Kinh tế Việt Nam đang đà phục hồi vững chắc
14:00 - 02/06/2022
Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, ngày 01/6, làm việc tập trung ở Hội trường, Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách Nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.

Thu ngân sách tăng 18,7%

Theo số liệu được công bố, kinh tế vĩ mô của nước ta ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục khởi sắc. Các công trình cơ sở hạ tầng được triển khai đồng bộ với quyết tâm cao. Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực. Thương mại dịch vụ phục hồi mạnh. Du lịch phục hồi ấn tượng. Tình hình đăng ký doanh nghiệp đạt kết quả rất đáng ghi nhận. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu được triển khai tích cực, đồng bộ. An sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, đối ngoại được đẩy mạnh.
 

Toàn cảnh kỳ họp

Thu ngân sách 5 tháng năm 2022, tăng 18,7%, xuất nhập khẩu tháng 5 tăng 14,5% so với cùng kỳ. FDI thực hiện 5 tháng tăng 7,8%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 ước tăng 10,4%. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 5 tháng đạt 98.600 doanh nghiệp, cao nhất từ trước tới nay. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 22,6% so với cùng kỳ. Khách quốc tế tháng 5 tăng hơn 70% so với tháng trước, 5 tháng tăng 350% so với cùng kỳ. Các công việc tồn đọng kéo dài nhiều năm đang được từng bước giải quyết chắc chắn, hiệu quả.
 

Đặc biệt, trong bối cảnh có tới 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới, Việt Nam là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được S&P nâng bậc tín nhiệm dài hạn kể từ đầu năm đến nay. Điều này được S&P dựa trên nền kinh tế Việt Nam đang đà phục hồi vững chắc, tỉ lệ tiêm chủng được cải thiện ấn tượng và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát dịch Covid-19.
 

Tập trung triển khai nhanh nhất gói phục hồi phát triển kinh tế xã hội

Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, cơ bản đồng tình với báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, đại biểu Thắng nêu rõ, những tháng đầu năm 2022, kinh tế xã hội nước ta đã có nhiều khởi sắc, thể hiện rõ xu hướng phục hồi tăng trưởng, tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, đồng thời dự báo những tháng còn lại của năm 2022 và những năm tiếp theo còn không ít những khó khăn, thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới nhưng mặt trái của cơ chế thị trường.
 

Bày tỏ nhất trí cao với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới mà trong Báo cáo của Chính phủ đã đề ra, đại biểu đưa ra 5 đề xuất với Chính phủ trong phát triển kinh tế- xã hội. Thứ nhất, tập trung chỉ đạo để hoàn thành một cách nhanh nhất triển khai gói phục hồi phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội để tránh lỡ nhịp tăng trưởng phục hồi và đúng với tính chất Kỳ họp bất thường của Quốc hội.
 

Thứ hai, cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Việc giải ngân vốn đầu tư công đang là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế xã hội bên cạnh điểm nghẽn về cơ chế chính sách. Hiện nay nhu cầu vốn cho nền kinh tế khá lớn, nhu cầu phục hồi rất cấp bách, xong việc giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2022 còn rất thấp. Đây là vấn đề tồn tại bấy lâu nay mà cử tri và doanh nghiệp chưa thực sự yên tâm.
 

Thứ ba, tăng thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh 4 tháng đầu năm 2022 chỉ ở mức 5,4%. Điều đó cho thấy dù kinh tế đã có sự phục hồi, song còn nhiều khó khăn, nhất là các hoạt động kinh tế trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội, việc làm cho người lao động và tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước. Do đó cần có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để thúc đẩy tăng thu bền vững.
 

Thứ tư, Chính phủ cần quan tâm, khẩn trương hơn nữa trong tiến hành ba Chương trình mục tiêu quốc gia đều được Quốc hội xem xét thông qua nhằm hỗ trợ không chỉ cho từng hộ gia đình mà còn giúp địa phương phát triển kinh tế xã hội đồng bộ.
 

Cần có chính sách để bình ổn giá cả vật tư đầu vào

Bên cạnh những mặt tích cực của nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Tạo Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng chỉ ra những khó khăn nhất định như giá vật tư đầu vào phân bón tăng ở mức cao so với bình quân hằng năm do những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, giá xăng dầu, chuỗi giá trị nông sản còn bị hạn chế, chưa thực sự bền vững, tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn…
 

Do vậy, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Chính phủ cần có những chính sách can thiệp kịp thời để bình ổn giá cả vật tư đầu vào như giá phân bón, giá vật tư nông nghiệp, giá xăng dầu… Đồng thời, có những giải pháp đấu tranh quyết liệt về gian lận thương mại, nhất là đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chú trọng việc giải quyết cơ chế, thủ tục cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là ba Chương trình mục tiêu quốc gia (gồm Chương trình nông thôn mới, Chương trình xóa đói giảm nghèo và Chương trình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi).
 

Tiếp tục kiểm soát nợ công, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô

Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đánh giá cao sự phục hồi của nền kinh tế nước ta năm 2021 trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh vô cùng phức tạp, nhiều nơi có nguy cơ chìm trong thảm họa dịch, hàng loạt các doanh nghiệp đóng cửa, đứng bên bờ vực phá sản ròng, người lao động từ các trung tâm kinh tế lũ lượt kéo nhau về quê…
 

Trong bối cảnh đó, kết quả thu ngân sách trên cả nước trong năm qua cũng như các địa phương như Hà Nội có nhiều nỗ lực cần được đánh giá, ghi nhận. Đại biểu cho rằng, để có được thành công mong đợi như ngày hôm nay là nhờ có sự vượt thu. Do vậy, mặc dù chúng ta phải tăng nhiều khoản chi để chi cho phát sinh trong phòng, chống dịch như các gói hỗ trợ an sinh cho người lao động nhưng bội chi ngân sách lại thấp hơn kế hoạch, giúp nợ công được kiểm soát. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để được xếp hạng tín nhiệm thế giới, nâng hạng tín nhiệm Việt Nam với triển vọng ổn định.
 

Trong thời gian tới, đại biểu cho rằng, chúng ta cần phải tiếp tục kiểm soát nợ công, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Do vậy, tất cả các giải pháp để có thể tăng được nguồn thu ngân sách đều cần coi trọng và huy động. Theo đó, tăng thu từ thuế, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua các biện pháp kiểm soát giá, nộp thuế đất sát với giá trên thị trường trong bối cảnh thị trường bất động sản tăng trưởng nóng. Điều đó không chỉ góp phần tăng nguồn thu ngân sách mà còn có tác dụng góp phần hạn chế đầu cơ đất đai. 
 

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục đề xuất của Quốc hội có chính sách tiếp tục giảm các loại thuế xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu; hạn chế các tồn tại trong công tác giải ngân đầu tư công.
 

Quy định rõ nguyên tắc xác định giá đất theo giá thị trường

Nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường vốn, thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế đất nước, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho biết, hai thị trường này có sự phát triển đáng ghi nhận trong những năm qua, tuy nhiên, một số sai phạm trong lĩnh vực này đã được phát hiện và đưa ra xử lý.
 

Nhằm đảm bảo các thị trường này phát triển ổn định, lành mạnh, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai, về thuế, trong đó quy định rõ nguyên tắc xác định giá đất theo giá thị trường đúng theo quy định của Luật Đất đai.
 

UBND các tỉnh, thành phố phải cập nhật đúng, đủ, kịp thời giá đất theo sát giá đất thị trường vào bảng giá đất nhà nước để làm căn cứ tính thuế trong hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản và tính chi phí bồi thường hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất cho người dân, đảm bảo sự công bằng bình đẳng trong các mối quan hệ này.
 

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế quy định rõ các biện pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản để cơ quan thuế địa phương thực hiện nhất quán, đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, tránh tình trạng lạm quyền, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, nhằm góp phần đưa thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
 

Triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2% cho người dân, DN

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) nhất trí với Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của Chính phủ; đồng thời ghi nhận Chính phủ và các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và triển khai các Nghị quyết phục hồi, phát triển kinh tế của Quốc hội. Những kết quả đạt được trên nhiều lĩnh vực của những tháng đầu năm 2022 với những con số đã nêu trong báo cáo rất ấn tượng.
 

Để các chương trình phát triển kinh tế-xã hội đi vào cuộc sống hiệu quả hơn nữa, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, việc hỗ trợ lãi suất 2% mỗi năm được các doanh nghiệp và người dân rất kỳ vọng. Trước kỳ họp Quốc hội 03 ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31 quy định về việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam phát sinh từ hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại. Nghị định đã hiện thực hóa việc giảm lãi suất 2% nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để tạo động lực phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng; các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành phối hợp điều hành linh hoạt, quyết liệt và kịp thời hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai nhanh việc hỗ trợ vay cho các doanh nghiệp và người dân.

Nguồn: kinhtenongthon.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn