Tích tụ ruộng hoang, làm cánh đồng lớn
09:48 - 01/03/2022
Thuê lại những khu vực ruộng bị bỏ hoang, ông Nguyễn Văn Học ở Kim Động (Hưng Yên) đã làm cánh đồng lớn hiệu quả cao với hàng chục ha khoai tây, lúa hàng hóa.

Về xã Toàn Thắng, Kim Động, Hưng Yên vào những ngày rét buốt thấu xương, chúng tôi vẫn thấy ông Nguyễn Văn Học dầm mình dưới mưa cùng một số nhà nông, khẩn trương thu hoạch những ruộng khoai tây cuối cùng để kịp chuyển sang gieo trồng vụ xuân.

Cánh đồng khoai tây đông xuân đang cuối vụ thu hoạch. Ảnh: H.Tiến.

Cánh đồng khoai tây đông xuân đang cuối vụ thu hoạch. Ảnh: H.Tiến.

Ông Học phấn chấn cho hay, năm nay thời tiết thuận lợi, cây khoai tây cho năng suất cao, chỉ tính riêng những củ nặng từ 0,2kg trở lên (khoai loại 1) đã cho 600 kg/sào (360m2). Vụ đông này, ông Học trồng 35 mẫu (12,6ha) khoai tây giống Đức, tống sản lượng đạt 210 tấn củ, chưa kể số khoai nhỏ dưới 0,2 kg/củ. Hiện đã có thương lái nhận mua toàn bộ sản lượng với giá 7.000 đồng/kg, nhưng ông Học còn chưa bán. Ông dự tính bảo quản, trữ khoai tây trong kho lạnh chờ cuối vụ xuân, đầu hè, miền Bắc không thể trồng khoai tây thương phẩm, khi đó khoai tây sẽ có giá.

Với năng suất và giá khoai tây như hiện tại, vụ đông năm nay, ông Học có lãi gần 14 triệu đồng/ha (500 nghìn đồng/sào). Nhờ sản xuất lớn lâu năm, ông Học rất trường vốn, không cần bán khoai ngay khi thu hoạch lứa khoai vụ đông, mà vẫn có tiền triển khai trồng tiếp 50 mẫu khoai tây vụ xuân nhằm có lượng giống lớn, chất lượng cao, cung ứng cho sản xuất vụ đông 2022 - 2023.

Để đảm bảo canh tác hiệu quả số diện tích khoai tây hơn 12 ha, ông Học đã sắm đầy đủ máy móc cho cơ giới hóa các khâu làm đất, lên luống, lót phân, đặt giống, vun xới và thu hoạch. Nhờ vậy, đã giảm được rất nhiều công lao động so với sản xuất bằng thủ công, giúp hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận.

Do thời tiết thuận lợi, khoai tây năm nay cho năng suất rất cao. Ảnh: H.Tiến.

Do thời tiết thuận lợi, khoai tây năm nay cho năng suất rất cao. Ảnh: H.Tiến.

Bên cạnh chủ động sản xuất khoai tây các loại, ông Học còn liên kết với Công ty Cổ phần Giống Cây trồng Bắc Giang cập nhật các tiến bộ kỹ thuật mới và chia sẻ thị trường tiêu thụ các loại khoai tây khi cần.

Kết thúc vụ khoai tây đông, ông Học đồng thời triển khai gieo cấy hơn 100 mẫu lúa xuân các loại. Cũng như trồng khoai tây, toàn bộ các khâu canh tác lúa đều được tiến hành bằng máy móc. Bao gồm, đất cày ải kiệt, đưa máy vào lồng ngả kỹ nhuyễn, tiêu rút hết nước, san phẳng ruộng, dùng flycam (máy bay không người lái) rải hạt giống, phun thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, bón phân..., tổng lực chỉ cần 4 lao động của nhà, làm trong 20 ngày là xong từ A - Z. 

Trong sản xuất lúa, ông Học đã liên kết với các cơ sở bún, bánh phở, nấu rượu trong khu vực, luôn chuộng gạo Q5 cho chế biến. Vì gạo Q5 nấu rất được rượu, tráng bánh phở cũng dôi. Vì vậy, ông Học đã chỉ chọn giống Q5 cho gieo cấy, lượng thóc làm ra tới đâu bán hết ngay tới đấy. 

Q5 là giống lúa cứng cây, chống đổ tốt, năng suất và tiềm năng suất rất cao, thâm canh tốt có thể đạt 8 tấn/ha/vụ. Thực tế, lúa Q5 sản xuất trong cánh đồng lớn của ông Học luôn đạt năng suất 70 tạ/ha/vụ. Cùng giống lúa này, các hộ sản xuất nhỏ lẻ chỉ thu được 6 tấn thóc/ha. Nguyên nhân do ông Học chọn gieo sạ lúa thay cho cách gieo cấy truyền thống, lúa gieo sạ luôn sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh khỏe, số bông hữu hiệu cao, năng suất lúa cao hơn 15% so với lúa cấy.

Sau thu hoạch khoai tây vụ đông, ông Học lồng ngả ruộng cho gieo sạ lúa xuân. Ảnh: H.Tiến.

Sau thu hoạch khoai tây vụ đông, ông Học lồng ngả ruộng cho gieo sạ lúa xuân. Ảnh: H.Tiến.

“Dùng fycam gieo sạ hạt giống sẽ phân bố đều như chia trên mặt ruộng, không mất công tỉa dặm như sạ giống bằng tay. Fycam cũng có nhược điểm, trong một số trường hợp thuốc không tiếp xúc trực tiếp được tới đối tượng sâu bệnh nằm ở gốc lúa. Để khắc phục, cần mua thuốc có tác dụng nội hấp, lưu dẫn và phun sớm khi nấm bệnh mới phát sinh, sâu non tuổi 1 - 2 ”, ông Học lưu ý. 

Cách nay hơn 10 năm, tại địa phương đã có rất nhiều nông dân bỏ ruộng. Vốn sẵn máy làm đất dịch vụ của nhà, ông Học liền thuê lại ruộng rồi gieo cấy. Thấy càng làm nhiều ruộng càng có lãi cao, ông Học đã quyết định bỏ ra gần 2 tỷ đồng, đầu tư đồng bộ các máy cày, lồng, bơm nước, gặt đập liên hợp, phơi sấy lúa và flycam. Kết quả chưa đầy 3 năm đưa vào vận hành sản xuất, ông Học đã thu hồi đủ số vốn bỏ ra ban đầu. Nguồn lãi thu về từ 8 năm nay cơ bản ông Học được "bỏ ống", dành một phần cho thuê ruộng mở rộng diện tích lúa, khoai tây ra các địa phương lân cận.  

Biết ông Học thu nhập cao từ canh tác cánh đồng lúa lớn, đã có hàng chục nông hộ trong tỉnh Hưng Yên đầu tư mua sắm máy móc, tích tụ ruộng và mở rộng diện tích gieo cấy như các ông: Nguyễn Nam Thái ở xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào sản xuất 22ha lúa nếp; Phạm Văn Sào ở xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ gieo cấy 10ha lúa Bắc thơm số 7…


Nguyễn Hải Tiến
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn