Kiên Giang: U80 vẫn làm Giám đốc Hợp tác xã, còn nặng nợ với nông dân thì còn sáng tạo
Nhắc đến ông Lê Hoàng Thống (75 tuổi) - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thạnh Tiến ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang ai cũng nể phục. Bởi ông Thống là người tiên phong sáng tạo, giúp nông dân tăng thu nhập.
|
Ông Lê Hoàng Thống bên nhiều bằng khen, giấy khen được các cấp khen tặng về thành tích phát triển kinh tế tập thể |
Vị giám đốc HTX luôn trăn trở thay đổi để giúp xã viên
Liên tục từ năm 2006 đến nay, HTX nông nghiệp Thạnh Tiến, ấp Bờ Xáng, xã Thạnh Bình (Giồng Riềng, Kiên Giang) được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển kinh tế tập thể. Thành tích ấy có được không thể không nhắc đến vai trò của ông Lê Hoàng Thống (75 tuổi) - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Tiến.
Thành lập năm 2005 với 130ha, Thạnh Tiến là HTX nông nghiệp đầu tiên của huyện Giồng Riềng thực hiện được khâu bơm tát tập trung. Tuy nhiên, bơm tát bằng máy dầu thời gian kéo dài, chi phí cao, thời điểm gieo sạ, thu hoạch không tập trung nên lợi nhuận của thành viên chưa nhiều.
Vụ đông xuân 2009-2010, tình hình sản xuất của HTX gặp nhiều khó khăn. Máy bơm trục trặc, quá sốt ruột, ông Thống đã tự tay sửa chữa. Máy không sửa được, ông Thống phải đi mua chịu máy bơm khác. Rồi cũng chính ông đứng ra ký nợ với đại lý để bà con HTX được mua thiếu phân bón vì vụ lúa trước đó giá lúa xuống thấp, bà con gần như lỗ nặng.
Tìm cách chuyển hướng hoạt động của HTX, thay vì trông chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, năm 2011, ông Thống vận động các thành viên góp 240 triệu đồng để đầu tư 3 bình điện hạ thế, mua giàn bơm, mô tơ, gia cố cống đập. Có trạm bơm điện, HTX rút ngắn thời gian bơm nước gieo sạ lúa từ 25 ngày (khi bơm bằng máy dầu) còn 7 ngày.
Nhờ chủ động khâu bơm tát, HTX nông nghiệp Thạnh Tiến canh tác thêm vụ 3, lợi nhuận thành viên tăng lên. Bình quân xã viên lãi 3-4 triệu đồng/công vụ đông xuân, vụ hè thu và thu đông lãi 1,5-2 triệu đồng/công.
Giám đốc HTX U80 vẫn sáng tạo, tăng thu nhập cho nông dân
Tháng 9/2021, ghé thăm HTX nông nghiệp Thạnh Tiến, chúng tôi thấy người dân chạy xe máy trên bờ bao được rải đá rộng 4m không thua gì đường giao thông nông thôn liên xã để thăm lúa.
Theo ông Thống, bờ bao này hình thành từ 2 lần nạo vét kênh thủy lợi nội đồng do thành viên HTX đóng góp 53 triệu đồng và huyện hỗ trợ 300 triệu đồng từ năm 2016. Sau đó, bà con góp 25 triệu đồng rải đá mạt để đi lại, vận chuyển lúa, phân bón dễ dàng hơn.
Giúp thành viên giảm chi phí, tặng lợi nhuận, ông Thống đã điều hành hoạt động HTX ngày càng đi vào nề nếp, vận hành theo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012, mọi vấn đề đều được công khai trước tập thể.
Ông Thống còn vận động bà con chấp hành khung thời vụ của huyện, nhưng HTX sạ muộn hơn nơi khác 15 ngày nhằm bán lúa được giá hơn. Các xã viên sản xuất đồng nhất một loại giống, lại gieo sạ đồng loạt, làm cùng quy trình "1 phải, 5 giảm" nên sản lượng và chất lượng lúa ngày một tăng.
"Đến vụ thu hoạch, cánh đồng 105ha của hợp tác xã được cắt đồng loạt, 2 ngày là dứt điểm. Lúa của bà con luôn được thương lái tranh mua với giá cao hơn thị trường từ 300-500 đồng/kg vì không có lúa lẫn, ghe 70-100 tấn chỉ cần mua ở HTX mà không phải gom mua nhiều nơi", ông Nguyễn Văn Mung, thành viên HTX nông nghiệp Thạnh Tiến chia sẻ.
Là một điển hình không chỉ ở huyện và tỉnh, HTX nông nghiệp Thạnh Tiến còn được trung ương chọn đầu tư theo Quyết định số 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020".