tập kết rác thải trong khu dân cư tập trung và chỉ đạo các khu dân cư tổ chức vận chuyển rác thải về khu tập kết của huyện 1 lần/ tuần. Các xã: Hương Cần, Địch Quả, Lương Nha đã giải phóng mặt bằng một phần diện tích để xây dựng khu tập kết rác thải của xã tại vị trí đã được quy hoạch.
 
Tại huyện Thanh Ba, hiện mới chỉ có 5/27 xã, thị trấn có hợp tác xã làm dịch vụ vệ sinh môi trường, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom xử lý mới chỉ đạt 25%. Hệ thống cống rãnh, tiêu thoát nước thải ở các xã trong huyện hầu hết không được xây dựng đồng bộ, tình trạng chắp vá, không có nắp đạy, tắc nghẽn dòng chảy.
 
Nhằm khắc phục tình trạng trên, năm 2014, huyện đã đầu tư xây dựng một lò đốt chất thải đi vào hoạt động với công suất xử lý 0,5 tấn rác/giờ, xử lý rác thải tại địa bàn thị trấn và một số xã lân cận. Đồng thời, kêu gọi mọi nguồn lực từ các chương trình, nguồn ngân sách Nhà nước và nhân dân đóng góp xây dựng thêm hai lò đốt rác tại xã Đông Thành và xã Đỗ Sơn để giải quyết rác thải ở các xã còn lại trong huyện. Mô hình lò đốt này phù hợp với quy mô vận hành, quản lý của các xã, hiệu quả xử lý cao hơn so với biện pháp chôn lấp do giảm diện tích quỹ đất dành cho chôn lấp, hạn chế ô nhiễm về mùi và nước thải.
 
Đối với các xã chưa thực hiện thu gom rác thải, huyện khuyến khích các hộ gia đình đào hố rác mini. Đến nay, toàn huyện có trên 8.500 hộ đào hố rác mini tại vườn nhà. Cùng với đó, các xã, thị trấn và khu dân cư tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức về vệ sinh môi trường, không để xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi và hình thành những bãi rác thải ở khu vực vắng dân cư hoặc nơi giáp ranh giữa các xã. Huyện Thanh Ba cũng khuyến khích các mô hình bảo vệ môi trường, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xử lý nước sạch, rác thải, chất thải chăn nuôi... phù hợp với điều kiện thực tế khu vực nông thôn hiện nay. Nhiều hộ dân đã tự xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh, xây hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi và nước thải sinh hoạt.
 
Tại huyện Lâm Thao, đến nay 11/12 xã trong huyện đã đạt tiêu chí môi trường. Ngoài việc huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống thoát nước trong các khu dân cư, các điểm thu gom, tập kết rác thải sinh hoạt, huyện chỉ đạo các xã tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp BVMT trong sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời chính quyền phối hợp với Mặt trận Tổ quốc huyện thực hiện chương trình xử lý nước thải sinh hoạt bằng bể lắng lọc trước khi thải ra hệ thống thoát nước chung.
 
Giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay. Với những chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, đến nay trong toàn tỉnh tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt gần 90%; tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt trên 60%...

Tuấn Anh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn