Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề nghị xây dựng Nghị định khuyến khích phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp.
|
Ảnh minh họa |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, qua hơn 10 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010; Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02/12/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, hiện mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, nhiều loại máy móc, thiết bị được sử dụng trong nông nghiệp; nhiều khâu sản xuất có mức độ cơ giới hóa cao, nhất là sản xuất lúa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng khâu làm đất đạt gần 100%, thu hoạch gần 90%.
Cơ giới hóa nông nghiệp đã giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ khẩn trương góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của một số nông sản góp phần tạo các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu thế giới. Thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn: Đã hình thành nhiều mô hình liên kết doanh nghiệp với hợp tác xã, nông dân sản xuất trên cánh đồng lớn với các dịch vụ cơ giới hóa cho các khâu làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy khô, cho thuê kho bảo quản với những ưu đãi nhất định.
Chính sách hỗ trợ mua máy, thiết bị nông nghiệp đã góp phần nâng cao mức độ cơ giới hóa và khuyến khích thúc đẩy các cơ sở cơ khí chế tạo máy nông nghiệp trong nước đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng máy móc thiết bị sản xuất có hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chiến lược định hướng phát triển ổn định lâu dài, làm căn cứ để xây dựng các cơ chế, chính sách đồng bộ, hoạch định kế hoạch phát triển cơ giới hóa nông nghiệp. Chưa có các quy định cụ thể về các tiêu chí xác định trình độ cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp; công tác an toàn vệ sinh lao động trong sử dụng máy, thiết bị nông nghiệp; sơ chế nông sản.
Bên cạnh đó, mức độ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp một số khâu đạt cao nhưng chưa đồng bộ, mới tập trung chủ yếu một số khâu như: làm đất, chăm sóc lúa, mía; thu hoạch lúa; một số khâu mức độ cơ giới hóa còn thấp như: cấy lúa, chăm sóc cây ăn quả, thu hoạch mía, cà phê. Trang bị động lực máy nông nghiệp Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực. Trình độ trang bị máy động lực còn lạc hậu, thể hiện hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún (máy nhỏ chiếm trên 60%). Cơ khí trong nước chưa đáp ứng nhu cầu máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp về chủng loại, số lượng cũng như chất lượng máy (mới đạt khoảng 33% nhu cầu sản phẩm cơ khí); máy kéo, máy gặt lúa chủ yếu của KUBOTA, YANMAR Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc; máy phun thuốc, máy gieo hạt, máy cắt cỏ chủ yếu của Honda Nhật Bản.
Cơ chế chính sách đã ban hành tương đối đầy đủ nhưng thực thi còn hạn chế, thiếu sự nhất quán, đặc biệt về cơ chế tài chính do nguồn lực còn hạn chế.
Chính sách hỗ trợ nông dân mua máy sản xuất nông nghiệp (Quyết định 68/2013/QĐ-TTg) khả năng tiếp cận vốn vay của người dân còn hạn chế do người dân không có tài sản thế chấp. Cơ chế hỗ trợ tín đụng đầu tư phát triển cho các cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp không hấp dẫn các cơ sở đầu tư cơ khí.
Thêm vào đó, kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ, đáp ứng cho nhu cầu phát triển cơ giới hoá, hiện đại hoá như: Đường giao thông liên vùng, liên xã, giao thông nội đồng; quy mô đồng ruộng phân tán, manh mún; hệ thống tưới, tiêu chủ động. Máy và thiết bị nông nghiệp cơ bản đang được đầu tư theo quy mô hộ, hiệu suất sử dụng máy chưa cao, chưa hình thành các tổ chức dịch vụ cơ giới hóa chuyên nghiệp, các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa. Chất lượng máy, thiết bị nông nghiệp chưa được kiểm soát, thả nổi; người sử dụng máy, thiết bị nông nghiệp chưa qua đào tạo; tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động sử dụng máy, thiết bị nông nghiệp cao.
Tiến tới mục tiêu cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp
Để khắc phục những hạn chế, tiến tới mục tiêu cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp thì việc xây dựng Nghị định khuyến khích cơ giới hóa đồng bộ trong giai đoạn hiện nay là cần thiết.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc xây dựng Nghị định khuyến khích phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp nhằm mục đích nghiên cứu bổ sung “Tạo cơ sở pháp lý cho thu hút đầu tư vào đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản theo hướng tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh, hướng tới phát triển một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn bền vững, hội nhập với thị trường quốc tế”.
Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, nâng cao hiệu quả quản lý, tính thống nhất thông qua quy định về các nội dung cơ giới hóa đồng bộ và chế biến nông sản; chính sách hỗ trợ gắn với quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các đối tượng tham gia vào quá trình cơ giới hóa nông nghiệp, chế biến nông sản.
Tạo ra diện mạo mới trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng các loại máy, thiết bị, công nghệ tiên tiến trong hầu hết các công đoạn của sản xuất, đồng bộ với các điều kiện thúc đẩy cơ giới hóa như: xây dựng kết cấu hạ tầng, cải tạo đồng ruộng; tổ chức sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực… nhằm thay đổi một cách căn bản phương thức sản xuất từ thủ công sang cơ giới với hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường cao hơn nhằm tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và cạnh tranh nông sản trong quá trình hội nhập, từ đó nâng cao thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động nông thôn.
Mời bạn đọc xem Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định khuyến khích phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp và góp ý tại đây.