Báo động tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội
18:09 - 31/08/2017
(MTNT) - Hiện nay, vấn nạn ô nhiễm không khí tại nhiều thành phố lớn trong cả nước đang ngày càng trở nên trầm trọng, đặc biệt tại thủ đô Hà Nội. Điều này đã và đang gây ra nhiều mối nguy hại cùng những ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống con người cũng như đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tồn tại, phát triển của các thế hệ hiện tại và trong tương lai.
|
Tình trạng ách tắc giao thông kéo dài gây ô nhiễm không khí, còn khiến cho các căn bệnh về hô hấp gia tăng |
Ô nhiễm không khí có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do nguồn thải từ hoạt động sản xuất của nhà máy trong các khu công nghiệp, nhà máy năng lượng mà đặc biệt là nhiên liệu nhiệt điện, than. Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí cũng phát sinh từ hoạt động xây dựng; từ đời sống của con người (đốt chất thải, đun nấu hộ gia đình); sản xuất của người dân (từ các làng nghề truyền thống), ô nhiễm xuyên biên giới... Tuy nhiên, theo các chuyên gia đánh giá, lượng bụi và khí thải phát sinh từ hoạt động giao thông ở các đô thị, bụi thải xây dựng vẫn là nguồn ô nhiễm chính.
Trên thế giới, Việt Nam hiện được xếp vị trí đứng thứ tư trong danh sách các nước có sử dụng xe gắn máy làm phương tiện giao thông. Theo thống kê, toàn quốc hiện có khoảng 37 triệu xe máy và 2 triệu ô tô đang tham gia các hoạt động giao thông mỗi ngày. Đó là chưa tính đến số lượng xe mà do chủ xe còn thiếu ý thức tuân thủ pháp luật nên tuy không đăng ký nhưng vẫn lưu hành trên đường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có đến 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm môi trường là do hoạt động giao thông gây ra.
Tại Hà Nội, ước tính có khoảng 5 triệu phương tiện xe gắn máy tham gia giao thông mỗi ngày. Như vậy, riêng hoạt động giao thông đã chiếm tới 85% lượng khí thải CO2 và 95% lượng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi mà mắt thường không nhìn thấy được. Lượng khí thải từ giao thông vận tải là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội, với khoảng 40 điểm nút thường xuyên bị lâm vào tình trạng ùn tắc các phương tiện hàng ngày.
Đến giờ cao điểm, các phương tiện lại đổ dồn xuống lòng đường, điều này không chỉ gây ách tắc giao thông đi lại theo nghĩa đen mà đồng thời còn làm ách tắc cả nguồn không khí. Nguyên nhân là do khi tắc nghẽn giao thông, mức độ ô nhiễm từ xăng dầu có thể tăng lên gấp 4 - 5 lần so với bình thường.
Với mức độ ô nhiễm như hiện nay và tốc độ tăng nhanh số lượng phương tiện giao thông cá nhân, ở mức khoảng 15%/năm đối với xe máy và 10%/ năm đối với ôtô; nồng độ bụi ở Hà Nội dự kiến sẽ có khả năng còn tăng lên hơn 200mg/m3. Con số này cao gấp 10 lần mức khuyến cáo của tổ chức WHO.
Thêm một nhân tố khác cũng góp phần gây hại đó là nồng độ bụi trong không khí phát sinh ở các nơi có hoạt động xây dựng mà ra. Trong mấy năm gần đây, việc kéo dài thời gian thi công tuyến đường sắt đô thị, các công trình xây dựng khiến không khí quanh năm bụi bẩn, cuộc sống của người dân ở Hà Nội cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Do tốc độ đô thị hóa nhanh, kéo theo các dự án xây dựng ngày càng phổ biến, diễn ra với tần suất dày đặc và liên tục. Những hoạt động như đào lấp, đập dỡ công trình cũ, nguyên vật liệu bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển… đã thải một lượng bụi lớn vào môi trường. Số liệu quan trắc đo đạc cho thấy, nồng độ bụi đã vượt trị số tiêu chuẩn cho phép tới 10 - 20 lần, điều này quả thực rất nguy hiểm tới sức khỏe của con người.
Theo ông Nguyễn Trọng Đông- Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố Hà Nội cho biết: Những kết quả quan trắc tự động đã chỉ ra, đa phần chất lượng môi trường không khí toàn thành phố thời gian qua mới đạt ở mức trung bình. Kết quả này chung cho tất cả các tháng mùa mưa cũng như các tháng mùa khô.
Từ những kết quả quan trắc đáng tin cậy nhất tại trạm khí tượng Láng (Hà Nội) do Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn đồng bằng Bắc bộ thực hiện cho thấy: Trung bình trong 1 m3 không khí ở Hà Nội có 80 µg (mi-crô gram) bụi khí PM10, vượt tiêu chuẩn quy định 50 µg/m3; bụi khí SO2 cũng vượt tiêu chuẩn châu Âu 20 µg/m3; nồng độ bụi lơ lửng cao hơn tiêu chuẩn cho phép 2,5 lần.
Cụ thể, nồng độ bụi PM10 đo được tại trạm Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) trong 5 năm đều vượt quy chuẩn từ 1- 1,2 lần, thậm chí, vào năm 2014 chỉ số này còn cao gấp 1,4 lần. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) cũng tăng cao, nhiều đô thị lớn ở mức 201-300, có ngày chất lượng suy giảm đến ngưỡng xấu và nguy hại.
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) là một chỉ số theo dõi chất lượng không khí hàng ngày được thiết lập bởi Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ. Chỉ số AQI tập trung vào tác động sức khỏe con người trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau khi hít phải không khí không sạch.
Trong bản báo cáo định kỳ theo quý của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) về chất lượng không khí tại Hà Nội được công bố số liệu cho thấy: Chỉ số AQI trung bình của Hà Nội trong quý 1 năm 2016 là 143,96; nồng độ bụi PM 2.5 trung bình là 66,38 μg/m3. Còn trong quý 1 năm 2017, AQI trung bình là 123,49 và nồng độ PM 2.5 trung bình là 54,56 μg/m3.
Theo thang đánh giá các chỉ số trên tác động tới sức khỏe con người, nếu chỉ số AQI ở mức 51- 200, những người thuộc nhóm nhạy cảm với ô nhiễm môi trường thì nên hạn chế ở bên ngoài; với AQI trên 300 mọi người đều nên ở trong nhà. Chỉ số NO2 đo được ở các đô thị cũng đang vượt ngưỡng giới hạn. Theo đó, nồng độ NO2 trung bình các năm tại Hà Nội đo được đều tăng 1- 1,3 lần.
Ô nhiễm không khí làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Theo đó, các ảnh hưởng cấp tính gồm: Ngạt do suy hô hấp, nhiễm độc máu, thậm chí tử vong; biểu hiện nhẹ hơn là suy nhược, chóng mặt, say, co giật, ngất, ảnh hưởng tới tim phổi...
Ô nhiễm không khí cũng gây ra nhiều ảnh hưởng mãn tính đối với sức khỏe con người như: Viêm phổi, viêm phế quản mãn; bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; bệnh hen suyễn, tim mạch; viêm da, kích ứng da; căng thẳng thần kinh...
Nhóm người dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí bao gồm: Người cao tuổi; phụ nữ có thai; trẻ em; người đang mang bệnh; người lao động tại các làng nghề, cơ sở sản xuất; người thường xuyên phải làm việc ngoài trời. Tại Việt Nam, các căn bệnh liên quan tới đường hô hấp có tỷ lệ người mắc nhiễm cao nhất (17,3%) trong cơ cấu năm bệnh tật tại Việt Nam; có tỷ lệ tử vong đứng thứ 2 (chiếm 16,9%) sau các bệnh của hệ tuần hoàn.
Đáng lo ngại hơn cả khi ô nhiễm không khí còn là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh ung thư. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp ô nhiễm không khí ngoài trời là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây các căn bệnh ung thư ở người. Không chỉ vậy, đây cũng là tác nhân chính dẫn đến tình trạng nóng lên toàn cầu, suy giảm tầng ozon, mất cân bằng sinh thái...
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường không khí đáng báo động như trên đã và đang trở thành một trong những vấn đề lớn mà thành phố cần phải giải quyết, đòi hỏi một sự vào cuộc gắt gao của các cơ quan chức năng. Đồng thời, mỗi người dân cũng nên có những biện pháp phù hợp để bảo vệ sức khỏe của mình.
Như Quỳnh