Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc khôi phục rừng vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2021.
|
Ảnh minh họa |
Vừa qua, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo và Đại biểu Quốc hội K’Nhiễu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng có một số kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn trong khôi phục rừng vùng Tây Nguyên.
Về kiến nghị trên, Thủ tướng Chính phủ cho biết, trước thực trạng công tác quản lý, bảo vệ, khai thác rừng trong thời gian vừa qua còn nhiều bất cập, tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2021 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các biện pháp nhằm tăng cường quản lý rừng tự nhiên; Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan và các địa phương có liên quan tăng cường tuyên truyền, quán triệt việc thực hiện chủ trương quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo Chỉ thị của Ban Bí thư; tiếp tục kiểm kê, đánh giá thực trạng các loại rừng, nhất là ở khu vực Tây Nguyên; rà soát quy hoạch bảo vệ, khai thác, phát triển rừng; tổng rà soát các dự án đã, đang triển khai và các dự án dự kiến sử dụng đất rừng, nhất là sử dụng rừng tự nhiên trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, kiểm tra, đánh giá cụ thể các tác động nhiều mặt của các dự án, trong đó ngoài vấn đề hiệu quả của dự án còn có vấn đề xã hội và môi trường. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo xử lý một cách đồng bộ, tổng thể, trong đó có các dự án trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng mà các đại biểu quan tâm.
Quan điểm của Chính phủ là phải triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư, đồng thời bảo đảm sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Ngày 14/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về “tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và giải pháp trong thời gian tới”. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục không khai thác gỗ rừng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ các dự án có sử dụng diện tích đất rừng. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát, tổng hợp, phân loại các dự án có liên quan đến chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn quốc, đề xuất phương án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết một cách tổng thể.