Ngư dân Mũi Né được mùa cá thu
16:40 - 22/02/2023
BÌNH THUẬN - Hàng ngày ngư dân làng chài Mũi Né (TP Phan Thiết) đánh ghe ra biển cách bờ trên chục hải lý câu cá thu, mỗi người được 10-20 kg.
Ông Đinh Quốc Vui đưa một con cá thu nặng hơn chục ký từ thuyền vào bờ


Sau Tết đến nay, khoảng 16h hàng ngày, bến cá Thạch Long ở phường Mũi Né đông hơn ngày thường. Hàng chục ghe đánh cá tấp vào bờ bán hải sản đánh được trong ngày. Nhiều nhất ở bến là các ghe câu cá thu.

Ông Đinh Quốc Vui, 47 tuổi, ngư dân địa phương, vừa đáp ghe vào bãi trước. Do nước cạn, chiếc ghe dài hơn 4 m không thể vào sát bờ.

Ông Vui phải dùng thuyền thúng đưa số cá thu vừa câu được trung chuyển vào bãi cát, bán cho những đầu nậu chuyên mua hải sản chờ sẵn.Chuyến đi biển trong ngày, ông Vui trúng ba con cá thu lớn, phải đưa từng con vào để cân cho mối lái.

Con đầu tiên hơn 8 kg, con thứ hai hơn 4 kg, con thứ ba nặng đến 11 kg. Hơn 20 kg cá thu, ông bán tại bến với giá 200.000 đồng một kg. "Tổng được hơn 4 triệu, trừ phí tổn tiền dầu chạy ghe, hôm nay thu nhập được khoảng 3 triệu rưỡi", ông Vui hồ hởi nói.

Theo ông Vui, năm nay sau Tết, biển Mũi Né có nhiều cá thu. Từ giữa tháng Giêng đến nay, ông cùng hơn chục người trong xóm ngày này cũng đi câu. Khoảng 4h, họ xuất phát từ bến Mũi Né ra khơi cách bờ 10-20 hải lý, nơi vùng nước sâu cá thu thường sinh sống.

Cá thu có đặc điểm thân dài mình thon, da màu đen trắng bạc lóng lánh, con trưởng thành dài 0,6-1 m. Để câu cá thu, ngư dân địa phương dùng cá dựa mình dẹp để làm mồi. Con cá dựa dài hơn 40 cm được móc vào lưỡi câu đôi, một lưỡi gắn trước đầu, một lưỡi gắn dưới bụng. Người câu quăng mồi xuống, bung thả dây cước dài hơn 30 m, sau đó cho ghe chạy tốc độ vừa phải. Cá thu thấy mồi di chuyển, đuổi theo đớp.

Sau khi bị dính câu, cá thu được ông Vui kéo gần mạn thuyền, dùng cây sào có móc thép (còn gọi là cây khấu) đưa lên, bỏ vào thùng. Nhanh chóng thay mồi mới vào lưỡi, người đàn ông tiếp tục thả xuống nước, cho ghe chạy để nhử những cá thu khác.
Anh Phan A Khắc Đôn, 31 tuổi, ngư dân phường Mũi Né, cũng vừa câu được ba con cá thu, tổng cộng hơn 15 kg. Trừ chi phí, anh thu khoảng 2,5 triệu đồng. Theo anh, câu ghe chạy thả mồi dắt thường đánh được cá thu lớn, nhưng phí tổn một chuyến mất khoảng 500 nghìn đồng mua dầu. Vì vậy, ngư dân phải câu cá thu chục kg trở lên mới có thu nhập.

Làng chài Mũi Né có khoảng 20 người làm nghề câu cá thu. Cứ rạng sáng ngư dân ra biển, đến chiều vào bờ bán cá. Vào mùa nhiều cá, mỗi ngày một người câu được 10-20 kg cá thu. "Ngày nào cũng câu được kha khá, trừ mấy ngày trời gió quá, anh em không dám đi vì sợ sóng đánh lật ghe", anh Đôn nói.

So với nghề khác, nghề câu dắt khá vất vả vì ngư dân phải liên tục điều khiển ghe. Họ dậy sớm từ lúc mặt trời chưa mọc để đi câu, đến chiều mới vào bờ. Trung bình một ngày, ngư dân phải chạy ghe suốt 12 giờ nên đòi hỏi người đi câu có sức khỏe tốt. Bù lại khi câu được cá thu bán với giá cao, giúp cuộc sống dân làng chài khá ổn định.

Bà Lê Thị Hai, người chuyên mua hải sản tại bến Mũi Né, cho biết cá thu câu được nhiều đầu nậu thuỷ sản săn đón. Bởi đây là hàng tươi mới, không bị ủ đá như ghe lưới đánh bắt ngoài khơi cả tháng trời. Mỗi ngày bà mua cả tạ cá thu, đều bán hết sạch. Hiện, cá thu nguyên con tại bến giá 200-250 nghìn đồng một kg, mua lẻ ở chợ giá 300 nghìn một kg.

Sau khi mua hàng, ngoài bán nguyên con cho khách ở Sài Gòn và các tỉnh thành, các vựa thuỷ sản còn cắt lát cá thu bán lẻ cho người dân địa phương và nhà hàng ở Phan Thiết. Cá thu còn được sắt từng miếng, phơi một nắng bán cho du khách.



 
Nguồn: VNE
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn