|
Theo Dự thảo Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, trồng trọt sẽ là ngành sản xuất chủ lực của nông nghiệp, do đó, nhu cầu đội ngũ lao động có trình độ cao rất lớn |
“Lao động không qua đào tạo hoặc trình độ đào tạo thấp sẽ hạn chế việc áp dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật; tiếp cận thị trường; sử dụng vốn đầu tư”, ông Khánh nói.
Hệ quả của tình trạng này, theo ông Khánh, đó là năng suất lao động trong khu vực nông nghiệp chỉ bằng 38,1% năng suất lao động của các ngành kinh tế.
Theo bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, từ năm học 2017-2018 đến nay, học viện hợp tác, đưa gần 6.000 sinh viên đến hơn 200 doanh nghiệp và trên 50 viện nghiên cứu để thực tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp mỗi năm.
Hợp tác giữa trường đào tạo, trong đó có trường đại học, với doanh nghiệp là hướng đi sống còn để nâng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo giữa đào tạo với sử dụng.
Cũng từ sự hợp tác giữa học viện với doanh nghiệp, chất lượng đào tạo đã được nâng lên sát với yêu cầu của doanh nghiệp sử dụng lao động. Tuy nhiên, đôi khi sự hợp tác của một số doanh nghiệp với học viện chưa chặt chẽ, chưa sát thực tiễn.
Theo ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển bền vững, Công ty CP Tập đoàn PAN, PAN có 10.000 lao động làm việc tại nhà máy. Nông nghiệp, thủy sản, thực phẩm có 15 trung tâm nghiên cứu tại các vùng.
Nguồn nhân lực phân bố không đồng đều, đặc biệt là đối với vùng sâu, vùng xa. Thiếu sinh viên theo học các ngành kỹ thuật..., PAN sẵn sàng tiếp nhận sinh viên thực tập, thậm chí trả lương cho sinh viên từ năm thứ 3 nếu đến doanh nghiệp thực tập.
Đánh giá về vai trò của công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đối với ngành nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: Đây vừa là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của ngành, vừa là xu hướng tất yếu và mang lại giá trị lâu dài cho các trường, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nông nghiệp.
Nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nông, lâm, ngư nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước.
Đến năm 2030, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản từ 4,6% (năm 2020) lên 10% (năm 2030).
Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT tuyển sinh bình quân hàng năm: 200 nghiên cứu sinh; 2.500 học viên cao học; 20.000 sinh viên đại học; 8.000 sinh viên cao đẳng, 20.000 học sinh trung cấp và 40.000 học sinh sơ cấp.
Tuy nhiên, “cơn khát” trong đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực cao vẫn đang là thách thức không hề nhỏ của lĩnh vực trụ cột này.
Nguồn lao động giảm, chất lượng chưa cao
Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Lao động nông, lâm, thủy sản có xu hướng giảm nhanh trong thời gian qua. Trong giai đoạn 2011 - 2020, lao động nông, lâm, thủy sản của vùng Đông Nam bộ giảm mạnh, từ 1,24 triệu người (năm 2011) còn 778 nghìn (năm 2020), mỗi năm giảm trung bình 46,7 nghìn người (tốc độ giảm bình quân 3,75% mỗi năm). Vùng ĐBSCL, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên giảm từ 10,2 triệu người xuống 9,36 triệu người (giảm 7,2%, tương ứng với 729,4 nghìn người). Nguyên nhân sự sụt giảm này là do lao động đã di cư ra khỏi vùng để tìm kiếm việc làm ở các khu công nghiệp, đô thị của các vùng khác.
Chất lượng của lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung còn thấp. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên chiếm tỷ lệ thấp, cụ thể là chỉ là 7,4% đối với vùng Đông Nam bộ và 2,21% đối với vùng ĐBSCL. Phần lớn lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản là lao động phổ thông, giản đơn, lao động làm việc theo kinh nghiệm, thời vụ, thiếu lao động có tay nghề cao.
Lao động còn thiếu hụt kỹ năng và năng lực hành nghề, tỷ lệ lao động chưa được công nhận có kỹ năng nghề quốc gia còn chiếm tỷ lệ lớn. Nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo, do chưa đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng và thị trường lao động.
Nhóm ngành nông nghiệp có sự suy giảm ở ngành khoa học đất, khuyến nông, chăn nuôi, nông học, khoa học cây trồng, phát triển nông thôn, kinh tế nông nghiệp, bảo vệ thực vật... Đối với nhóm ngành thủy sản, giảm mạnh ở chuyên ngành khai thác thủy sản, quản lý và khai thác nguồn lợi biển đảo, khoa học thủy sản. Nhóm ngành lâm nghiệp giảm mạnh ở ngành lâm sinh, lâm học, quản lý tài nguyên rừng, lâm nghiệp đô thị. Nhóm ngành thủy lợi giảm mạnh ở ngành kỹ thuật tài nguyên nước, thủy văn, kỹ thuật xây dựng công trình thủy và kỹ thuật cấp thoát nước…
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNN sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và xây dựng Đề án thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ngày càng ít người học ngành nông nghiệp
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, cả nước có hơn 521.000 sinh viên nhập học ở 25 lĩnh vực đào tạo. Trong đó, chỉ có 7.100 sinh viên nhập học khối ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, thú y, chiếm 1,37%.
Chia sẻ thực trạng tuyển sinh tại Trường Đại học Nông - Lâm (Đại học Huế), ông Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thời điểm cao nhất tuyển sinh được hơn 2.300 sinh viên là năm 2015 nhưng giảm đáng kể ở các năm tiếp theo. Cụ thể, đến năm 2016, nhà trường tuyển sinh được hơn 1.700 và năm 2017 tuyển sinh hơn 1.200 sinh viên. Đặc biệt, 5 năm gần đây (2018-2022), hàng năm nhà trường chỉ tuyển sinh được khoảng 750-1.000 sinh viên, đạt khoảng 40% so với dự kiến.
Sự suy giảm về số lượng người học trong ngành nông nghiệp không chỉ diễn ra ở đào tạo đại học mà cả đối với giáo dục nghề nghiệp. Ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, hệ đào tạo cao đẳng, sơ cấp và dạy nghề ngắn hạn đang sụt giảm nhanh về số lượng. Trình độ cao đẳng có xu hướng suy giảm từ hơn 6.000 học sinh (năm 2016) xuống còn hơn 4.300 (năm 2021). Một số trường đạt dưới 50% chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cao đẳng so với chỉ tiêu đăng ký.
Hệ trung cấp cũng giảm từ hơn 2.900 học sinh (năm 2017) xuống còn hơn 2.100 (năm 2021), giảm tới 39%. Hệ sơ cấp và dạy nghề dưới ba tháng cũng giảm mạnh, từ hơn 2.400 học sinh (năm 2016) xuống còn 532 học sinh (năm 2021).
Theo Bộ Nông nghệp và PTNT, trong đào tạo sau đại học, so với đào tạo tiến sĩ, công tác tuyển sinh đối với học viên cao học mặc dù có sự ổn định hơn nhưng đã có sự suy giảm, đặc biệt ở các ngành nông nghiệp truyền thống.
Chính việc thay đổi trong xu hướng lựa chọn ngành nghề của học sinh, sinh viên cũng dẫn đến mất cân đối trong cơ cấu giáo viên. Trong khi một số ngành nghề mới mở, có sự thiếu hụt giảng viên cơ hữu, phải mời thêm giảng viên bên ngoài thì các ngành truyền thống lại có sự dư thừa, mặc dù nhiều giảng viên có trình độ cao được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm lâu năm nhưng không có đủ giờ dạy. Nguyên nhân do học sinh, sinh viên đăng ký các ngành truyền thống với số lượng thấp, thậm chí có ngành có năm không có sinh viên đăng ký theo học.
“Đặc biệt, một số ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản truyền thống là khoa học đất, khuyến nông, khai thác thuỷ sản, quản lý và khai thác nguồn lợi biển đảo; lâm sinh, lâm học, quản lý tài nguyên rừng có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký theo học”, ông Ngô Hồng Giang cho hay.
Trái ngược với xu hướng tuyển sinh ngày càng giảm thì nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản lại ngày càng tăng. Trong 5 năm gần đây, hầu hết các doanh nghiệp cho biết đang thiếu hụt trầm trọng nhân lực trình độ đại học.
Ông Trần Thanh Đức cho biết, giai đoạn 2018-2023, hàng năm các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 2.200-3.000 kỹ sư, bác sỹ thú y nhưng số sinh viên ra trường hàng năm chỉ có 1.500-2.000 người, chỉ đáp ứng 2/3 nhu cầu tuyển dụng.
Theo ông Đức, số liệu khảo sát sinh viên nhà trường năm 2022 cho thấy, sinh viên sau khi tốt nghiệp làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước chiếm tới hơn 86%, làm việc tại các doanh nghiệp Nhà nước chỉ chiếm hơn 11% và hơn 1% tự tạo việc làm.
Chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Anh cho biết, ngành Nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau như yêu cầu tiến bộ công nghệ, thực hành bền vững và tăng năng suất. Để giải quyết những thách thức này, nhu cầu tuyển dụng các kỹ sư có chuyên môn về nông nghiệp và thuỷ sản ngày càng tăng.
Đối mặt lao động già
Ông Hoàng Văn Thám, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn Hà Nội, cho biết: HTX đang triển khai nhiều hình thức áp dụng công nghệ, đổi mới trong canh tác nông nghiệp như hệ thống nhà lưới có tưới tiêu tự động, hệ thống cảnh báo thời tiết, hệ thống truy xuất nguồn gốc… Tuy người dân rất nhiệt tình, mong muốn tiếp cận khoa học để phát triển nhưng còn hạn chế rất nhiều về nhận thức, kỹ năng, cần người có kiến thức hướng dẫn, giúp đỡ.
“Điều đáng nói, toàn bộ 17,8 ha canh tác và nhà máy 500m2 chỉ có 7 kỹ sư nông nghiệp quản lý, không thể chăm lo, hướng dẫn hết được. Chưa kể, mong muốn mở rộng thị trường, tiếp cận thương mại điện tử của HTX cũng mới chỉ là ý tưởng, cứ tính rồi lại thôi bởi không biết phải triển khai như thế nào, nắm bắt thị trường ra sao khi không có những nhân lực trẻ có chuyên môn marketing năng động, sáng tạo hỗ trợ”, ông Thám nói.
Bên cạnh vấn đề thiếu nhân lực trẻ, có trình độ, việc nhân lực ngày càng già cũng khiến các HTX khó đi lên bền vững. Những cán bộ có tuổi dù tâm huyết với công việc nhưng lại thiếu đi sự sáng tạo, bứt phá. Không chỉ vậy, họ thường gặp khó khăn trong nắm bắt thị trường, tiếp cận khoa học công nghệ,...
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngô Bắc (Quảng Bình) cho biết: “Hội đồng quản trị của HTX gồm 3 thành viên thì đều đã ở vào tuổi ngoài 60. Mặc dù trên thực tế, thực trạng “già hóa” đội ngũ quản lý HTX, nhất là các HTX nông nghiệp dẫn đến những khó khăn trong tiếp cận khoa học kỹ thuật, xây dựng kế hoạch sản xuất, tính toán sổ sách kinh doanh... Tuy nhiên, đặc thù của HTX chủ yếu làm các dịch vụ về nông nghiệp mà người trẻ thường không mấy mặn mà”.
Thực tế thì câu chuyện thiếu nhân lực không chỉ ở HTX của ông Thám và ông Nghị mà diễn ra ở hầu khắp các HTX trên cả nước. Qua rà soát của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thấy, chỉ có khoảng 20% số cán bộ quản lý HTX có trình độ cao đẳng, đại học trở lên; 30% có trình độ sơ cấp và trung cấp và còn khoảng 50% cán bộ HTX chưa qua đào tạo.
Ông Ngô Gia Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm tư vấn và hỗ trợ HTX, Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình, cho biết: Riêng đối với các HTX thuần trồng lúa, độ tuổi trung bình của đội ngũ quản lý khoảng 48-52 tuổi và đang có sự “già hóa”.
Lý giải về điều này, ông Đức nói rằng, đối với các HTX nông nghiệp thuần trồng lúa, độ tuổi của HĐQT gần như được xem là tiêu chí “cứng”, bởi các HTX này liên quan đến an ninh lương thực, an ninh xã hội và các công việc ích lợi khác tại thôn, xóm. Giám đốc, HĐQT các HTX nông nghiệp thuần trồng lúa vì thế thường phải là người có kinh nghiệm, có uy tín và nhận được sự đồng thuận cao của bà con nông dân và chính quyền địa phương.
Trong bối cảnh đó, để nâng cao chất lượng nhân lực, hàng năm, Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình đều lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX. Bình quân mỗi năm có từ 12-15 lớp với hơn 1.000 học viên từ 300 HTX tham gia với đủ thành phần từ kế toán, kiểm soát cho đến đội ngũ quản lý, HĐQT các HTX.
Đánh giá về tình trạng nhân lực hiện nay ở các HTX, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thị Lan: “Nhìn chung nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa mạnh, vẫn còn yếu và thiếu, nhất là thiếu chuyên gia, thiếu người dẫn dắt, người có thể làm chủ công nghệ, kỹ thuật cao”.
Nguyên nhân khó thu hút nhân lực trẻ, nhân lực trình độ cao được các HTX đưa ra là do tồn tại quan niệm làm việc trong HTX thu nhập không bảo đảm. Ngoài ra, những định kiến về môi trường nông nghiệp như vất vả nhưng khó phát triển, không được cọ xát, không hiện đại cũng là lý do khiến các lao động trẻ ngần ngại không ứng tuyển vào công việc tại các HTX.
Trước những thách thức đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Bộ sẽ tiếp tục làm việc với các trường, các doanh nghiệp để việc đào tạo nguồn nhân lực đi đúng quỹ đạo thị trường, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: Học ngành nào cũng có thể làm nông nghiệp được hết và học nông nghiệp cũng có thể làm được những ngành nghề khác. Ví dụ, như làm nông nghiệp thể hiện ở chỗ bạn mở một cửa hàng bán thực phẩm, nông sản sạch, có truy xuất nguồn gốc. Biết chế biến nông sản, biết đa dạng hóa một sản phẩm nông nghiệp từ sơ chế đến tinh chế để tạo ra những giá trị gia tăng vượt bậc. Rõ ràng lĩnh vực nông nghiệp rất đa dạng. |