Bẫy dính màu phòng trừ bọ rệp
15:01 - 20/08/2018
Sau khi áp dụng thành công mô hình bẫy bả chua ngọt, bẫy pheromone... năm 2018 Chi cục BVTV Hà Nội tiến hành thực nghiệm mô hình IPM mới, sử dụng bẫy dính màu phòng trừ sâu hại trên rau, bước đầu mang lại hiệu quả khả quan, tích cực.

Mô hình bẫy dính màu, chủ yếu là màu vàng và màu xanh Chi cục BVTV Hà Nội đang triển khai nhằm hướng đến phòng trừ các đối tượng sâu hại chích hút như ruồi đục lá, rệp, bọ trĩ, bọ phấn, sâu tơ, bọ nhảy, sâu xanh bướm trắng… trên rau.

Bẫy dính màu phát huy hiệu quả tốt với các loại sâu hại chích hút

Thời gian thực hiện thử nghiệm mô hình kéo dài tối thiểu 4 tháng trên các chủng loại rau họ thập tự, cà chua, đậu đỗ, dưa chuột, cà pháo, cà tím… Trong đó, đặc biệt ưu tiên chọn các loại rau có thời gian sinh trưởng dài, nếu triển khai trên rau có thời gian sinh trưởng ngắn thì tiến hành theo dõi nhiều lứa.

Để triển khai mô hình này, Chi cục BVTV Hà Nội và hệ thống Trạm BVTV tại các quận, huyện tổ chức họp triển khai phổ biến thực nghiệm với lãnh đạo địa phương và các hộ nông dân tham gia thử nghiệm, đồng thời tập huấn các kiến thức cơ bản về phương pháp điều tra hệ sinh thái trên đồng ruộng.
 

Nhằm mục đích thu lại kết quả chính xác, khách quan nhất, Chi cục BVTV Hà Nội chia sẻ, mô hình thử nghiệm được bố trí thành các công thức: Công thức dùng bẫy dính màu vàng để phòng trừ sâu hại; công thức dùng bẫy dính màu xanh để phòng trừ sâu hại và công thức phòng trừ sâu, bệnh theo tập quán của nông dân.
 

Bẫy dính màu có một mặt hoặc 2 mặt dính để bẫy trưởng thành sâu, kích thước 20cm x 38cm. Sử dụng 10 bẫy dính cho 1 sào Bắc bộ, khoảng 20 - 30 ngày thay bẫy dính 1 lần tuỳ thuộc vào mật độ sâu. Đối với cây có giàn, treo trực tiếp bẫy vào giàn, treo ngoài rìa tán cây. Đối với cây không có giàn, tiến hành treo bẫy vào cọc và cắm cọc xuống đất sao cho bẫy cao hơn cây từ 15 - 20cm.
 

Trong quá trình triển khai thử nghiệm, Trạm BVTV có trách nhiệm tổ chức hội nghị đầu bờ để tiến hành đánh giá kết quả, hiệu quả thử nghiệm với thành phần tham dự đầy đủ lãnh đạo Chi cục BVTV Hà Nội, Phòng Quản lý chất lượng nông sản, lãnh đạo địa phương triển khai thử nghiệm và các hộ nông dân tham gia thử nghiệm và nông dân sản xuất rau trong vùng.


Phúc Thọ là huyện có truyền thống trồng cà pháo của Hà Nội. Cây cà mang lại giá trị kinh tế rất cao, song có hạn chế bị nhiều đối tượng sâu bệnh hại, đặc biệt là rầy xanh, bọ trĩ, nhện đỏ là các đối tượng gây hại thường xuyên. Các loài dịch hại này có vòng đời ngắn, dễ nhờn chống thuốc, trong khi cà pháo thường 3 - 5 ngày thu hoạch 1 lần, các loại thuốc BVTV có hiệu quả trừ rầy xanh, bọ trĩ, nhện đỏ lại thường có thời gian cách ly dài từ 7 - 10 ngày. Do đó, để đảm bảo ATTP rất cần có biện pháp kỹ thuật diệt trừ rầy xanh, bọ trĩ, nhện đỏ.
 

Năm 2018, Trạm BVTV Phúc Thọ triển khai mô hình thử nghiệm bẫy dính màu để phòng trừ sâu hại tại trên cây họ cà, họ bầu bí. Tuy mô hình mới triển khai được 1 tháng, nhưng theo Trạm trưởng Trạm BVTV Phúc Thọ Khuất Thị Phương, kết quả của 4 kỳ điều tra cho thấy, bẫy dính màu đã dẫn dụ và diệt trừ được các đối tượng rầy xanh trên cây họ cà, ruồi đục quả trên cây họ bầu bí bằng bẫy dính màu vàng. Bẫy dẫn dụ và diệt trừ được bọ trĩ bằng bẫy dính màu xanh, với mật độ vào bẫy là 300 - 500 con/bẫy/tuần. Từ đó, góp phần bảo vệ được năng suất cây trồng, tạo ra sản phẩm an toàn mà không phải sử dụng thuốc BVTV.

Cũng là huyện triển khai thí điểm mô hình bẫy dính màu, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Hoài Đức Đặng Thị Thu Thủy cho biết, bước đầu thử nghiệm cho thấy, bẫy dính màu là giải pháp tiến bộ mới rất hiệu quả và hứa hẹn với những vùng trồng các loại rau họ đậu, họ cà của Thủ đô. Thực tế các mô hình đã triển khai đến nay cho thấy, bẫy rất hiệu quả với các loại sâu hại chích hút, các loài trưởng thành biết bay đều bị bẫy thu hút rất mạnh.

Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn