Đồng Nai: Công bố 55 sản phẩm OCOP, la liệt nông sản đặc sản được gắn "sao"
Mặc dù năm 2021 ngành nông nghiệp Đồng Nai chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng địa phương vẫn có 55 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên.
|
Đồng Nai trao nhiều chứng nhận sản phẩm OCOP |
UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Lễ công bố Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, chấm điểm, phân hạng và cấp giấy chứng nhận OCOP tỉnh Đồng Nai năm 2021.
Chương trình Mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) được khởi động tại Đồng Nai từ tháng 3/2019. Thời gian qua chương trình đã tạo được sức lan tỏa rộng trong nhiều địa phương và có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tham gia.
Nhiều sản phẩm như sen, khổ qua, ca cao,... đã phát huy được chuỗi giá trị, chất lượng sản phẩm.
Theo công bố năm 2021, toàn tỉnh Đồng Nai có 55 sản phẩm của 31 chủ thể đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 38 sản phẩm 3 sao, 17 sản phẩm 4 sao.
Như vậy tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 100 sản phẩm OCOP với 45 chủ thể được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.
Trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang chờ Trung ương đánh giá; 35 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 64 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Năm qua, Đồng Nai đã thực hiện khảo sát, khánh thành và đưa vào hoạt động 3 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Trụ sở Hội Nông dân tỉnh; Khu Du Lịch Bửu Long (TP. Biên Hòa) và Khu du lịch Thác Đá Hàn (huyện Trảng Bom).
Các khu vực trên đang trưng bày và bán 61 sản phẩm OCOP của Đồng Nai. Ngoài ra Đồng Nai còn triển khai xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại siêu thị Co.opmart Biên Hòa.
Tại buổi lễ, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá cao sự nỗ lực của các chủ thể tham gia chương trình OCOP của tỉnh trong năm 2021.
Theo ông Phi, để các sản phẩm OCOP Đồng Nai tiếp tục đứng vững và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên thị trường trong và ngoài nước, các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị tạo ra sản phẩm OCOP cần liên tục sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm.
"Tôi kỳ vọng thời gian tới, các sở, ngành, đặc biệt là các địa phương tiếp tục quan tâm xác định sản phẩm đặc trưng, đầu tư cho chất lượng, xây dựng tiêu chuẩn, thương hiệu hàng hóa cho sản phẩm OCOP. Còn nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã,... cần tiếp tục quan tâm, đầu tư để nâng chất, nâng sao cho sản phẩm OCOP, giúp cho giá trị sản phẩm ngày càng cao, góp phần phát triển nông nghiệp toàn tỉnh", ông Phi nói.