Rà soát tiền lương tối thiểu cho kỳ điều chỉnh năm 2024
11:42 - 24/02/2023
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương rà soát việc trả lương tối thiểu vùng, lương theo giờ làm căn cứ tính toán mức lương tối thiểu năm 2024.
Công nhân May 10 (Hà Nội) trong xưởng sản xuất áo sơ mi, tháng 3/2022.


Trong văn bản gửi địa phương ngày 21/2, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị rà soát việc thực hiện lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp từ tháng 7/2022 đến nay; thỏa ước lao động tập thể hoặc thỏa thuận khác có lợi hơn cho lao động; việc trả lương cho người qua đào tạo đảm bảo cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu.

Do năm đầu tiên áp dụng lương tối thiểu giờ, các địa phương đồng thời thống kê công việc, ngành nghề trả lương theo giờ, mức trả phổ biến. Tỉnh thành cũng đồng thời cập nhật tình hình việc làm, đơn hàng của doanh nghiệp trong quý I và dự báo nhu cầu lao động việc làm thời gian tới, nêu kiến nghị về mức lương tối thiểu áp dụng cho năm 2024.

Thời gian rà soát từ ngày 21/2 đến trước 1/4. Báo cáo rà soát sẽ là một trong những căn cứ để Hội đồng tiền lương quốc gia họp bàn về mức lương tối thiểu cho kỳ điều chỉnh tiếp theo.

Hôm 20/2, Văn phòng Chính phủ cũng thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu ý kiến của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về xác định và công bố mức sống tối thiểu của lao động, gia đình để làm cơ sở xác định lương tối thiểu.

Khái niệm "nhu cầu sống tối thiểu" lần đầu xuất hiện tại Điều 91 Bộ luật Lao động 2012, là một trong ba căn cứ xác định lương tối thiểu - tức mức thấp nhất trả cho lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện bình thường. Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, tình hình kinh tế xã hội và mức tiền lương trên thị trường, Chính phủ công bố lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Song mỗi kỳ điều chỉnh tiền lương, cách tính mức sống vẫn là vấn đề tranh cãi.

Nghị quyết 27 của Trung ương năm 2017 cũng giao cơ quan thống kê Nhà nước hàng năm công bố mức sống tối thiểu làm căn cứ xác định mức lương tối thiểu và khuyến nghị các định hướng chính sách tiền lương. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị điều chỉnh tỷ lệ các chi phí, yếu tố tính toán mức sống tối thiểu bởi quá lạc hậu; đồng thời đề nghị cơ quan thống kê sớm công bố mức sống tối thiểu hàng năm khi lương ngày càng đuổi không kịp giá.

Sau hơn hai năm chưa điều chỉnh, lương tối thiểu vùng tăng 6% từ ngày 1/7/2022. Mức hiện hành vùng I là 4,68 triệu đồng; vùng II 4,16 triệu, vùng III là 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu đồng. Trên cơ sở này, lương tối thiểu giờ tương ứng áp dụng lần lượt vùng I là 22.500 đồng; vùng II là 20.000 đồng, vùng III là 17.500 đồng và vùng IV là 15.600 đồng.

Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động. Mức này áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.

 
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn