Mách nông dân cách chữa 4 bệnh thường gặp ở trâu, bò mùa nắng nóng
Mùa nắng nóng thường ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi trâu, bò do phải chịu tác động của nền nhiệt độ cao làm giảm thu nhận thức ăn, giảm sức đề kháng. Đồng thời là mùa sinh sôi phát triển của nhiều loài động vật, côn trùng trung gian truyền các bệnh; bệnh dễ xâm nhập và lây lan nhanh, gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi.
Dưới đây là cách nhận biết và phòng trị các bệnh thường gặp ở mùa hè trên trâu, bò.
1. Bệnh tiêu chảy
* Triệu chứng: Bệnh thường bị ở bê, nghé nhiều hơn trâu, bò trưởng thành; Khi mắc bệnh ở giai đoạn đầu vật nuôi thường mệt mỏi, ăn kém, uống nước nhiều, đi phân lỏng có màu xám vàng hoặc xám xanh có mùi tanh khó chịu.
Khi bị nặng, bê, nghé phân toàn nước, đôi khi có máu, mất nước, mất muối trong cơ thể và chết do kiệt sức; Nếu điều trị không kịp thời, tỷ lệ bê, nghé chết từ 30 - 40%, do đó cần phát hiện bệnh sớm để có biện pháp điều trị.
* Cách điều trị: Ngoài dùng thuốc Atropine tiêm theo liều 1ml/15 - 20kg thể trọng, trường hợp bị nặng phải truyền dung dịch nước đường đẳng trương hoặc nước muối sinh lý vào tĩnh mạch cho bê, nghé theo liều 0,5 - 0,8 lít/ bê, nghé.
Ngoài ra, kết hợp sử dụng 300g lá ổi hoặc lá phèn đen + 1 lít nước rồi đun sôi cho bê, nghé uống 1 - 2 lần/ngày, mỗi lần từ 0,2 - 0,5 lít.
2. Bệnh giun đũa ở bê, nghé
|
Ảnh minh họa |
* Triệu chứng: Bệnh thường xảy ra vào đầu mùa hè, thường thấy ở bê, nghé từ 1 - 3 tháng tuổi. Khi nhiễm giun có triệu chứng dáng đi chậm chạp, cúi đầu, đuôi cụp; khi bệnh nặng nghé bỏ ăn, nằm một chỗ, đập chân lên phía bụng.
Do giun đũa chiếm đoạt chất dinh dưỡng và tiết độc tố vào máu nên bê, nghé gầy yếu, rối loạn tiêu hóa; thường chết do kiệt sức với tỷ lệ khoảng 30 - 40%.
* Cách điều trị: Đối với bê, nghé dưới 2 tháng tuổi dùng thuốc tiêm Levamisol, kết hợp với Vitamin ADE; Đối với bê, nghé trên 2 tháng tuổi, ngoài tiêm thuốc đồng thời tiến hành tiêu diệt các loại ngoại kí sinh trùng khác như ve, rận,…
Cần tẩy giun cho bê, nghé ở những vùng có bệnh theo định kỳ 20 ngày tuổi, 1 tháng tuổi.
3. Bệnh tụ huyết trùng
* Triệu chứng: Bệnh do vi khuẩn tụ huyết trùng có nhiều tuýp khác nhau gây bệnh; là bệnh lây lan mạnh, chủ yếu qua đường tiêu hóa, hô hấp và tiếp xúc giữa trâu, bò bệnh và trâu, bò khỏe do ăn phải rơm, cỏ hoặc nước nhiễm mầm bệnh.
- Thể quá cấp tính: Bệnh tiến triển làm vật nuôi chết rất nhanh; trước lúc chết có triệu chứng thần kinh, điên loạn, mắt đỏ, sau tím tái ngã vật rồi chết.
- Thể cấp tính: Vật nuôi bỏ ăn, niêm mạc mắt đỏ, lưỡi thè ra không cử động được, nước dãi chảy thành dòng hoặc có bọt trắng xóa; không ợ hơi, nhai lại và bụng trướng to, khó thở, thở khò khè; phân lúc đầu đi táo, sau tiêu chảy có lẫn máu.
* Cách điều trị: Dùng dùng thuốc kháng sinh theo liều lượng khuyến cáo của thú y viên; có thể bổ sung dung dịch điện giải NaCl 0,9% 1.000ml mỗi ngày.
4. Bệnh kí sinh trùng đường máu (bệnh tiên mao trùng)
* Triệu chứng: Trâu, bò bị bệnh sẽ đi lại khó khăn, kén ăn, phân lỏng, viêm mạc mắt nhợt nhạt, thể trạng yếu nhưng vẫn ăn cỏ. Có khi sốt 40 - 41oC, nhưng có cơn sốt gián đoạn, không theo quy luật.
Thường thì bệnh kéo dài hàng tháng, con vật nếu không chết thì sự hồi phục cũng chậm chạp và kéo dài.
* Cách điều trị: Chú ý phát hiện bệnh sớm và chữa trị kịp thời, kết hợp 3 biện pháp sau: Dùng thuốc diệt ký sinh trùng như Phenoltridinium Naganin; Cho trâu, bò ăn đầy đủ cỏ tươi, hỗn hợp tinh, bổ sung khoáng và vitamin; Tăng cường vệ sinh chuồng trại và môi trường xung quanh, tiêu diệt ruồi trâu và mòng.