Bắc Giang: Đa dạng hóa các loại hình bảo vệ môi trường nông thôn
15:25 - 27/04/2018
(MTNT) – Thời gian qua, để công tác bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn đạt hiệu quả, tỉnh Hội đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 02 ký kết giữa T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài Nguyên Môi trường gắn với việc thực hiện các văn bản chỉ đạo trong công tác bảo vệ môi trường của Ban Thường vụ tỉnh ủy, hưởng ứng phong trào “Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”.
|
Các cấp Hội phát động nhiều mô hình bảo vệ môi trường nông thôn đem lại hiệu quả thiết thực |
Hội ND tỉnh đã cụ thể hóa nội dung, kế hoạch tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực, phù hợp với phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Nhờ đó đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Để công tác bảo vệ môi trường dần đi vào nề nếp, trở thành nếp nghĩ, thói quen hàng ngày của người dân, Hội đã phát động phong trào “Ngày chủ nhật xanh”. Theo đó, định kỳ vào ngày 14 hàng tháng, hội viên, nông dân tích cực ra quân, tham gia tổng vệ sinh đường làng, ngõ, xóm, thu gom rác thải trên đồng ruộng. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tích cực vận động hội viên, nông dân thực hiện 3 sạch gồm “Ăn sạch- ở sạch- sản xuất sạch”.
Hội xác định mỗi hội viên, nông dân sẽ là một tuyên truyền viên nòng cốt, đi đầu trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường nên việc vận động đều được thực hiện bằng những hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với điều kiện thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực như: Trồng, gìn giữ và chăm sóc cây xanh trên đường làng, ngõ xóm; không xả rác bừa bãi và thực hiện đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; hạn chế và nói không với việc sử dụng túi nylon… Ngoài ra, việc tuyên truyền còn được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp khác như: Thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội; qua các hội thi, giao lưu; phát tờ rơi…
Kết quả, toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền được 9.136 buổi tới cán bộ, hội viên, nông dân; tổ chức gần 6000 buổi sinh hoạt chi Hội, Câu lạc bộ nông dân; phối hợp với ngành chức năng treo 1.467 băng- rôn khẩu hiệu, 8.208 panô, áp phích vận động...
Đặc biệt, đã có 100% chi Hội đăng ký sửa chữa, bảo dưỡng, làm vệ sinh đường giao thông nông thôn theo chỉ tiêu 01 km2 đường/chi Hội. Như vậy, tính chung trong toàn tỉnh, đã có 2.429 km2 đường với trên 140.000 lượt hội viên, nông dân thường xuyên tham gia dọn dẹp, làm vệ sinh. Hội còn vận động hội viên, nông dân tích cực thu gom trên 11.000 tấn rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; nạo vét trên 4800 km2 kênh mương nội đồng; khơi thông 6.629 km2 cống rãnh; chăm sóc và trồng mới trên 40.000 cây xanh, cây ăn quả...
Hai ngành cũng thường xuyên phối hợp và tổ chức các hoạt động nhằm hưởng ứng những sự kiện môi trường lớn hàng năm như: Giờ trái đất; Tuần lễ quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường; Ngày Môi trường Thế giới 5/6; giải thưởng môi trường... Tính trong 05 năm (2012- 2017), toàn tỉnh đã có gần 20 sáng kiến, giải pháp về môi trường của cán bộ, hội viên, nông dân đã đạt được một số giải thưởng môi trường.
Điển hình là giải pháp “Vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải, vỏ thuốc BVTV, xây hầm khí biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi” của chi Hội thôn Hốt Hồ, xã Hương Vĩ- huyện Yên Thế, đạt giải thưởng môi trường của tỉnh và T.Ư.
Phát huy vai trò của giai cấp nông dân làm chủ thể trong quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mỗi hộ sản xuất kinh doanh giỏi làm nòng cốt, đi đầu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp bảo đảm an toàn chất lượng. Các hộ sẽ hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích cho cây trồng, vật nuôi gây ô nhiễm môi trường; chủ động liên kết với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn; đồng thời, chủ động tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm đối với những kết quả đã đạt được và vận động các hộ khác cùng tham gia.
Hội còn tổ chức cho hội viên, nông dân ký cam kết thực hiện ba không "Không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt; không dùng chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm; không tiêu dùng thực phẩm bẩn"; hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông sản thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, sử dụng chế phẩm sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản nông sản...
Song song với công tác tuyên truyền, hai ngành đã phối hợp tổ chức được 615 hội nghị truyền thông, tập huấn cho gần 43.050 lượt hội viên, nông dân. Qua đó, hội viên, nông dân được trang bị thêm kiến thức cần thiết, có trách nhiệm và thay đổi dần hành vi, ứng xử thân thiện hơn với môi trường; tự giác thu gom, phân loại và xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt, chăn nuôi.
Năm 2017, Hội ND tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường tổ chức 02 hội nghị tập huấn truyền thông nâng cao kiến thức về thu gom, phân loại và xử lý rác thải, tác hại của việc sử dụng túi nilon đối với môi trường cho trên 200 cán bộ, hội viên, nông dân tại các thôn Phú Yên 1, thôn Phú Yên 2- xã Tam Dị- huyện Lục Nam. Các cấp Hội còn phối hợp tổ chức hàng trăm lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP; kỹ thuật nuôi thuỷ sản theo hướng thâm canh bền vững; ứng dụng các chế phẩm sinh học, vi sinh vào trồng trọt, chăn nuôi để thay thế các loại thuốc hoá học độc hại, sử dụng phân bón theo quy trình khép kín…
Nhận thấy tính hiệu quả của việc xây dựng các mô hình điểm bảo vệ môi trường nông thôn, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo mỗi cơ sở Hội xây dựng ít nhất một mô hình điểm Hội ND tham gia bảo vệ môi trường nông thôn sao cho phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương. Kết quả, có 226/226 cơ sở Hội tham gia, xây dựng được 275 mô hình Hội ND tham gia bảo vệ môi trường nông thôn. Nhiều mô hình lấy hiệu quả từ thực tiễn nên đã vận động được đông đảo bà con nhân dân làm theo như: “Tuyến đường nông dân tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp”; “chi Hội ND thu gom rác thải”; chi Hội ND “đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”; mô hình “Một hố rác - một cây xanh”…
Ngoài ra, Hội ND tỉnh còn được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí xây dựng một số mô hình thí điểm như: “Xây dựng hệ thống hầm biogas liên hoàn, xây mương thoát nước thải”; “Xây dựng hệ thống tường bao bãi rác thải tập trung nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường”; “Xử lý chất thải bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế trang trại của nông dân vùng nông thôn”; “Thu gom, xử lý chất thải trong cộng đồng dân cư bảo vệ môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch đẹp”... Sau thời gian triển khai, các mô hình đều cho thấy tính hiệu quả, thiết thực. Từ đó, các cấp Hội ND trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền để hội viên, nông dân tích cực chia sẻ kinh nghiệm thực tế cùng những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện và vận động các hộ khác cùng tham gia.
Ngoài ra, để góp phần làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động trồng trọt, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh đã xây dựng mô hình thí điểm sử dụng nguyên liệu phân bón Sumitri trên diện tích 20 ha, triển khai tại 6 xã của huyện Lạng Giang và thành phố Bắc Giang. Hội còn tổ chức tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ chế phẩm xử lý rơm, rạ sau thu hoạch cho 1.180 hội viên, nông dân; xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học Biowish nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn tại thôn Khánh- xã Lương Phong- Huyện Hiệp Hòa…
Có thể khẳng định, đạt được những kết quả như trên là do các hoạt động bảo vệ môi trường của Hội đều hướng về cơ sở, tập trung cho hội viên, nông dân, nhất là nông dân sống ở các vùng còn nhiều khó khăn và thiếu thông tin. Thông qua đó, Hội đã giúp hội viên, nông dân có đủ kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường, xây dựng ý thức và kỹ năng đúng, dần dần thay đổi hình thành nếp sống có lợi hơn cho bản thân, cho cộng đồng cũng như thân thiện với môi trường.
Hà Thu