Nói về phát ngôn của ông Đỗ Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục đê điều và phòng, chống lụt bão Hà Nội về việc đê Bùi 2 "vỡ có kế hoạch", ông Tú cho rằng: "Dùng từ ngữ"vỡ có kế hoạch" là không đúng, không chính xác gây hiểu lầm cho dư luận. Bởi nếu đê Bùi 2 chỉ chống được lũ khoảng 7m nhưng khi nước dâng cao lên 7,5m đến 7,6m thì chính quyền ở đó phải chấp nhận cho tràn, bởi nếu không cho tràn sẽ gây ra hậu quả khác".
|
Do lượng mưa lớn đổ về từ thượng nguồn, đến khoảng 1h đêm 12.10, nước đã tràn dẫn đến xói món rồi vỡ đê Bùi 2. |
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, về "định nghĩa" vỡ đê, ông Tú cho biết, vỡ đê có thể hiểu là mực nước chưa đến mức thiết kế (quy định theo thiết kế) mà lại tràn được vào thì con đê đó nó không còn làm nhiệm vụ ngăn nữa thì gọi là vỡ đê. Ví như nhiệm vụ của một con đê cao theo thiết kế là 7m (theo thiết kế ngăn nước đến 7m) nhưng khi nước dâng đến mức 6,5m đã tràn qua thì đó gọi là thủng đê hay còn gọi là vỡ đê.
Còn về trường hợp của đê Bùi 2 vừa mới bị nước lũ tràn qua, ông Tú cho hay: "Khi nước đã tràn qua mặt đê thì có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là nước lũ đã vượt qua mức thiết kế mà đê chịu đựng thì nước mới tràn qua được. Thứ hai, đây có thể là đoạn đê thấp hơn các đoạn khác, đoạn này làm nhiệm vụ nếu nước lũ to quá thì sẽ thiết kế cho nước thoát qua. Lý do có đoạn đê thấp này bởi lẽ nếu như để cho đê vỡ lung tung ở những chỗ khác thì nước lũ sẽ chảy vào các khu vực dân đang sinh sống sẽ gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản của dân".
"Với đoạn đê Bùi 2 có nước lũ tràn qua theo thiết kế, mặc dù nước qua được nhưng nó chỉ chảy và gây tác hại từ từ để người dân có thời gian để thu xếp di dời được không gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng con người thì điều đó cho thấy là chính quyền người ta đã lường trước được và cho nước lũ tràn qua theo thiết kế" - ông Tú khẳng định.
Theo ông Tú, vỡ đê có rất nhiều cách, không phải lúc nào chúng ta cũng chống toàn bộ hết được. Ví như tại sông Hồng chỉ quy định cao trình 14,3m là hết, nếu như mực nước sông vượt qua điểm lũ 14,3m thì có rất nhiều nơi là có tuyến đê bị thủng (hay còn gọi là vỡ đê), thì khi ấy người ta lại quy định ở chỗ nào lúc ấy nên để cho đê nào.
"Còn nhớ năm 1996, tôi từng đề nghị cho nổ mìn phá một số điểm đoạn đê để nước lũ chảy vào ít gây bị thiệt hại nhất cho người và tài sản của nhân dân. Đây chính là biện pháp mà lúc thiết kế chúng ta đã tính đến" - ông Tú nhớ lại.
Hà Nội kiểm điểm phát ngôn "vỡ đê có kế hoạch"
Chiều 17.10, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Trần Thanh Nhã - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội khẳng định, nước tràn qua đê dẫn đến xói món rồi vỡ đê Bùi 2 và không có thuật ngữ "vỡ có kế hoạch" như phát ngôn của lãnh đạo Chi cục đê điều.
Cụ thể, ông Trần Thanh Nhã cho biết, do lượng mưa lớn đổ về từ thượng nguồn, đến khoảng 1h đêm 12.10, nước đã tràn qua bờ đê hữu Bùi 2. Khoảng 6h sáng, đê đất bắt đầu xói mòn. Đoạn đê hữu Bùi 2 bị sạt khoảng 7,5m, được hàn gắn ngay ngày hôm sau. Đến nay, đoạn đê hữu Bùi 2 cơ bản đã được ổn định.
Ông Nhã cho biết thêm, đê hữu Bùi 2 là đê bao bảo vệ nhân dân 3 xã của huyện Chương Mỹ. Đây là vùng phân chậm lũ cho sông Hồng trong trường hợp khẩn cấp đã được Chính phủ quy định. Với thiết kế hiện tại, khi đến mức báo động 2, nước sẽ tự tràn qua thân đê hữu Bùi.
“Khi mực nước đến báo động 1 và 2, chúng tôi đã báo cho nhân dân biết những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Do vậy, nhân dân đã sơ tán kịp thời, nước chỉ gây thiệt hại cho nông sản và nhà cửa của người dân”, ông Nhã nói.Trước câu hỏi của phóng viên, về việc đê hữu Bùi 2 là vỡ hay sạt lở, ông Nhã cho biết: Nước tràn qua đê dẫn đến xói món rồi vỡ! “Theo thiết kế, khi đến báo động 2 là nước phải tràn, chứ không ai dám giữ nước ở đây. Còn đê đất tràn đến đâu vỡ đến đấy là rất khó lường”, ông Nhã phân trần.
Về phát ngôn của ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục Trưởng Chi cục đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội về việc đê Bùi 2 “vỡ có kế hoạch”, ông Nhã cho biết, trong nghề không có khái niệm này. "Có thể đây là phát ngôn trong ngữ cảnh nào đó của ông Thịnh" - ông Nhã khẳng định.
Ông Nhã cũng cho biết, ông nghe nói UBDN thành phố đã yêu cầu ông Thịnh kiểm điểm rút kinh nghiệm sau phát ngôn “vỡ đê có kế hoạch”. "Còn việc ông Thịnh đã kiểm điểm hay chưa thì tôi không biết"- ông Nhã nói.