Yên Bái: Tích cực xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn
16:35 - 09/06/2020
(MTNT) – Yên Bái là một tỉnh miền núi, với 30 dân tộc anh em chung sống chiếm hơn 56% dân số toàn tỉnh. Bà con dân tộc còn giữ nhiều phong tục tập quán lạc hậu khiến môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Hầu hết các xã đã bố trí được các bể chứa bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.


Thời gian gần đây, người dân tại thôn Phố Hóp, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên rất lo lắng về tình trạng nước trong hồ thủy lợi (hồ Nhân Nghĩa) có màu xanh lạ sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân là do hoạt động chế biến khoáng sản của Nhà máy chế biến Graphite thuộc Công ty TNHH tập đoàn Graphite Việt Nam gây ra.
 
 
Theo thống kê, tổng lượng rác thải sinh hoạt tại nông thôn phát sinh khoảng 290 tấn/ngày. Rác thải sinh hoạt hầu hết được các hộ tự thu gom và xử lý, tình trạng tiện đâu vứt đó vẫn còn khá phổ biến. Mặt khác, ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh chung tại các tuyến đường liên xã, liên thôn hay các kênh, mương, sông, suối còn thấp…
 
 
Tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn là xã vùng cao, đời sống của đồng bào dân tộc Mông còn gặp khó khăn, với nhiều nếp sống lạc hậu. Hầu hết các hộ gia đình đều vứt thải sinh hoạt bừa bãi, chưa có thùng rác tự xử lý, người dân còn chăn nuôi lợn, gia súc thả rông, không có chuồng trại.
 
 
Một số cơ sở chăn nuôi không đầu tư xây dựng và không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, nhất là thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi đã gây ô nhiễm môi trường.
 
 
Một số loại hình sản xuất và hoạt động có tác động lớn đến môi trường. Trong đó, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản vẫn xảy ra tình trạng xả thải trái phép ra môi trường, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của người dân.
 
 
Để hạn chế những ảnh hưởng xấu tới môi trường ở vùng nông thôn, công tác bảo vệ môi trường đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Theo thống kê của Sở TN&MT tỉnh, việc thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 27 bãi chôn lấp. Sở đã hướng dẫn các địa phương thực hiện mô hình khu dân cư tự quản trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt theo phương châm xã hội hóa. Mô hình được người dân đồng tình ủng hộ, các cấp các ngành phối hợp tổ chức thực hiện hiệu quả.
 
 
Hầu hết các xã đã bố trí được các bể chứa bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Sở Tài nguyên - Môi trường đã triển khai mô hình thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đối với 5 xã thuộc huyện Trấn Yên với 230 bể, hiện mô hình này tiếp tục được các địa phương triển khai và nhân rộng.
 
 
Đến nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh; các gia trại chăn nuôi đầu tư xây dựng hệ thống biogas để xử lý chất thải phát sinh trong chăn nuôi; các xã đã tích cực triển khai, vận động người dân thực hiện cải tạo, chỉnh trang hàng rào vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, phát quang cỏ dại; thu gom rác thải...
 
 
Trong hoạt động chăn nuôi, hầu hết các cơ sở chăn nuôi lợn quy mô trang trại đều có hồ sơ môi trường, đầu tư xây dựng và thực hiện đầy đủ công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, nhất là việc thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi.
 
 
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường vận động nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường khu dân cư; tăng cường tự quản vệ sinh môi trường tại các thôn, bản; các ngành chức năng và các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là ở khu vực nông thôn; lồng ghép các nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, thực hiện hương ước - quy ước trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn; khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường; phát động các phong trào chỉnh trang đường làng ngõ xóm, khuôn viên gia đình và xây dựng các công trình vệ sinh kiên cố, đạt chuẩn...

An Trường
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn