Giữa lúc dư luận đang sôi sục trước việc cá chết trắng biển miền Trung. Giữa lúc các cơ quan chức năng đang ráo riết tìm nguyên nhân của hiện tượng này, thì ông Chu Xuân Phàm, giám đốc đối ngoại của Formosa Hà Tĩnh đã dội thêm một thùng xăng vào lửa...
Giữa lúc dư luận đang sôi sục trước việc cá chết trắng biển miền Trung. Giữa lúc các cơ quan chức năng đang ráo riết tìm nguyên nhân của hiện tượng này, thì ông Chu Xuân Phàm, giám đốc đối ngoại của Formosa Hà Tĩnh đã dội thêm một thùng xăng vào lửa, bằng lời phát ngôn với báo chí: “Nhiều khi mình không được cả hai thì mình phải lựa chọn. Tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay là tôi muốn xây một cái nhà máy thép hiện đại”.
Ý của Chu xếnh xáng trong lời phát ngôn này thật rõ ràng. Giả sử vụ cá chết ở bãi biển miền Trung mà có nguyên nhân là do nhà máy thép Formosa gây ra, thì Việt Nam hãy lựa chọn, hãy hy sinh môi trường đi để được nhà máy (của nước ngoài), chứ không thể đòi hỏi được cả hai (?).
Lời phát ngôn này lập tức khiến dư luận nổi sóng vì phẫn nộ. Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đã ngay lập tức lên tiếng: “Tôi phản đối lời tuyên bố đầy thách thức và có tính chất xúc phạm đến đất nước Việt Nam của vị giám đốc trên. Dù chúng ta chưa có kết luận chính xác vụ việc. Nhưng việc một doanh nghiệp tuyên bố như vậy là không thể chấp nhận được”.
Lời phát biểu thẳng thắn của Tiến sỹ Lê Đăng Doanh hoàn toàn có lý. Đất nước ta còn nghèo, chúng ta đang cần đầu tư. Chúng ta đang trải thảm đỏ để mời đón các nhà đầu tư nước ngoài, bằng rất nhiều chính sách để ưu đãi họ. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta đánh đổi bằng mọi giá. Nhất là đánh đổi bằng việc tàn phá môi trường.
Vì thứ nhất, môi trường là không gian sống, là điều kiện sống không chỉ của hơn 90 triệu người Việt Nam hiện tại, mà còn cả các thế hệ tương lai. Tàn phá môi trường đồng nghĩa với tàn phá cuộc sống, hủy hoại cuộc sống.
Và thứ hai, việc tàn phá môi trường là vi phạm công ước quốc tế về môi trường. Vì vậy, một Formosa chứ hàng trăm Formosa cũng chẳng có ý nghĩa gì, nếu những công trình đó tàn phá, hủy hoại môi trường.
Nói như Tiến sỹ Lưu Bạch Hổ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) thì: “Không thể chấp nhận được thông điệp chọn 1 trong 2, điều này không đúng với chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Không thể và không ai có quyền bắt Việt Nam phải chọn 1 trong 2, đánh đổi kinh tế để hy sinh điều kiện sống. Việt Nam phải chọn cả 2, không được hy sinh cái gì cả”.
Cũng ngay sau lời phát biểu của ông Chu, nhiều người đã lên tiếng yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm như Bộ KH-ĐT, Bộ TN-MT kiểm tra các giấy phép nhập khẩu các loại chất độc và cực độc, giấy chứng nhận đầu tư, các cam kết về môi trường... của Formosa.
Bởi theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, thì: “Tôi được biết trước đó, Formosa đã nhập một lượng lớn các chất độc, cực độc về để súc rửa đường ống. Chúng ta phải yêu cầu họ báo cáo số lượng chất độc và cực độc đó đi đâu”.
Những đòi hỏi đó của dư luận là chính đáng và cần thiết. Nhất là đối với Formosa, bởi năm 2009, doanh nghiệp này đã phải nhận giải “hành tinh đen”, một “giải thưởng” dành cho những doanh nghiệp có “thành tích” tàn phá môi trường, do Cộng hòa Liên bang Đức “trao tặng”.