|
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao đổi với ông Takebe Tsutomu, cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt về các biện pháp thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trở thành hình mẫu hợp tác giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Tại cuộc gặp Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trao đổi về những biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Nhật Bản nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hướng tới đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới.
Nhắc lại những kỷ niệm về đất nước, con người Nhật Bản, Phó Thủ tướng cho rằng trong văn hoá, con người giữa Việt Nam và Nhật Bản có nhiều mối liên hệ, tương đồng.
Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia thể hiện trách nhiệm rất cao và sẵn sàng hợp tác cùng Nhật Bản trong thực hiện các cam kết, mục tiêu toàn cầu. Qua đó, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trở thành hình mẫu hợp tác giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển.
"Với cả vai trò Bộ trưởng Bộ TN&MT đang đảm nhiệm, tôi đã tham gia quá trình thiết lập đối tác chiến lược với Nhật Bản trong đó triển khai nghiên cứu về biển, vấn đề môi trường, chống biến đổi khí hậu, vấn đề khí tượng thuỷ văn... và nhiều lĩnh vực tiềm năng khác mà hai nước có thể hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau", Phó Thủ tướng chia sẻ và bày tỏ ủng hộ các sáng kiến của Chính phủ Nhật Bản đối với mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero).
Phó Thủ tướng cũng dành thời gian trao đổi về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển năng lượng tái tạo, đào tạo, trao đổi nhân lực...
Cảm ơn Phó Thủ tướng dành thời gian tiếp, ông Takebe Tsutomu cho rằng việc thúc đẩy, củng cố mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của mỗi nước, nhất là trước những biến động khó lường trên thế giới, các thách thức về an ninh lương lực, năng lượng, an sinh xã hội, biến đổi khí hậu,…
Ông Takebe Tsutomu đã đưa ra một số đề xuất cụ thể trong hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản về giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; ứng phó với xâm nhập mặn, nước biển dâng ở đồng bằng sông Cửu Long; khắc phục hậu quả chất độc da cam…
Chia sẻ về mục tiêu phát triển kinh tế song song với các hoạt động bảo vệ môi trường, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio tin tưởng, Việt Nam là đối tác hàng đầu của Nhật Bản trong thực hiện chuyển đổi xanh.
Đánh giá cao những đề xuất hết sức thiết thực và cần thiết với Việt Nam của ông Takebe Tsutomu, Phó Thủ tướng cho rằng nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện tiên quyết để thực hiện chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi nền kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu Net Zero, cũng như bảo vệ người dân trước thiên tai, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đơn cử, Đại học Việt – Nhật là hình mẫu tiêu biểu cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trong đầu tư và phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người.
Phó Thủ tướng đặc biệt ghi nhận, đánh giá cao việc Nhật Bản hỗ trợ công nghệ và tài chính giúp Việt Nam giải quyết hậu quả của chất độc màu da cam, khi đến nay, đã có thế hệ thứ 2, thứ 3 phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh.
"Việt Nam đã huy động nguồn lực Nhà nước, nguồn lực xã hội để xoa dịu nỗi đau da cam. Trên thực tế, số lượng các gia đình nạn nhân chất độc da cam rất lớn. Mục tiêu hiện nay là giúp những nạn nhân chất độc da cam có thể có cuộc sống bình thường, có công ăn việc làm và cảm thấy mình có ích với xã hội. Đây là nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam", Phó Thủ tướng nói.
Trao đổi với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi lời cảm ơn tới Đại sứ đã dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam, có nhiều hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh của châu Á.
Phó Thủ tướng cho rằng những sáng kiến của Chính phủ Nhật Bản để thực hiện Net Zero theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, song hành với phát triển kinh tế là khả thi, phù hợp với nhiều nước đang phát triển, ví dụ như giải pháp thu hồi khí carbon phát sinh từ các nguồn năng lượng sử dụng nhiên liệu hoá thạch.
Tương tự như cơ chế chia sẻ vaccine trong phòng, chống đại dịch COVID-19, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các nước đang phát triển chỉ có thể chuyển đổi năng lượng công bằng, thực hiện Net Zero nếu các nước phát triển chủ động, tích cực thúc đẩy chuyển giao công nghệ về năng lượng tái tạo, tích trữ điện năng, sản xuất hydro xanh, amoniac xanh… với giá thành, chi phí hợp lý. "Vì vậy, chúng ta không được chậm trễ trong nghiên cứu những công nghệ khả thi, chia sẻ với nhau. Đó là mệnh lệnh từ thực tiễn", Phó Thủ tướng nói.