Tổ chức Hội và hội viên nông dân Việt Nam góp phần vào xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Theo các chuyên gia, nhà khoa học, Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
|
Chủ tịch TƯ Hội NDVN Lương Quốc Đoàn phát biểu khai mạc Hội thảo |
Chiều 29/5, tại Sơn La, Trung ương Hội NDVN phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo khoa học "Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045".
Chủ trì buổi Hội thảo có các đồng chí: Lương Quốc Đoàn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch TƯ Hội NDVN; Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch TƯ Hội NDVN; Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện các Bộ, ban ngành, nhà khoa học, lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, TP HCM, An Giang, Quảng Nam.
Nâng cao vai trò, vị trí của Hội NDVN và giai cấp Nông dân Việt Nam
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch TƯ Hội NDVN Lương Quốc Đoàn vui mừng cho biết, hôm nay, trong chuỗi các sự kiện Festival trái cây và các sản phẩm OCOP năm 2022, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân được tổ chức tại tỉnh Sơn La, Trung ương HNDVN tổ chức Hội thảo Khoa học "Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045".
Đây là một bước quan trọng, tạo tiền đề cho việc xây dựng Đề án "Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn dến năm 2045" trình Bộ Chính trị xem xét và ban hành Nghị quyết về Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp Nông dân Việt Nam.
Ông cho biết, Hội thảo sẽ làm rõ hơn nữa vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Hội NDVN, sứ mệnh của giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đề xuất những giải pháp căn cơ để nâng cao và phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân Việt Nam; vai trò của Hội NDVN trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập sâu rộng với thế giới.
Bám sát thực tiễn đất nước, nêu bật những vấn đề đang đặt ra với giai cấp nông dân Việt Nam và Hội NDVN hiện nay. Triển khai những nội dung văn kiện Đại hội XIII của Đảng liên quan đến chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn; đến giai cấp nông dân Việt Nam và Hội NDVN.
Chủ tịch TƯ Hội NDVN Lương Quốc Đoàn nêu vấn đề, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng có tác động to lớn đến sự phát triển đất nước nói chung và sự phát triển của các ngành, các tổ chức nói riêng, trong đó có Hội NDVN, nhất là trong quá trình Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Trong tiến trình đó, Hội NDVN, giai cấp nông dân Việt Nam sẽ đứng ở đâu? Cần xây dựng một hệ thống tổ chức, bộ máy và hoạt động của Hội như thế nào? Giải pháp xây dựng một giai cấp nông dân để đáp ứng tiến trình, yêu cầu của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới?
Nông dân là chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cho biết, hiện nay, Sơn La có 199 cơ sở hội, với 2.045 chi hội, 186.850 hội viên. Trong đó, con số rất đáng mừng là có tới 85% hội viên từ tốt đến xuất sắc, còn lại khá 15%. Và đặc biệt là không có chi hội yếu kém.
Theo đó, để nâng cao trách nhiệm, tư tưởng phấn đấu và quyết tâm trong xây dựng hội và phát triển giai cấp tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ chính sách cho các chi hội trưởng với mức hỗ trợ 3,5 triệu đồng trở lên.
"Tôi còn nhớ trong một Hội nghị, Chủ tịch Liên Minh HTX Việt Nam có phát biểu là xây dựng tổ chức Hội nông dân và hệ thống Liên minh HTX Việt Nam phải lựa chọn những con người đứng đầu tổ chức Hội và Liên minh HTX phải là những con người có chí hướng và những con người có đủ điều kiện để tiếp tục quy hoạch phát triển", ông Công nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho hay, về công tác cán bộ, quan điểm của tỉnh là cố gắng bố trí cán bộ không phải là người chuẩn bị nghỉ hưu vào các chức danh của Chủ tịch Hội Nông dân và Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh mà tỉnh sẽ quy hoạch, xây dựng cán bộ có tầm nhìn, tư duy và định hướng phát triển.
Tham luận tại Hội thảo với chủ đề "Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam", ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ NNPTNT (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp TƯ khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã xác định nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển nhanh và đạt được nhiều thành tựu to lớn; nông dân từng bước làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, thu nhập, đời sống được cải thiện rõ rệt.
Ông Tiến cho rằng, trước thực tế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để phát huy vai trò chủ thể của nông dân. Cần khẳng định và có nhận thức nhất quán nông dân là chủ thể, là trung tâm của qu
Tiếp tục chú trọng đào tạo, truyền thôn nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực làm chủ của nông dân theo hướng phát triển toàn diện, văn minh, có tinh thần yêu nước, đoàn kết, tự chủ, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước; có trình độ tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường.
Nhà nước có cơ chế, chính sách bảo đảm nông dân được thụ hưởng các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và được tiếp cận các dịch vụ tương đương với đô thị.
Các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn phải hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao toàn diện năng lực làm chủ, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, lấy lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất của mọi định hướng phát triển.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, lãnh đạo Hội Nông dân một số tỉnh cũng đã trình bày các tham luận về Giải pháp hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chế biến, bảo quản tiêu thụ nông sản đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; công tác tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng thị trường nông sản Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế.