|
Theo bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, việc thành lập các hợp tác xã, chi tổ Hội nông dân nghề nghiệp là một trong những ưu tiên của Hội Nông dân Việt Nam để thúc đẩy người dân liên kết, sản xuất theo nhu cầu thị trường. Ảnh: K.N |
"3 trong 1", "4 trong 1" trong liên kết nông dân với hợp tác xã, tổ Hội nghề nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2021 trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ NNPTNT tổ chức sáng 19/10, bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, nhận thức rõ vai trò, vị trí của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xác định tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội, được đưa vào nghị quyết của Hội Nông dân các cấp.
"Các chi Hội nông dân nghề nghiệp do các cấp Hội Nông dân thành lập đã thúc đẩy liên kết giữa nông dân với nông dân, nhiều chi tổ Hội nghề nghiệp còn phối hợp với doanh nghiệp và nhà khoa học trong sản xuất, tiêu thụ nông sản theo mô hình "3 trong 1" (chi Hội nông dân nghề nghiệp - hợp tác xã - doanh nghiệp); có hợp tác xã thành lập được tổ chức Đảng theo mô hình "4 trong 1" (chi Hội nông dân nghề nghiệp - hợp tác xã - doanh nghiệp - tổ chức Đảng" - bà Thơm thông tin.
Bà Thơm cho biết, đến nay, cả nước đã có 2.101 chi Hội nông dân nghề nghiệp và 24.343 tổ Hội nông dân nghề nghiệp được Hội Nông dân các cấp thành lập với ngành nghề sản xuất đa dạng, phong phú; các chi Hội, tổ Hội nghề nghiệp được thành lập, đi vào hoạt động đã tạo mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với hội viên, giữa hội viên với doanh nghiệp.
"Phương thức tập hợp hội viên nông dân vào các chi Hội nông dân nghề nghiệp, tổ Hội nông dân nghề nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc "5 tự" - tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm và "5 cùng" - cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi"- bà Thơm nhấn mạnh.
Đáng chú ý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, các chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp còn được hỗ trợ vốn trong quá trình hoạt động.
"Ngoài nguồn vốn ủy thác qua các Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân Việt Nam còn có Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng nguồn vốn 3.000 tỷ đồng. Quỹ được sử dụng để xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã, tức là sử dụng Quỹ thì phải thành lập được tổ hợp tác" - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thông tin thêm.
Thông qua sự hỗ trợ, tư vấn, tuyên truyền của Hội Nông dân, bà Thơm cho biết, đến nay, các cấp Hội trên cả nước đã trực tiếp vận động, tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ hội viên thành lập được gần 4.000 hợp tác xã nông nghiệp và hơn 24.000 tổ hợp tác trong nông nghiệp.
Cần có chính sách nâng cao "sức khỏe" hợp tác xã
Tuy nhiên, bà Thơm cũng cho rằng, bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai thành lập các chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp và tham gia xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã còn gặp khó khăn do nhận thức của không ít hội viên, nông dân về kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới chưa đầy đủ nên chưa sẵn sàng tham gia.
Quy mô của các hợp tác xã còn nhỏ bé, tính bền vững chưa cao. "Điều này thể hiện rất rõ trong đại dịch vừa qua, nhiều hợp tác xã phải giải thể do "sức khỏe" chưa tốt nên chịu ảnh hưởng của dịch" - bà Thơm nêu một thực tế.
Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã còn gặp khó khăn trong đội ngũ cán bộ quản lý, về vốn, đất đai, hạ tầng cơ sở; mối quan hệ giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp - nhà khoa học còn hạn chế.
Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, để nâng cao hơn nữa vai trò của Hội Nông dân trong phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã, thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để nông dân hiểu muốn phát triển sản xuất nông nghiệp phải đổi mới từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế, kinh doanh nông nghiệp và không còn con đường nào khác là liên kết - hợp tác, sản xuất theo nhu cầu thị trường, từ đó tự giác, tự nguyện, chủ động tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã.
"Đặc biệt, Hội sẽ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc thành lập mới các chi, tổ Hội nghề nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác trên cơ sở các chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp; coi trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các chi, tổ Hội nghề nghiệp, lấy hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, các chủ trang trại có trình độ, có uy tín làm hạt nhân, nòng cốt; khuyến khích lực lượng trí thức trẻ, cán bộ khoa học trẻ có nguyện vọng tham gia phát triển nông nghiệp tại quê hương bố trí làm chi Hội trưởng, tổ trưởng tổ Hội nghề nghiệp"- bà Thơm nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với Hội Nông dân triển khai có hiệu quả hoạt động phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp.