Đứng top 3 thế giới về sản lượng, Việt Nam bán cả triệu tấn sản phẩm này cho Trung Quốc, thu tỷ đô
09:23 - 26/10/2021
Do nhu cầu tốt hơn từ Trung Quốc, Ấn Độ, dự báo xuất khẩu cao su của Việt Nam vẫn khả quan. Hiện, giá cao su cũng không có nhiều biến động dù tác động của dịch Covid-19.
Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 1,28 tỷ USD, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong ảnh: Công nhân cạo mủ cao su tại Bình Phước

 

Giá cao su không có nhiều biến động nhờ Trung Quốc vẫn mua lượng lớn

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 9/2021, giá cao su nguyên liệu trong nước không có nhiều biến động nhờ việc xuất khẩu sang thị trường chính Trung Quốc vẫn thuận lợi.

Tại Bình Phước, giá cao su mủ nước dao động ở mức 303-310 đồng/độ mủ. Tại Đắk Lắk, giá mủ chén đầu ghi nhận mức 16.000-18.000 đồng/kg tùy loại. 

Tại Bình Dương, giá cao su nguyên liệu dao động trong khoảng 323-325 đồng/độ mủ. Tại Đồng Nai, giá cao su nguyên liệu ở mức 308-315 đồng/độ mủ. 

Sản xuất, chế biến và xuất khẩu cao su đang là ngành Việt Nam có nhiều lợi thế. Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy, Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về diện tích cao su, chiếm khoảng 5,6% tổng diện tích toàn cầu. 

Sản lượng cao su của Việt Nam xếp thứ 3 thế giới, chiếm khoảng 7,7% tổng lượng cao su tự nhiên thế giới, sau Thái Lan và Indonesia. Hiện cả nước có 238 doanh nghiệp chế biến mủ cao su, công suất đạt gần 1,2 triệu tấn/năm. 

Riêng Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam có 44 nhà máy, xí nghiệp chế biến mủ cao su, với công suất thiết kế 433.000 tấn/năm, chiếm 36,1% công suất các cơ sở chế biến mủ cao su cả nước. 

Tổng công suất của các cơ sở chế biến hiện nay vượt sản lượng cao su hàng năm từ 15 - 20%.

Trung Quốc mua đến 99% một loại cao su của Việt Nam

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 195.000 tấn, trị giá 321 triệu USD, tăng 2,8% về lượng và tăng 3,1% về trị giá so với tháng 8/2021; giá cao su xuất khẩu bình quân ở mức 1.646 USD/tấn, tăng 22,7% so với tháng 9/2020. 

Lũy kế 9 tháng năm 2021, xuất khẩu cao su ước đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 2,17 tỷ USD, tăng 17,1% về lượng và tăng 52,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Đáng chú ý, phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu đều đạt được tăng trưởng khá so với so với cùng kỳ năm 2020. 

Xuất khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp trong 8 tháng năm 2021 chiếm 61,9% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 686.320 tấn, trị giá 1,12 tỷ USD, tăng 14,6% về lượng và tăng 47,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,6% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu, đạt 683.260 tấn, trị giá 1,11 tỷ USD, tăng 15,8% về lượng và tăng 48,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 35,6% trong tổng trị giá nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 24,8% của 8 tháng đầu năm 2020.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 1,28 tỷ USD, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm 2020. 

Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2021 chiếm 15,9%, tăng mạnh so với mức 13,2% của 8 tháng đầu năm 2020.

Trao đổi với Dân Việt, ông Võ Hoàng An - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng, Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, vì vậy, các chính sách và sức khỏe nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này ảnh hưởng rất lớn đến thị trường cao su thiên nhiên toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam.

Việc các doanh nghiệp Trung Quốc gia tăng thu mua dự trữ cao su đã tạo đà tăng cho giá cao su từ những tháng cuối năm 2020.

Nhu cầu tốt hơn từ Trung Quốc, Ấn Độ, giá cao su còn khả quan?

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước Sản xuất Cao su tự nhiên (ANRPC), triển vọng nhu cầu thế giới về cao su tự nhiên năm 2021 sẽ tăng 9,3% so với năm 2020, lên 14,1 triệu tấn. 

Triển vọng được điều chỉnh là do dự đoán nhu cầu tốt hơn từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam trong năm 2021. 

Dựa trên những ước tính sơ bộ từ các nước thành viên, sản lượng cao su tự nhiên thế giới được điều chỉnh lên 13,86 triệu tấn, tăng 2,0% so với năm 2020. Theo số liệu cho thấy, thế giới sẽ thiếu hụt 240.000 tấn cao su tự nhiên trong năm 2021.

Ông Võ Hoàng An nhấn mạnh, ngành cao su Việt Nam sẽ tăng cường tận dụng các yếu tố thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết với các nước trong khu vực và trên thế giới để thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng cho ngành.

 

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn