Nếu được đầu tư hệ thống cảnh báo lũ, các hồ chứa hoàn toàn có thể đưa ra được quyết định xả đón lũ để vừa đảm bảo được cho hồ đập.
|
Trạm đo mưa cảnh báo lũ do Trung tâm Công nghệ Phần mềm thủy lợi lắp đặt tại hồ Kẻ Gỗ |
Xả đón lũ là biện pháp giảm thiểu những rủi ro cho hạ du lẫn hồ chứa trước những dự báo mưa lũ cực đoan. Việc hồ thủy điện Hòa Bình chỉ trong một thời gian rất ngắn, phải quyết định xả lũ cấp tập 8 cửa đáy, gây nên trận đại hồng thủy cho các tỉnh phía Bắc đang đặt ra câu hỏi, vì sao không xả đón lũ?
Nguyên nhân trực tiếp khiến hồ Hòa Bình phải xả lũ dồn dập trong thời gian ngắn, đã được các cơ quan chức năng lí giải rằng do có sự vênh nhau quá lớn giữa lưu lượng lũ dự báo về hồ chỉ có xoay quanh 3.000 m3/s, trong khi thực tế lưu lượng nước về hồ có lúc lên tới 17.000 m3/s, gấp hơn 5 lần sao với dự báo. Nguyên nhân của sự sai lệch quá lớn giữa thực tế và dự báo này, cũng đã được ngành khí tượng thủy văn lí giải do việc dự báo chính xác lượng mưa hiện nay là điều không thể.
Với cách lí giải này, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, không ai có thể chắc chắn rằng những sự cố xả lũ dồn dập tương tự sẽ không tiếp tục xảy ra trong nay mai. Tuy nhiên trao đổi với NNVN về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Phần mềm thủy lợi (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) cho rằng: Nếu được đầu tư hệ thống cảnh báo lũ, các hồ chứa hoàn toàn có thể đưa ra được quyết định xả đón lũ để vừa đảm bảo được cho hồ đập, vừa an toàn cho hạ du, chứ không đến nỗi “nước đến chân mới nhảy”!
Thủy điện Hòa Bình phải xả lũ ồ ạt trong thời gian ngắn để đảm bảo an toàn rõ ràng là điều cực chẳng đã. Nhưng nhiều ý kiến băn khoăn, tại sao không xả đón lũ trước? Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
Tôi xin không bình luận về quy trình vận hành, bởi việc vận hành của công trình lớn như hồ Hòa Bình rõ ràng đã có nhiều Bộ ngành, cơ quan nghiên cứu.
Bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du, thì về mặt hiệu quả sử dụng của hồ chứa, kể cả thủy lợi hay thủy điện, luôn phải đảm bảo mực tích nước. Nguyên tắc chung của hồ chứa là càng về cuối mùa mưa, các hồ luôn phải cố gắng tích nước ở mức tối ưu nhất. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho công trình cũng như giảm áp lực xả lũ khi dự báo có mưa lớn thì giải pháp xả đón lũ là khái niệm mà ngành thủy lợi luôn phải nghiên cứu cân nhắc để đưa ra quyết định, nhất là đối với các hồ chứa có nguy cơ cao.
Đúng là hiện nay, người ta chỉ có thể dự báo chung như là mưa nhỏ, mưa vừa, mưa to hay mưa rất to, chứ để dự báo chính xác về lượng mưa ở một khu vực nào đó, nhất lại là mưa lớn cục bộ thì rất khó. Do không thể đưa ra được dự báo mưa chính xác, nên các hồ chứa khó mà có thể quyết định được có nên xả đón lũ hay không, xả lúc nào, xả ở mức nào thì vừa.
Vậy có cách nào để chủ động xả đón lũ sớm, tránh tình trạng khi mưa lớn, hồ chứa mới tiến hành xả lũ dồn dập như sự việc hồ Hòa Bình vừa qua không?
Do công nghệ hiện nay không thể dự báo được lượng mưa chính xác cho từng khu vực, nên giải pháp để đưa ra cảnh báo xả đón lũ hiện nay trên thế giới vẫn chủ yếu dựa vào công nghệ quản lí, giám sát để đưa ra quyết định điều hành hồ chứa theo thời gian thực. Công nghệ này không phải mới mẻ gì, mà đã được Trung tâm chúng tôi nghiên cứu và đưa vào ứng dụng tại hơn 30 hồ chứa thủy lợi ở Việt Nam từ năm 2010 đến nay, trong đó có 19 hồ đã ứng dụng hoàn thiện được công nghệ này như hồ Cấm Sơn (Bắc Giang), Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), Vực Mấu (Nghệ An), Easup và Krong Buk (Đắc Lắc)...
Vậy đầu tư cho công nghệ này có tốn kém, phức tạp hay không thưa ông?
Hiện tại, Trung tâm chúng tôi hoàn toàn có thể tự SX được toàn bộ các thiết bị cũng như thi công lắp đặt. Chi phí trung bình cho một trạm đo mưa kèm theo thiết bị truyền dữ liệu chỉ khoảng 50-60 triệu đồng. Như vậy với một hồ thủy lợi quy mô lớn thì chi phí đầu tư, vận hành cũng chỉ dưới 1 tỉ đồng.
Vì vậy đối với các hồ thủy điện như Hòa Bình, Sơn La, nếu chúng ta có cơ chế đầu tư nghiên cứu thì không có gì phức tạp cả. Dĩ nhiên, đặc điểm của hồ thủy điện khác hồ thủy lợi, do đặc thù dòng chảy, nguồn nước đổ về hồ là khác nhau nên sẽ cần phải nghiên cứu thêm để có cơ chế vận hành, dự báo lũ phù hợp.
|
Hiện tại, các hồ chứa ứng dụng công nghệ này đã phát huy hiệu quả rất tốt trong việc chủ động điều tiết hồ chứa, nhất là đưa ra quyết định xả đón lũ, điển hình như các hồ Cấm Sơn, Vực Mấu, kể từ khi áp dụng công nghệ này từ năm 2014 đến nay, không còn xảy ra những sự cố do xả lũ. Đáng tiếc tại các hồ chứa thủy điện lớn như Sơn La, Hòa Bình hiện nay lại chưa được đầu tư cho công nghệ này.
Ông có thể nêu sơ bộ về nguyên tắc hoạt động của công nghệ?
Nguyên tắc là phải dự báo được lưu lượng nước lũ sẽ về hồ trong một khoảng thời gian nhất định. Để làm được điều này, việc đầu tiên phải xác định được lưu vực của hồ chứa và thời gian lũ về tới hồ chứa để lắp đặt các trạm đo mưa. Theo quy chuẩn lắp đặt trạm đo mưa hiện nay, đối với lưu vực hồ chứa ở miền núi thì trung bình cứ 10 – 15 km2 sẽ cần một trạm đo mưa.
Ví dụ lưu vực hồ chứa A có diện tích 150 km2, sẽ cần lắp đặt khoảng 10 trạm đo mưa. Các trạm đo mưa này hoạt động độc lập với hệ thống năng lượng pin mặt trời, có thể truyền dữ liệu lượng mưa về máy chủ và trung tâm điều hành để phân tích tổng hợp dữ liệu theo định kỳ thời gian nhất định. Hiện nay, có nhiều cách để truyền dữ liệu, thông qua vệ tinh hoặc các mạng điện thoại di động đều được.
Căn cứ vào diễn biến mưa thực tế của lưu vực hồ chứa trong thời gian nhất định, công nghệ này cho phép chúng ta tính toán được thời gian, lưu lượng lũ sẽ đổ về hồ là bao nhiêu trong thời gian sắp tới. Điều này sẽ giúp cơ quan quản lí điều hành hồ chứa đưa ra được quyết định xả để đón lũ trước khi lũ về hồ, thậm chí xác định được chi tiết là cần xả với lưu lượng bao nhiêu, xả trong bao lâu thì vừa.
Thông thường đối với hồ chứa có lưu vực nhỏ, đơn vị vận hành có thể đưa ra được quyết định xả để đón lũ trước khi nước lũ về tới hồ từ 3-4 tiếng, đối với hồ chứa lớn có thể xả trước từ 7-8 tiếng.
Hiện nay, nếu kết hợp công nghệ này với công nghệ dự báo mưa của Nhật Bản, có thể cho phép đưa ra dự báo lũ khá chính xác lên tới 72 tiếng. Đây là khoảng thời gian đủ cần thiết để “giải nguy” cho công trình mà không sợ lũ dồn dập đổ về.
Bên cạnh đó, thông qua hệ thống camera giám sát lắp đặt tại các công trình cửa đập, chỉ cần ngồi tại Hà Nội, cơ quan quản lí cũng có thể đưa ra quyết định xả đón lũ cho các hồ chứa trên cả nước, chứ không cần đi tới hiện trường.
Xin cảm ơn ông!