Tương lai của ngành càphê trở nên khó khăn hơn do biến đổi khí hậu
09:28 - 20/12/2023
Theo một nghiên cứu năm 2022, càphê là loại cây trồng dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, với các vùng thích hợp cho sản xuất loại cây này trên toàn cầu bị thu hẹp, chủ yếu do nhiệt độ tăng.

Việt Nam là nước sản xuất càphê hàng đầu thế giới. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
 
Đối với những người yêu thích càphê, trong tương lai, loại đồ uống này sẽ trở nên đắng và đắt hơn khi biến đổi khí hậu tàn phá các khu vực trồng càphê hàng đầu thế giới.
 
Theo Bloomberg, thời tiết ngày càng thất thường đang khiến cây trồng gặp khó khăn về sinh trưởng. Tại Việt Nam, quốc gia sản xuất càphê Robusta hàng đầu thế giới, biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động to lớn.
 
Bà Trần Thị Liên, 46 tuổi, chủ một nông trại trồng càphê rộng một ha ở tỉnh Đắk Lắk, Tây Nguyên, chia sẻ: “Chúng tôi phải đào sâu hơn để lấy nước. Có năm, chúng tôi không có đủ nước tưới. Và một số năm có quá nhiều mưa.”
 
Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2021, thời tiết khô hạn kéo dài và tình trạng thiếu nước tưới trong những năm gần đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của các vườn càphê Robusta ở Tây Nguyên.
 
Điều kiện trồng trọt khó khăn hơn đã khiến người nông dân đặt câu hỏi về giá trị của càphê như một loại cây trồng mang lại lợi nhuận, một số người đã chặt bỏ để trồng hồ tiêu và sầu riêng.
 
Nguồn cung giảm đã đẩy giá càphê Robusta năm nay lên mức cao nhất kể từ ít nhất là năm 2008 - và nhiệt độ tăng đồng nghĩa với việc sản lượng trong tương lai sẽ giảm.
 
Ngành công nghiệp càphê có trị giá khoảng 200 tỷ USD, trải dài từ các trang trại nhỏ trên khắp Brazil hoặc Indonesia cho đến các nhà rang xay và sản xuất thành phẩm như Nestle.
​​
 
Thông thường, những chuỗi cửa hàng đồ uống như Starbucks ưa chuộng càphê Arabica nhẹ và thơm hơn, trong khi loại Robusta được sử dụng để sản xuất càphê hòa tan.
 
Nhưng người tiêu dùng sẽ phải làm quen với một hương vị khác. Một nghiên cứu năm 2022 về các cây trồng nhiệt đới bao gồm càphê Arabica, cũng như bơ và hạt điều, cho thấy chúng là loại cây trồng dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, với các vùng thích hợp cho sản xuất loại cây này trên toàn cầu bị thu hẹp, chủ yếu do nhiệt độ tăng.
 
Các nhà nghiên cứu nhận thấy cần phải thích nghi, bao gồm cả việc thay thế càphê Arabica bằng càphê Robusta có khả năng chịu nắng nóng tốt hơn.
 
Nestle, nhà sản xuất Nespresso và Nescafe của Thụy Sĩ, nằm trong số những công ty đang đối mặt với sự thay đổi này.
 
Trả lời phỏng vấn trong chuyến tham quan một số trang trại càphê tại Việt Nam, ông Philipp Navratil, Giám đốc toàn cầu phụ trách chiến lược kinh doanh càphê của Nestle, cho biết: “Các ước tính cho thấy rằng 30 năm nữa, về cơ bản 50% diện tích đất trồng càphê hiện nay sẽ không còn khả năng trồng càphê nữa” nếu vấn đề biến đổi khí hậu không được giải quyết.
 
Nestle là nhà tiêu thụ càphê Robusta lớn trên thế giới, người tiêu dùng uống hơn 6.000 cốc Nescafe mỗi giây. Nestle chi 700 triệu USD mỗi năm để mua khoảng 1/4 sản lượng càphê của Việt Nam.
 
Năm ngoái, Nestle cho biết có kế hoạch đầu tư hơn 1,2 tỷ USD vào năm 2030 để khuyến khích người trồng càphê cung cấp cho Nescafe sử dụng các phương pháp canh tác bền vững hơn khi thời tiết khắc nghiệt đe dọa mùa màng.
 
Điều này bao gồm việc thay thế những cây trồng hiện có bằng những giống có thể đối phó tốt hơn với biến đổi khí hậu.
 
Jennifer Vern Long, Giám đốc điều hành của World Coffee Research, một tổ chức được thành lập bởi ngành càphê thế giới vào năm 2012, cho biết: “Robusta không phải là giải pháp thần kỳ cho vấn đề biến đổi khí hậu. Nó có khả năng chịu nắng nóng và chống lại một số bệnh tật cũng như sâu bệnh tốt hơn, nhưng chúng tôi vẫn đang tìm hiểu các giới hạn của càphê Robusta.”
 
Trong báo cáo tháng 10, World Coffee Research cho biết thế giới có thể thiếu 35 triệu bao càphê Robusta vào năm 2040 khi tính đến xu hướng tiêu dùng ngày càng tăng và tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất. Thế giới hiện sản xuất gần 80 triệu bao càphê Robusta mỗi năm.
 
Ông Long cho biết các kiểu thời tiết thay đổi có thể dẫn đến năng suất thấp hơn đáng kể, từ đó sẽ khiến hàng triệu nông dân sản xuất nhỏ - những người sản xuất 60% sản lượng càphê thế giới - dễ bị tổn thương trước tình trạng mất an ninh kinh tế và lương thực./.

Nguồn: kinhtenongthon.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn