Để ngư dân tuân thủ nghiêm cẩn những quy định trong lĩnh vực khai thác của Luật Thủy sản 2017, ngành chức năng Bình Định đã áp dụng nhiều biện pháp, “mềm có, cứng có”.
|
Ngành chức năng Bình Định tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên biển nhằm ngăn chặn những hành vi đánh bắt bất hợp pháp. Ảnh: Ngọc Thăng. |
Khắc phục những khuyến nghị của EC
Mới đầu năm nay, mục tiêu “phủ sóng” thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định của ngư dân Bình Định còn khá xa thì hiện đã gần chạm đích.
Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong số 3.300 tàu cá của ngư dân tỉnh này có chiều dài từ 15m trở lên buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1/4/2020 thì đến cuối tháng 3/2020 đã có trên 90% số tàu cá nói trên đã được lắp đặt thiết bị.
“Sau khi tất cả những tàu cá khai thác vùng khơi của ngư dân Bình Định đều được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì chúng tôi sẽ kiểm soát chặt chẽ được hoạt động của đội tàu đánh bắt xa bờ, nếu tàu nào vi phạm vùng biển nước ngoài chúng tôi sẽ biết ngay và sẽ xử lý mạnh tay.
Thiết bị giám sát hành trình còn giúp cho việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản trở nên dễ dàng hơn. Hiện chúng tôi đã chia sẻ thiết bị cho các cảng cá có trách nhiệm xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản, đó là Cảng cá Đề Gi và Cảng cá Quy Nhơn.
Theo dõi qua thiết bị, nhân viên các cảng cá có thể truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt chính xác, nếu không sai phạm thì tiến hành xác nhận, chứng nhận theo đúng quy định”, ông Phúc cho hay.
Việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản là một trong những nhiệm vụ cấp bách mà ngành chức năng Bình Định đang nỗ lực thực hiện để đáp ứng khuyến nghị của EC nhằm góp phần gỡ “thẻ vàng” thủy sản.
Quan sát tại Cảng cá Đề Gi và Cảng cá Quy Nhơn, chúng tôi thấy việc tàu cá trước khi cập bờ phải báo cho lực lượng chức năng trước 1 tiếng đồng hồ đang được ngư dân thực hiện nghiêm cẩn. Khi tàu cập cảng, cảng cá bố trí nhân viên ra giám sát sản lượng. Căn cứ vào nhật ký của tàu cá nhân viên sẽ kiểm tra sản lượng thực tế đúng hay sai để xác nhận.
Sau khi doanh nghiệp thu mua sản phẩm của tàu cá, cảng cá sẽ xác nhận lô sản phẩm ấy là hợp pháp. Khi sản phẩm được chế biến, ngành thủy sản tỉnh lại chứng nhận một lần nữa nguyên liệu được đánh bắt không vi phạm để sản phẩm đã qua chế biến được đưa đi xuất khẩu.
Một điều rất dễ dàng nhận thấy là Bình Định đang rất quyết liệt trong việc ngăn chặn tàu cá của ngư dân trên địa bàn đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài, một trong những điều kiện tiên quyết để EC gỡ “thẻ vàng” thủy sản cho Việt Nam.
Thời gian đoàn công tác của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 3 về “chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định” không còn xa, dự kiến vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 tới đây.
Trong thời gian ít ỏi còn lại, Bình Định ráo riết tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân về các quy định pháp luật liên quan đến khai thác IUU và Luật Thủy sản. Đã có 3.300 chủ tàu khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Đối với những tàu đã vi phạm, Bình Định xử lý mạnh tay để răn đe những chủ tàu khác. “Cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ngư dân Trương Văn Sơn ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn với số tiền 900 triệu đồng do hành vi đánh bắt xâm phạm vùng biển Đài Loan và bị lực lượng chấp pháp nước này bắt giữ.
Ông Sơn cũng bị tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá trong vòng 6 tháng và tàu cá BĐ - 97277 TS của ông cũng đã bị ngành chức năng xóa số đăng ký tàu cá và thu hồi giấy phép khai thác thủy sản”, ông Trần Văn Phúc cho biết.
Gánh nặng “tàu cá không số”
Không chỉ quan tâm đến việc kiểm soát hoạt động của tàu cá đánh bắt xa bờ, Bình Định còn đưa những tàu đánh bắt ven bờ và nội địa vào “tầm ngắm”, nhất là những tàu cá không đăng ký thường được mệnh danh là “tàu cá không số”.
Bởi, theo ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, bất cứ hoạt động đánh bắt dù xa bờ hay gần bờ mà sai phạm cũng là nguyên nhân dẫn đến “thẻ vàng” thủy sản.
“Bởi đó, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu đánh bắt xa bờ, nhất là về vi phạm khai thác IUU, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát những tàu cá đánh bắt gần bờ và nội địa, quyết liệt ngăn chặn những vi phạm để góp phần gỡ “thẻ vàng” IUU”, ông Dương bộc bạch.
Cũng theo ông Dương, từ năm 2018, ngành chức năng tỉnh này đã phối hợp với BĐBP và Công an Đường thủy mở những chiến dịch lớn kéo dài hàng tháng, thậm chí kéo dài cả 2 tháng với 30 người tham gia truy quét tàu cá có hành vi vi phạm trong hoạt động đánh bắt, đặc biệt tại các khu vực gần 2 cảng cá Đề Gi và Quy Nhơn. Trong năm 2018 đã tổ chức 49 chuyến tuần tra, kiểm soát 348 lượt tàu cá, phát hiện và xử lý 78 trường hợp vi phạm, phạt tiền 120 triệu đồng.
Bước sang năm 2019, công tác này tiếp tục được duy trì, đã tổ chức 46 chuyến tuần tra, kiểm soát; qua đó kiểm tra 627 lượt tàu cá, ngăn chặn kịp thời 11 phương tiện giã cào có dấu hiệu vi phạm đang di chuyển trong khu vực ven bờ, lập biên bản xử phạt vi phạm 70 trường hợp với số tiền hơn 225 triệu đồng.
Đối với những tàu cá, kể cả đánh bắt xa bờ và đánh bắt ven bờ, nếu không đủ giấy tờ cần thiết ngành chức năng sẽ đình chỉ hoạt động, nếu “bắt tại trận” đang hoạt động trên biển mà không đầy đủ giấy tờ sẽ bị xử phạt.
“Chi cục Thủy sản Bình Định đã phát đi thông báo, chỉ ra cụ thể tàu của ngư dân nào đang thiếu giấy tờ gì, đặc biệt là giấy phép khai thác.
Nếu trong vòng 1 năm mà các chủ tàu nói trên không đến cơ quan chức năng làm đủ thủ tục thì theo Luật ngành chức năng sẽ xác định là tàu ấy đã “mất tích” và sẽ xóa số đăng ký”, ông Trần Kim Dương cho biết thêm.
Cái “gánh” nặng nhất trên vai ngành chức năng Bình Định là những tàu cá không đăng ký, thường được gọi là “tàu cá không số”. Đó là những tàu cá do ngư dân đóng “lụi”, lắp máy Trung Quốc rồi đi khai thác thủy sản ngoài vòng kiểm soát của ngành chức năng.
“Hiện Bình Định vẫn còn nhiều tàu cá loại này, nhất là tại 2 huyện Tuy Phước và Phù Cát. Do chủ tàu không đăng ký nên ngành chức năng không thể biết chính xác chúng đang có bao nhiêu chiếc. Cũng vì do chúng không được đăng ký nên việc điều tra rất khó.
Thế nhưng qua thực tế, ước tính số tàu này hiện có khoảng trên 500 chiếc đang hoạt động. Hành vi khai thác bất hợp pháp không chỉ riêng là tàu đánh bắt xa bờ, thế nên nếu “tàu không số” hoạt động không đúng quy định thì vẫn là khai thác bất hợp pháp, nếu EC phát hiện thì nỗ lực gỡ “thẻ vàng” cũng sẽ trở thành công cốc”, ông Trần Kim Dương chia sẻ.
“Hiện Chi cục Thủy sản Bình Định chỉ có con 2 tàu nhỏ đủ đảm bảo hoạt động ven bờ, lực lượng chuyên trách thì chưa tới 10 người. Theo Luật Thủy sản thì vùng khơi do Bộ NN-PTNT quản lý, vùng lộng, vùng ven bờ và vùng nội địa do tỉnh quan lý. Với lực lượng mỏng như kể trên mà nếu chính quyền địa phương cấp huyện lơ là, không hợp tác tốt thì ngành chức năng khó mà đảm đương, hoàn thành trách nhiệm”, ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định.