Đây là một trong những loại bệnh hại gây tốn nhiều chi phí cho người sản xuất và làm nhiều nhà vườn điêu đứng, nếu không biết áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật.
|
Ảnh minh họa |
Tác nhân chính gây ra bệnh chết nhanh do nấm có tên khoa học là Phytophthora sp.
Triệu chứng và tác hại: Nấm bệnh gây hại trên rễ, thân, cành lá và chùm quả, nhưng phổ biến nhất là ở phần thân nằm trong đất, nơi tiếp giáp với mặt đất. Thường vào mùa mưa, bệnh tấn công vào hầu hết các bộ phận của cây tiêu, làm các bộ phận trên mặt đất héo nhưng vẫn giữ màu xanh, sau đó lá và đốt cành có thể rụng hoặc héo khô cùng với dây tiêu.
Khi nấm bệnh tấn công vào phần thân trên mặt đất, hay thân ngầm và rễ cây, sẽ làm thân, rễ bị thâm đen, hư thối, sờ thấy trơn nhớt và có mùi khó chịu, sau đó, sẽ làm cây chết rất nhanh trong vòng 5 - 7 ngày. Triệu chứng tiêu bị chết nhiều được thấy rõ vào đầu mùa khô. Những năm mưa nhiều và kéo dài, bệnh thường gây hại nặng và lây lan nhanh, đôi khi thành dịch, làm tiêu chết hàng loạt.
Phòng trị: Diễn biến bệnh trên vườn tiêu rất nhanh, thường khi lá bắt đầu héo thì nấm đã ăn sâu vào bên trong và đã phá hoại các bộ phận của cây. Vì vậy đối với bệnh này, phòng bệnh phải được xem là biện pháp quan trọng hàng đầu và cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp mới quản lý được.
Sau đây là một số biện pháp chính đã được nhiều bà con vận dụng và đã quản lý hiệu quả bệnh chết nhanh:
Chế độ nước: Thiết kế hệ thống tưới và tiêu khoa học để quản lý nước thật tốt. Nếu làm mương để tưới thì mương tưới và mương tiêu phải riêng biệt. Các trụ tiêu cần có bồn riêng để tránh nước chảy từ bồn này sang bồn khác. Bồn chỉ đắp cao lên chứ không đào sâu như cà phê, gốc tiêu phải được đắp cao nhất trong bồn để đảm bảo luôn được khô ráo. Cần thoát nước triệt để trong mùa mưa, không để nước đọng, không để nước chảy tràn từ trụ tiêu này sang trụ tiêu khác, từ vườn này sang vườn khác.
Chế độ ánh sáng: Trước khi vào mùa mưa, nên tỉa lá sâu bệnh, tỉa bớt dây lươn cho thoáng trụ tiêu, cắt tỉa cây che bóng, cây choái sống hợp lý để cả vườn thông thoáng. Chú ý phần gốc tiêu cần thông thoáng, không được che phủ rơm rác, cắt bỏ cành sát mặt đất...
Chế độ dinh dưỡng: Cần bón cân đối, hợp lý các loại phân NPK, tránh dư đạm. Bón đủ phân chuồng hoai mục, dùng các loại vi lượng cần thiết như POLY FEED để cây khỏe mạnh. Sử dụng CALCIUM NITRATE để giảm độ chua đất, giúp rễ phát triển.
Bảo vệ bộ rễ khỏi bị thương tổn: Khi chăm sóc, bón phân thì tránh làm xây xát hay làm đứt rễ tiêu, xử lý sâu hại trong đất (sùng, ve sầu, mối...).
Thuốc phòng trị: Sử dụng luân phiên một trong 3 loại thuốc sau:
TREPPACH BUL 607SL, pha 50ml/16 lít nước hoặc 300ml/100 lít nước. Nên phun hoặc tưới phòng ngừa 3 lần/năm (vào đầu, giữa và cuối mùa mưa). Phun ướt đều tán lá và tưới vào khu vực gốc rễ. Kiểm tra vườn tiêu thường xuyên, để phát hiện và xử lý thuốc kịp thời cho trụ tiêu bị bệnh và các trụ tiêu đứng gần trụ bị bệnh.
ALPINE 80WG, pha 30 - 40g/bình 16 lít nước, hoặc 200 - 250g/100 lít nước. Phun ướt đều tán lá hoặc tưới vùng gốc rễ để phòng ngừa 3 lần/năm (vào đầu, giữa và cuối mùa mưa). Phun ướt đều tán lá và tưới vào khu vực gốc rễ tiêu.
MEXYL MZ 72WP, pha 50 - 70g/bình16 lít nước hoặc 300 - 450g/100 lít nước. Phun ướt đều tán lá hoặc tưới vào khu vực gốc rễ để phòng ngừa 3 lần/ năm.
Thường xuyên kiểm tra vườn tiêu, nếu phát hiện cây chớm bị bệnh thì cần sử dụng thuốc 5 - 7 ngày/lần cho đến khi cây phục hồi (phun lên tán cây và tưới gốc). Chú ý xử lý thuốc cho các cây đứng gần cây bị bệnh, đặc biệt các cây đứng ở vị trí đất thấp hơn cây bị bệnh.