Thời vụ thu hoạch ngắn, diện tích ngày càng tăng cao nên áp lực tiêu thụ ngày càng lớn. Bài toán rải vụ cho quả vải thiều Lục Ngạn vì thế ngày càng cấp thiết.
Dày công như "chăm con mọn"
Gắn bó với cây vải thiều từ thập niên 1980, ông Nguyễn Quang Trung, trú tại xã Giáp Hạ, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chia sẻ, vải thiều là một cây tương đối khó tính. Trong quá trình sinh trưởng, cây vải cần một giai đoạn nhiệt độ ngoài trời thấp (khoảng dưới 15 độ C) để cây phân hóa mầm, lộc, hoa. Từ kinh nghiệm ngót 40 năm có lẻ của ông, cây vải cần tích đủ 3 lần ra lộc trước khi đậu quả thì quả sau này mới đạt chất lượng, hương vị tốt nhất.
Vụ vải thiều năm nay, thời tiết từ sau Tết Nguyên đán tới tháng 4 liên tục mưa nắng thất thường. Tầm này mọi năm, trời thường đã nổi nắng nóng như đổ lửa, nhưng đến những ngày giữa tháng 5 này, vẫn còn đợt gió mùa đông bắc tràn về hết sức kỳ lạ, gây lạnh cục bộ ở nhiều khu vực trồng vải thiều tại Bắc Giang. Người dân tâm tư vì chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ tới thời điểm vải chín rộ .
"Do thời tiết rét kéo dài nên mùa vải năm nay thu hoạch muộn. Từ tháng 2, tôi liên tục phải thăm vườn, đảm bảo lượng nước tưới. Đến nay, rất mừng là tỷ lệ ra quả trong vườn đạt rất sai, trên 90%", ông Trung phấn khởi.
Theo ông Trung, chăm cây vải thiều được tính từ trước ngày Đông chí năm trước khoảng 20 - 25 ngày. Từ lúc vải thiều nhú nụ, bà con ngừng tưới nước, đợi cây ra lộc. Mỗi lần tưới, phải chia nhỏ làm nhiều lần, không tưới sũng nước. Thường ông Trung chọn tưới cho cây lúc trời mát hoặc ban đêm, đặc biệt tránh lúc trời đang nắng hoặc nắng to.
Thời điểm cây vải ra hoa là lúc cần tập trung tỉa cành, tạo tán bằng cách dùng kéo loại bỏ hết các cành nhỏ, cành tăm, cành bị sâu bệnh, các cành vô hiệu mọc chen trong tán, đặc biệt là các chồi vượt vừa mọc ra. Đây là biện pháp nhằm làm cho tán cây thông thoáng, hạn chế được sâu bệnh phát sinh, phát triển, đồng thời giúp cây ức chế và kích thích phân hóa mầm hoa, tăng cường dinh dưỡng cho cây khỏe hơn, hạn chế được tình trạng rụng hoa, rụng quả non sau này.
Nếu gặp thời tiết khô hạn lúc cây vải thiều ra hoa, cần phải ngừng hẳn tưới nước, giữ cho vườn cây ở mức khô hạn cục bộ từ 10 - 15 ngày mới tưới đẫm nước liên tục 2 - 3 ngày rồi dứt hẳn để kích thích cho hoa nở đồng loạt, tập trung. Tuyệt đối tránh để vườn khô, dẫn đến việc cây thiếu nước, hoa sẽ rụng nhiều. Ngược lại, nếu tưới quá nhiều, độ ẩm trong đất cao kết hợp với nhiệt độ cao có thể làm cho các mô non ở cuống và hoa trương lên đột ngột, cũng dẫn tới việc hoa rụng hàng loạt.
Bên cạnh đó, cần lưu ý việc bón phân cho cây vải. Khi bón, nên sử dụng các loại phân NPK tổng hợp chứa hàm lượng lân nhiều. Trước khi tưới, hòa phân vào nước hoặc rắc phân sau đó tưới nước hoặc bổ hốc khi bón phân, không xẻ rãnh hoặc cuốc vào gốc khi cây đang ra hoa đậu quả.
Do vải là cây á nhiệt đới, thời tiết có ảnh hưởng lớn đến việc canh tác. Nếu thời tiết thuận lợi, vụ vải thiều sẽ thu hoạch rộ đúng ngày 5/5 âm lịch. Nhưng như năm nay, vụ vải được dự báo chậm khoảng 7 - 10 ngày so với mọi năm.
Ngoài biện pháp chăm sóc, ông Trung cũng chia sẻ kinh nghiệm bảo quản vải tươi để có thể dùng trong khoảng 2 - 3 tuần. Theo đó, sau khi mua, vải cần được rửa sạch, loại bỏ chất bẩn bám trên vỏ. Những quả bị rám, hoặc mềm, nhũn cần cho ra ngoài. Sau khi để ráo nước, trong môi trường thoáng, mát, quả vải cần được chia thành nhiều túi nhỏ, trước khi cất trong tủ lạnh, bảo quản tốt nhất từ 2 - 3oC. Khi muốn ăn, từng túi nhỏ được lấy ra, đảm bảo màu tươi sẽ được lưu giữ.
Áp lực tiêu thụ ngày càng lớn
Ông Nguyễn Quang Trung cho biết vụ vải năm ngoái, mặc dù dịch bệnh Covid-19 căng thẳng ngay giữa mùa thu hoạch, tuy nhiên vườn của ông cũng như các nhà vườn khác trong vùng đều được cả mùa lẫn giá. Đợt cao điểm, thương lái vào hẳn trong vườn mua vải tại gốc với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Đó là một con số mơ ước với nhiều người, bởi có năm giá vải đôi lúc từng xuống mức chỉ 10.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, với người cả đời gắn bó với cây vải, ông Trung vẫn kỳ vọng giá vải năm nay sẽ cao hơn nữa. bởi năm nay, tất tần tật từ chi phí phân bón, thuốc BVTV... đều tăng cao. Ông kể, ngày mới bắt tay vào nghề trồng vải, giá vải chỉ khoảng 5.000 - 7.000 đồng/kg, nhưng tiền lúc đó có giá. Thêm vào đó, chi phí vật tư, phân bón cũng không cao như bây giờ. Nhà nào biết tính toán, căn cơ thậm chí có thể xây được một căn nhà sau một vụ vải.
Cây vải đuổi cái nghèo khỏi đất Lục Ngạn, nhưng vẫn không tránh được quy luật thị trường lúc lên lúc xuống. Cây xóa nghèo từng có lúc phải "giải cứu", bởi giờ những sườn đồi, chân núi Lục Ngạn đâu đâu cũng thấp thoáng hình bóng cây vải. Sản lượng, diện tích tăng đều hàng năm, nhưng kỹ thuật chăm sóc của người dân có lúc chưa theo kịp.
"Những hộ biết chăm sóc, căn chỉnh đúng thời vụ cho cây vải như tôi bây giờ nhiều lắm. Chẳng thế mà hàng xóm quanh đây, sau khi thử nghiệm trồng cam, trồng bưởi, kể cả nhãn, vẫn lại quay về với món đặc sản này", ông Trung cười vui kể.
Do thời vụ thu hoạch quả vải gần như chỉ tập trung trong thời gian rất ngắn chưa đầy 1 tháng, trong khi diện tích, sản lượng ngày càng tăng mạnh nên áp lực tiêu thụ quả vải Lục Ngạn ngày càng lớn. Một trong những vấn đề khiến nhiều người dân trồng vải ở đây luôn trăn trở nhưng chưa thể có lời giải tốt, đó chính là làm sao để rải vụ được vải thiều.
Lượn một vòng quanh xã Giáp Hạ, ông Trung kể tường tận nhà ai ghép vải chín sớm vào gốc vải chính vụ, nhà nào đang trồng xen cam, bưởi dưới bóng vải... Ai cũng biết vải sớm thì bán dễ và được giá hơn, nhưng không phải vùng nào muốn cũng làm được.
Ông Trung chỉ là một trong số nhiều hộ gia đình thiếu lao động trẻ ở đất Lục Ngạn. Họ biết tường tận, thậm chí có thể coi là những chuyên gia trong việc sản xuất, chăm bón vải thiều. Tuy nhiên, khâu tiếp cận thị trường, hoặc sản xuất với quy mô lớn vẫn còn bỏ lửng.
Với riêng gia đình ông Trung, có lao động chính là hai vợ chồng già, việc trồng, chăm bón và thu hái những quả vải thiều đầu vụ đơn thuần là niềm vui. Việc vườn vải rộng độ 2 mẫu (0,7ha) được quy hoạch vào vùng nguyên liệu, sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu có lẽ vẫn ở thì tương lai. Còn hiện tại, ông vẫn ngày ngày thăm vườn, chờ tới lúc quả vải ửng đỏ, to hơn đầu ngón chân cái, khi sờ vào thấy lớp gai mịn và có độ đàn hồi.
"Vải như thế là ngon nhất, bán sẽ được giá. Còn nếu sờ nắn thấy quả cứng thì còn xanh, còn nếu nắn mềm nhưng không đàn hồi thì quả có thể đã chín quá", ông Trung chia sẻ kinh nghiệm.
Cách nhà ông Trung chừng 5km là hộ anh Ngô Văn Hùng, thành viên HTX Nông nghiệp Thanh Hải. Vụ vải thiều năm nay, gia đình anh có 2ha nằm trong mã số vùng trồng, hiện đã được một công ty xuất nhập khẩu nhận bao tiêu đầu ra.
"Chăm sóc vải thiều theo phương pháp cũ khá vất vả, mất nhiều công sức, nay việc chăm sóc khoa học hơn, có sổ ghi chép rõ ràng, số vốn đầu tư ban đầu giảm, thu nhập cao hơn", anh Trung cho biết.
Năm ngoái, với diện tích như trên, anh đầu tư mua phân chuồng ủ hoai mục trộn với lượng nhỏ phân hoá học bón cho cây. Trong thời kỳ cây vải ra hoa, anh sử dụng nhiều rơm rạ, cỏ khô ủ gốc, giữ ẩm thường xuyên cho vườn cây; đồng thời phun thuốc trừ sâu sinh học chi phí hơn 14 triệu đồng, giảm khoảng 7 triệu đồng so với vụ 2020. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, vụ vải năm ngoái, gia đình anh có lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng.
Năm nay, huyện Lục Ngạn chọn 57 hộ, khoảng 60ha vải thiều để sản xuất phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, sản lượng dự kiến từ 700 đến 1 nghìn tấn. Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo tiếp tục sản xuất 12,8 nghìn ha vải VietGAP; 18 mã số vùng trồng diện tích 218ha, sản lượng 1.600 tấn phục vụ xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Australia, EU; 35 mã số vùng trồng được Trung Quốc chấp thuận với diện tích 11.423ha.