Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng dương sau nhiều tháng liên tục âm
14:15 - 05/12/2023
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chính trong tháng 11 đều cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái sau nhiều tháng liên tục tăng trưởng âm, nhưng đà phục hồi vẫn chưa thể bứt phá trong dịp cuối năm nay.

Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải - COFIDEC, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)


Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết xuất khẩu thủy sản tháng 11 đã tăng trưởng dương sau nhiều tháng liên tục tăng trưởng âm, tuy nhiên đà phục hồi vẫn chưa thể bứt phá trong dịp cuối năm nay.


Cụ thể, tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 840 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chính trong tháng 11/2023 đều cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, tôm tăng 4%, cá ngừ tăng 26%, cá tra tăng 12%, mực, bạch tuộc tăng 3%, cá biển khác tăng 4%...


Lũy kế đến hết tháng 11/2023, ước tính kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,27 tỷ USD, vẫn giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, xuất khẩu cá tra 11 tháng đạt gần 1,7 tỷ USD, thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình xuất khẩu giảm ở các thị trường chính, nhất là Mỹ và Trung Quốc, đã kéo giá trị xuất khẩu cá tra xuống thấp hơn so với năm 2022.


Mặc dù vậy, vẫn có những tín hiệu tích cực cho một số sản phẩm cá tra. Cụ thể, trong khi sản phẩm chủ lực là cá tra phile sụt giảm, thì các sản phẩm phụ như bong bóng cá tra khô, chả cá tra đang được nhiều thị trường quan tâm như Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore…


Điển hình, sản phẩm bong bóng cá tra khô đã mang lại giá trị trên 72 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều thị trường tăng mạnh nhập khẩu bong bóng cá tra của Việt Nam; trong đó, Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất, chiếm 80% với giá trị hơn 57 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022.


Các thị trường khác như Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ cũng tăng mạnh nhu cầu sản phẩm này. Ngoài ra, sản phẩm chả cá tra, cá tra xông khói, cá tra cắt miếng tẩm bột chiên cũng có doanh số xuất khẩu tăng từ 50-300% so với năm ngoái.


Giá trị xuất khẩu tôm tới hết tháng 11/2023 ước đạt 3,15 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm cũng bị chi phối bởi cạnh tranh về giá trong bối cảnh nguồn cung tôm thế giới dư thừa, giá bán hạ. Kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính đều thấp hơn so với cùng kỳ, trừ một vài thị trường nhỏ như Hong Kong (Trung Quốc) và Thụy Sĩ tăng 5%, Đài Loan (Trung Quốc) tăng 19%.


Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Vasep, cho biết Trung Quốc nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng nhập khẩu mạnh trong quý cuối năm 2023 để bù đắp cho mùa tiêu dùng cao điểm tháng 12, tháng 1 và tháng 2 năm sau. Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ, sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng sẽ được đáp ứng bởi hàng nhập khẩu từ Mỹ Latinh do chi phí hậu cần thấp hơn.


Mức độ lạm phát đang giảm ở tất cả các nước lớn ở châu Âu, tuy nhiên các thương nhân khu vực này chưa bắt đầu mua hàng cho dịp Giáng sinh do nhu cầu đối với các loài giáp xác, bao gồm cả tôm vẫn yếu. Trong khi đó, nhu cầu tôm ở Đông Nam Á và vùng Viễn Đông dự kiến sẽ cải thiện vào cuối năm do lễ Giáng sinh, Tết Nguyên đán. Giá bán có thể sẽ tăng trong giai đoạn này do sản lượng cung theo mùa thấp.


Đáng chú ý, trong khi xuất khẩu tôm chân trắng, tôm sú đều giảm trên 20%; xuất khẩu tôm hùm xanh tăng trưởng 21% với 103 triệu USD, chủ yếu được xuất sang Trung Quốc. Sản phẩm này vẫn đang có nhu cầu lớn tại Trung Quốc, nhất là vào dịp cuối năm, phục vụ cho phân khúc nhà hàng, khách sạn đang hồi phục mạnh tại nước này. Ngoài ra, tép khô (ruốc khô) cũng có đơn hàng tăng từ nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Australia.


Ở nhóm hải sản, kết quả xuất khẩu cá ngừ 11 tháng đạt khoảng 774 triệu USD, giảm 18%. So với các mặt hàng khác, cá ngừ có tín hiệu tích cực hơn khi nhiều thị trường như EU, Thái Lan, Israel, Mexico, Nga, Hàn Quốc, Phillipines, Nhật Bản đang có xu hướng tăng nhập khẩu cá ngừ Việt Nam. Các sản phẩm cá ngừ hấp và cá ngừ đóng hộp có nhu cầu tốt hơn so với cá đông lạnh phile, cắt khúc... Các loại cá khác, chủ yếu là cá biển tới hết tháng 11 đã mang về doanh số 1,74 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu mực, bạch tuộc, nhuyễn thể có vỏ, cua ghẹ tới hết tháng 11 vẫn tăng trưởng âm từ 10-13% so với cùng kỳ năm ngoái.


Ngoài chế biến từ nguồn nuôi trồng, đánh bắt trong nước, nhiều doanh nghiệp cũng tận dụng sự chuyển dịch hoạt động gia công chế biến thủy sản từ Trung Quốc để đa dạng hóa sản phẩm. Trong năm 2023, việc gia công, chế biến hải sản nhập khẩu như cá minh thái, cá tuyết, cá cam phục vụ xuất khẩu có kết quả cao hơn so với năm trước, cụ thể xuất khẩu cá tuyết tăng 30%, cá cam tăng 50%... Nhiều loài cá khác có doanh số xuất khẩu tăng mạnh như cá thu tăng 19%, cá bơn tăng 40%, cá hố tăng 95%...


Theo bà Lê Hằng, mặc dù, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 11 tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đây chưa phải là tín hiệu cho sự phục hồi của thị trường bởi không có sự đột phá về doanh số so với những tháng trước. Trên thực tế, 2 tháng cuối năm 2022 là giai đoạn xuất khẩu thủy sản lao dốc rơi xuống mức thấp nhất của năm.


Bên cạnh đó, bối cảnh lạm phát của năm 2023 đã thúc đẩy nhu cầu của các sản phẩm thủy sản bình dân tăng, trong khi phân khúc thủy sản cao cấp bị giảm. Đó là xu hướng chung của hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.


Với diễn tiến hiện nay, Vasep dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 ước tính sẽ đạt khoảng 9 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2022; trong đó, tôm sẽ thu về khoảng 3,4 tỷ USD, ít hơn 21% so với năm ngoái, cá tra ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 25%, cá ngừ đạt 850 triệu USD, giảm 15%; xuất khẩu mực, bạch tuộc ước đạt 660 triệu USD, giảm 14%./.
Nguồn: kinhtenongthon.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn