Tại Nam Định, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước vào trồng trọt, nhất là cho cây trồng trên cạn đã đem lại nhiều ưu điểm, hiệu quả cao cho người dân.
|
Ông Bùi Văn Sớm (xóm 12, xã Hải Quang, huyện Hải Hậu) bên hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Ảnh: Mai Chiến. |
Hiệu quả
Gia đình ông Bùi Văn Sớm (xóm 12, xã Hải Quang, huyện Hải Hậu) canh tác 7 mẫu Bắc bộ cây đinh lăng. Toàn bộ diện tích được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm được Cty CP Traphaco thu mua lại toàn bộ.
Năm 2012, khi mới bắt đầu trồng loại cây dược liệu này, gia đình ông đã áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước vào sản xuất.
Theo ông Sớm, chi phí đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho vườn cây đinh lăng không lớn. Khoảng 3 triệu đồng/sào (gồm máy móc, ống dẫn nước, công làm…). Việc sử dụng công nghệ này đem lại nhiều ưu điểm như không tốn sức người, bớt được công lao động, nước được tưới đều và thấm sâu dưới lòng đất…
“Với diện tích 7 mẫu, nếu tưới nước bằng phương pháp truyền thống thì không biết khi nào gia đình mới tưới xong, bởi còn phụ thuộc vào sức khỏe, nhân công… Giờ thì, chỉ cần việc bật cầu dao điện là toàn bộ hệ thống dẫn nước hoạt động, vừa nhàn lại vừa sướng”, ông Sớm thổ lộ.
Dẫn chúng tôi đi tham quan hệ thống tưới, phun áp dụng công nghệ tiên tiến của gia đình, ông Sớm bảo, chỉ mất 1 tiếng đồng hồ là toàn bộ diện tích cây đinh lăng đã được uống “no” nước. Nền đất ẩm ướt, lâu bốc hơi, giúp cây đinh lăng lúc nào cũng tươi tốt. Cứ 3 - 4 ngày, gia đình mới phải tưới vườn đinh lăng một lần.
Đây là một trong những mô hình điểm ở huyện Hải Hậu, được nhiều đoàn khách đến tham quan.
Vườn cây địa lan, hoa lan cảnh rộng 300m2 của anh Nguyễn Trí Dũng (thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu) cũng đang sử dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Nguồn nước được lấy từ dưới sông.
Anh Dũng nhẩm tính, chi phí lắp đặt cho toàn bộ hệ thống tưới nước (gồm máy bơm, đường ống nhựa, béc phun mưa…) hết hơn 20 triệu đồng. Mỗi lần tưới từ 15 - 20 phút là cây đã đủ nước. Ngày tưới 1 - 2 lần, tùy vào thời tiết.
“Do lưng bị còng, sức khỏe yếu nên tôi không thể tưới nước theo phương pháp thủ công. Vì vậy, toàn bộ vườn địa lan, lan cảnh của gia đình đều được tưới nước bằng hệ thống tưới tiên tiến. Vừa tiết kiệm được chi phí, không vất vả; lại không phải làm phiền đến các thành viên trong gia đình”, anh Dũng bộc bạch.
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hải Hậu, ông Vũ Văn Triển cho biết, toàn huyện đang canh tác 10.000ha lúa, 200ha cây đinh lăng, 300ha lạc xuân, 25ha hoa các loại.
Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước chỉ áp dụng ở cây đinh lăng với diện tích khoảng 90ha (ở xã Hải Đông, Hải Quang, Hải Lộc), còn hoa không đáng kể.
Ông Triển cho biết thêm, năm 2015, 100% số xã trên địa bàn huyện đạt nông thôn mới (NTM). Trong quá trình xây dựng NTM, địa phương đã quy hoạch vùng sản xuất (chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản).
Nhờ hệ thống thủy lợi được kiên cố hóa, chắc chắn; nguồn nước phục vụ cho trồng trọt dồi dào nên việc áp dụng công nghệ tiên tiến, tưới tiết kiệm vào sản xuất chưa nhiều.
Mở rộng diện tích
Thực hiện Quyết định số 1788 ngày 9/5/2015 của Bộ NN-PTNT về việc ban hành kế hoạch hành động, phát triển tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn phục vụ tái cơ cấu ngành thủy lợi, tỉnh Nam Định đã xây dựng kế hoạch chương trình hành động theo nội dung mà quyết định đã ban hành.
Ông Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định cho biết, theo số liệu thống kê năm 2019, tổng diện tích canh tác cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh là 204.337ha. Trong đó, tổng diện tích cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là 695ha, còn lại được tưới theo phương pháp truyền thống 203.542ha.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định việc tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn (chủ yếu là rau các loại, măng tây, hoa) mới chỉ có một số doanh nghiệp và HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ triển khai, áp dụng.
Nói về khó khăn, bất cập trong việc thúc đẩy, nhân rộng áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn ở địa phương, ông Việt chia sẻ: Kỹ thuật tưới tiết kiệm nước nhìn chung chỉ thích hợp với cây trồng như các loại cây công nghiệp, vườn cây ăn quả, các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được trồng theo hàng.
Giải pháp tưới khoa học, tiết kiệm nước là tối ưu cho các vùng khan hiếm nước, đặc biệt hiệu quả cho vùng đồi đất, vùng núi cao nguyên, vùng đất bị nhiễm mặn… nhằm chống được các tổn thất về ngấm và xói.
Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Nam Định chưa có điều kiện áp dụng, lý do chủ yếu là vốn đầu tư ban đầu với công tác tưới cho cây trồng cạn theo phương pháp tưới tiết kiệm nước rất cao, đây là một khó khăn đối với nông dân nói chung.
Chưa xây dựng được các vùng tập trung trồng cây chuyên canh có giá trị kinh tế cao. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, đầu ra cho sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.
Vị này cho biết thêm, thời gian tới, Nam Định sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân biết và nhận thức được hiệu quả kinh tế khi thực hiện phương thức canh tác tiên tiến, tiết kiệm nước.
Tiếp tục duy trì, mở rộng, hỗ trợ và khuyến khích nông dân thực hiện áp dụng các mô hình chuyển đổi, ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu về giống, đưa nhanh các giống cây trồng ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu cao, thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu và sản xuất.
Thúc đẩy, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với các doanh nghiệp và có cơ chế kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ nông dân sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Tiếp tục đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, thực hiện các giải pháp thâm canh và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
“Để nâng cao đời sống vật chất của người dân và góp phần vào cuộc sống xây dựng NTM, Nam Định đề nghị Nhà nước có chính sách hướng dẫn, đầu tư, hỗ trợ thí điểm công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các cây trồng cạn thuộc vùng ảnh hưởng mặn như huyện Hải hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy”, ông Việt đề nghị.
Để phục vụ tổng kết 5 năm thực hiện Kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vừa qua đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi; Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) đã kiểm tra thực tế tại Nam Định.