|
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng cao |
Kim ngạch xuất khẩu tăng gần 17%
Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước gần 23,2 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 9,4 tỷ USD, tăng 10,4%; lâm sản chính đạt gần 7,7 tỷ USD, tăng 7,6%; thủy sản ước đạt gần 4,8 tỷ USD, tăng 46,3%; chăn nuôi ước đạt 138,9 triệu USD, giảm 16,2%; vật tư đầu vào sản xuất khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 59,3%.
Trong 5 tháng đầu năm nay, ngành nông nghiệp đã có 9 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, điều, nhóm rau quả, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ và nhóm đầu vào phục vụ sản xuất).
Một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như: Giá trị xuất khẩu cà phê đạt gần 2,0 tỷ USD (tăng 54,0%); cao su đạt trên 1,0 tỷ USD (tăng 12,0%); hồ tiêu khoảng 476 triệu USD (tăng 25,7%); sắn và sản phẩm sắn đạt 636 triệu USD (tăng 20,3%), cá tra đạt khoảng 1,2 triệu USD (tăng 91,2%), tôm đạt trên 1,9 tỷ USD (tăng 42,7%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 7,2 tỷ USD (tăng 6,9%); mây, tre, cói thảm đạt 426 triệu USD (tăng 19,1%).
"Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 41,6% thị phần. Với các thị trường khác: châu Mỹ chiếm 30,4%, châu Âu chiếm 12,0%, châu Đại Dương chiếm 1,7% và châu Phi chiếm 1,5%".
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
|
Những mặt hàng giảm về giá trị xuất khẩu gồm: Chè đạt 70 triệu USD (giảm 6,5%), nhóm hàng rau quả đạt khoảng 1,5 tỷ USD (giảm 13,6%), hạt điều ước đạt trên 1,2 tỷ USD (giảm 2,9%), dù giá trị XK nhóm gỗ và sản phẩm gỗ tăng 6,9% nhưng giá trị xuất khẩu của sản phẩm gỗ lại giảm 4,6% với giá trị trên 4,9 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết thị trường lớn nhất vẫn thuộc về Hoa Kỳ, đạt gần 6,5 tỷ USD, chiếm 28,0% thị phần. Nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 67,5% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc trên 4,1 tỷ USD, chiếm 17,8% thị phần; với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm 20,8.
Xếp ở vị trí thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD (chiếm 7,0%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ nhiều nhất (chiếm 43,8%). Thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,1 tỷ USD (chiếm 4,8%) và XK nhóm sản phẩm gỗ chiếm 44,2%.
Đề cập nhiệm vụ phát triển thị trường xuất khẩu trong tháng 6/2022, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho hay sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mở cửa thị trường nông sản với các nước; kịp thời cung cấp các thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc.
Trong tháng 6, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ thống nhất phương án giám sát xử lý vải xuất khẩu của niên vụ 2022 trong điều kiện dịch Covid-19. Chuẩn bị tổ chức Đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc. Đồng thời, chuẩn bị nội dung làm việc song phương với Ba Lan, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Mông Cổ, Nhật Bản, Hungary.
Trồng trọt, chăn nuôi vẫn khó, thủy sản thuận lợi
Theo Tổng Cục Thống kê, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, ở miền Nam, tính đến trung tuần tháng 5/2022 đã cơ bản thu hoạch xong lúa Đông Xuân.
Theo báo cáo từ các địa phương, năng suất lúa đông xuân của vùng năm nay ước đạt 69,3 tạ/ha, giảm 1,7 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước chủ yếu do giá phân bón tăng cao nên nông dân hạn chế đầu tư, cùng với đó là ảnh hưởng của mưa trái mùa trên diện rộng từ tháng trước. Sản lượng lúa đông xuân ở các tỉnh phía Nam ước đạt 13,3 triệu tấn, giảm 358,9 nghìn tấn.
Cùng với việc gieo cấy lúa, các địa phương trên cả nước đang tiến hành gieo trồng cây hoa màu. Tuy nhiên, diện tích khoai lang và đậu tương, lạc tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao, giá phân bón tăng cao.
"Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy sản ước đạt 3.356,9 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước do nuôi trồng thủy sản đạt kết quả tích cực, nhất là các sản phẩm thủy sản trọng điểm như cá tra, tôm thẻ chân trắng có sản lượng tăng cao liên tiếp từ tháng 3/2022".
Tổng cục Thống kê.
|
Nếu trong thời gian tới, diện tích nhóm cây trồng này tiếp tục giảm sẽ ảnh hưởng đến việc chủ động nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Cũng như trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng gặp nhiều khó khăn do giá con giống quá cao, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trái lại, với ngành thủy sản, lại đang rất thuận lợi. Sản lượng thủy sản tháng 5/2022 ước đạt 756,9 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Thời tiết trong tháng thuận lợi cho việc ương thả giống.
Bên cạnh đó, giá cá tra tăng cao, nên nông dân nuôi cá tra đạt lãi khá. Sản lượng cá tra trong tháng ước đạt 134,1 nghìn tấn, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Giá tôm nguyên liệu trong tháng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ổn định so với tháng trước.
Tôm thẻ chân trắng đang bước vào vụ thu hoạch, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, siêu thâm canh hai giai đoạn, ứng dụng công nghệ cao phát triển tích cực đã mang tới hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng 5/2022 ước tính đạt 57,5 nghìn tấn, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 22,2 nghìn tấn, giảm 0,4%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng 5 tháng đầu năm ước đạt 1.769,3 nghìn tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng thủy sản khai thác đạt 1.587,6 nghìn tấn, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù sản lượng thủy sản, lâm sản tăng và giá trị xuất khẩu nông sản tăng tới gần 17%, thế nhưng lợi nhuận của nông dân không tăng tương xứng, mà đang có dấu hiệu suy giảm. Thậm chí số lượng nông dân lâm vào cảnh thua lỗ đang tăng lên.
Ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhận định: Vấn đề nổi cộm nhất mà sản xuất nông nghiệp đang phải đối mặt là thời gian vừa qua, giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi đồng loạt tăng cao, hầu hết các mặt hàng tăng rất cao so với trước dịch Covid-19, khiến nhiều nông dân chịu thua lỗ, nhiều người phải treo chuồng, bỏ ruộng vườn tạm ngừng trồng trọt.
"Nông dân là đối tượng chịu thiệt thòi nhất khi giá vật tư đầu vào tăng phi mã, cụ thể giá phân bón có loại tăng 250%, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng, trong khi đó đầu ra nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch", ông Đoàn nhấn mạnh.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Về tiết kiệm chi phí đầu vào, tôi nghĩ có nhiều cách. Tôi có đi thị sát các mô hình ở nhiều địa phương, thì nông dân đã biết cách giảm chi phí đầu vào bằng cách lựa chọn các mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp.
Cách làm này đã giúp nông dân giảm đáng kể tiền mua phân bón, mua vật tư nông nghiệp, thì đó cũng là cách giảm chi phí. Hoặc chúng ta có thể vào hợp tác xã mua chung, mua sỉ các loại vật tư nông nghiệp để tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất. Thứ ba, chúng ta cần tự chủ dần một số nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, đặc biệt là những nguyên liệu đang phải nhập khẩu với số lượng lớn từ nước ngoài. Giảm chi phí là mệnh lệnh và làm được nếu chúng ta quyết tâm. Quan trọng nhất là giải pháp phù hợp.
|