Lâm Đồng: Xây dựng mô hình xử lý chất thải, rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn
(MTNT)- Nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, Hội ND tỉnh đã thực hiện mô hình “Hội viên, nông dân tham gia thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn” đối với 20 hộ nông dân có kinh nghiệm sử dụng chế phẩm hữu cơ sinh học để ủ phân hữu cơ thuộc thị trấn Nam Ban và xã Nam Hà (huyện Lâm Hà) từ nguồn kinh phí của Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững - Trung ương Hội NDVN.
|
Mô hình “Hội viên, nông dân tham gia thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn” đã góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí trong sản xuất nông nghiệp cho bà con. |
Tại mỗi nông hộ, bà con được hỗ trợ gạch, cát, xi măng, đá và xe rùa để xây dựng bể xử lý rác hữu cơ thành phân bón với tổng giá trị 115 triệu đồng, nông dân đối ứng mua chế phẩm sinh học, vôi... và đóng góp công xây dựng để hoàn thiện bể xử lý rác hữu cơ. Hội tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ nông nghiệp thành phân bón tại hộ gia đình.
Điển hình như ông Trương Văn Thóc, tổ dân phố Từ Liêm 2, thị trấn Nam Ban được Hội hỗ trợ xây dựng bể ủ phân hữu cơ từ rác thải nông nghiệp ngay trong vườn nhà. Nhờ đó, các loại rau thải trước kia ông thường tấp bờ hoặc vận chuyển ra ngoài cho xe rác chở đi thì nay được cho vào bể xử lý rác hữu cơ, đảo trộn cùng chế phẩm sinh học EM. Sau một thời gian tùy nhiệt độ cũng như độ che phủ, lượng chế phẩm, gốc, lá rau biến thành phân hữu cơ có màu đen sẫm, mềm mịn, tơi xốp, có thể bón trở lại cho vườn. Nhờ đó, ông vừa bớt công vận chuyển rác thải các loại, vừa có thêm một lượng phân hữu cơ bón cho rau, tăng độ phì cho đất, giảm lượng phân hữu cơ cũng như hóa học phải mua ngoài thị trường.
Việc thực hiện mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường, thay đổi hành vi ứng xử thân thiện với môi trường nông thôn của cán bộ, hội viên, nông dân.