Đa đạng thị trường xuất khẩu, tăng tỉ lệ sản phẩm chế biến là xu hướng chính của ngành rau quả Việt Nam trong 2022.
|
Rau quả xuất khẩu đang giảm dần phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: Trần Trung. |
Giảm phụ thuộc thị trường Trung Quốc
Trung Quốc không chỉ là thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam trong nhiều năm qua mà tiếp tục giữ vị trí này về lâu dài. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đang trong xu thế giảm dần trong những năm gần đây.
Điều này thể hiện rất rõ qua sự tăng trưởng xuất khẩu rau quả trong 2021. Năm ngoái, xuất khẩu rau quả tăng 8,6% so với năm 2020 khi đạt 3,55 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,9 tỷ USD, chỉ tăng có 3%. Như vậy, sự tăng trưởng 8,6% của xuất khẩu ra quả trong năm qua chủ yếu là nhờ vào các thị trường khác.
Do sự tăng trưởng của thị trường Trung Quốc thấp hơn nhiều so với tăng trưởng chung của xuất khẩu rau quả, cũng như tăng trưởng của nhiều thị trường khác, nên rau quả xuất sang Trung Quốc đang tiếp tục giảm đáng kể về tỷ trọng trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam.
Năm 2020, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chiếm 56,27% tổng giá trị xuất khẩu rau quả. Đến năm 2021, giảm xuống còn 53,71%. Những con số này đều đã thấp hơn rất nhiều so với tỷ trọng trên dưới 70% của rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc cách đây chưa lâu.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), đang có sự chuyển dịch rõ nét về xuất khẩu rau quả sang các châu lục khác. Trong khi tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang châu Âu và châu Mỹ tăng, tỷ trọng xuất khẩu sang châu Á giảm.
Cụ thể, trong 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường châu Âu và châu Mỹ đều có tốc độ tăng trưởng cao, trong đó xuất khẩu tới châu Âu đạt 303 triệu USD, tăng 17,4% so với năm 2020; tới châu Mỹ đạt 271 triệu USD, tăng 29,1% so với năm 2020. Nhờ vậy, thị phần của châu Âu trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam đã tăng từ 7,9% trong năm 2020 lên 8,5% trong năm 2021; thị phần của châu Mỹ tăng từ 6,4% lên 7,6%.
Ở mức độ khiêm tốn hơn, thị phần của châu Phi trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam cũng tăng từ mức 0,8% lên 1,2%. Thị phần của châu Úc vẫn giữ nguyên ở mức 2,6%. Trong khi đó, thị phần của châu Á giảm từ mức 82,2% xuống còn 80%, chủ yếu là do thị trường Trung Quốc bị giảm về thị phần trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam.
Xu hướng chuyển dịch xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc, nhất là những thị trường khó tính, tiếp tục thể hiện rõ nét ngay trong tháng đầu năm 2022. Trong tháng 1, trong khi xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm tới 18,5% so với tháng 1/2021, chỉ đạt 148,9 triệu USD thì xuất khẩu tới thị trường Mỹ đạt 22,4 triệu USD, tăng 69,8%.
Xuất khẩu rau quả sang thị trường Hàn Quốc tháng 1 đạt 12,2 triệu USD, tăng 31,6% so với tháng 1/2021. Xuất khẩu tới Nhật Bản đạt 11,8 triệu USD, tăng 12,2%. Xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính khác cũng tăng mạnh trong tháng 1 so với cùng kỳ như Úc tăng 45,7%; Hà Lan tăng 51,5%; Nga tăng 33,9% …
Cơ hội cho sản phẩm chế biến
Trong thành công của xuất khẩu rau quả năm 2021, có đóng góp không nhỏ của rau quả chế biến.
Do tác động của dịch Covid-19, trong năm 2021 cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam đã có sự dịch chuyển rõ rệt. Cụ thể, trong khi chủng loại hàng quả và quả hạch giảm tỷ trọng xuất khẩu, thì chủng loại sản phẩm chế biến lại tăng.
Trị giá xuất khẩu chủng loại hàng rau quả chế biến trong năm 2021 chiếm 25,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả, tăng 1,5 điểm phần trăm so với năm 2020.
Ngay tại thị trường Trung Quốc, nơi mà lâu nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu rau quả tươi, các sản phâm rau quả chế biến cũng đang có sự thâm nhập ngày càng mạnh mẽ.
Thông tin từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho hay, trong 11 tháng đầu năm 2021, Việt Nam và Mỹ là 2 thị trường cung cấp rau quả chế biến lớn nhất cho Trung Quốc, với giá trị nhập khẩu từ Việt Nam là 213 triệu USD, tăng tới 34,9% so với cùng kỳ 2020.
Trong năm nay, với nhu cầu sử dụng rau quả chế biến đang tiếp tục gia tăng trên toàn cầu do ảnh hưởng của Covid-19, ngành rau quả Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng sản phẩm chế biến, giảm xuất khẩu các sản phẩm tươi.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), nhận định, dịch Covid-19 được cho là không ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất rau, củ, quả chế biến toàn cầu. Ngược lại, nguồn cung rau quả chế biến tăng khi xuất khẩu sản phẩm tươi hoặc đông lạnh giảm, buộc các nhà sản xuất phải chuyển hướng sang chế biến. Trong khi đó, giá cả, thời gian sử dụng và sự đổi mới là những động lực chính thúc đẩy sự gia tăng tiêu thụ trái cây và rau quả chế biến.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), mặc dù ngành rau quả Việt Nam đang có sự chuyển dịch tích cực sang chế biến, nhưng so với yêu cầu phát triển và hội nhập, rau quả chế biến của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều tồn tại, hạn chế cần nỗ lực khắc phục trong thời gian tới.
Vì vậy, cần phải đầu tư cho công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và phát triển logistics phục vụ vận chuyển rau quả. Việc đẩy mạnh đầu tư cho chế biến sẽ giúp ngành hàng rau quả tăng cao giá trị xuất khẩu.
Tận dụng Hiệp định EVFTA
Trong các thị trường ngoài Trung Quốc, EU đang là một trong những thị trường tiềm năng nhất của rau quả Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), EU là thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn nhất trên thế giới.
Trong 10 tháng năm 2021, nhập khẩu hàng rau quả của EU đạt 100,3 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020. Nhu cầu nhập khẩu sản phẩm rau, quả mới lạ có dinh dưỡng cao của EU từ khu vực nhiệt đới rất lớn và đang có tốc độ tăng trưởng cao.
Đáng chú ý, Việt Nam là nước đang phát triển duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có hiệp định thương mại tự do với EU. Sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế suất một số loại rau, quả của Việt Nam vào EU được giảm về 0%, đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các nước trong khu vực.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho rằng, trái cây là một trong những sản phẩm tiềm năng Việt Nam cần tập trung khai thác để tận dụng lợi thế từ Hiệp định EVFTA. Các chủng loại trái cây tiềm năng tăng trưởng tốt tại thị trường EU trong thời gian tới là me tươi, điều, mít, vải, mận, chanh dây, khế, thanh long, ổi, xoài và măng cụt... tương ứng với các thị trường mục tiêu là Hà Lan, Pháp và Đức.
Mỹ là thị trường rất tiềm năng đối với rau quả của Việt Nam, bởi thu nhập bình quân cao, xu hướng ẩm thực ngày càng chú trọng tới các chủng loại rau quả. Tính đa dạng và cởi mở trong văn hóa Mỹ luôn khiến người tiêu dùng muốn trải nghiệm sản phẩm mới, mở ra cơ hội cho các loại rau quả đặc sản từ vùng nhiệt đới của Việt Nam.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, để gia tăng xuất khẩu rau quả vào Mỹ, các doanh nghiệp trong nước nên phối hợp với nhà nhập khẩu, phân phối tại Mỹ nghiên cứu phương thức thanh toán linh hoạt, hỗ trợ chia sẻ rủi ro, nhất là giai đoạn đầu tiếp cận thị trường.
Bên cạnh đó, xem xét việc liên kết, đầu tư kho lạnh để lập trung tâm phân phối hàng Việt Nam tại một cảng nhập lớn ở Bờ Tây, sau có thể mở thêm tại Bờ Đông hoặc phía Nam, với quy mô đủ lớn, phục vụ nhiều nhóm hàng. Việc này sẽ giúp giảm chi phí, tạo thế chủ động cho các doanh nghiệp đưa hàng ra thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động cập nhật, thường xuyên cung cấp thông tin, chủ động khai mở, tạo cơ hội thị trường.