Vườn bưởi sai trĩu của lão nông Lò Văn Miên ở bản Na Ten, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
Thông qua các loại hình tuyên truyền, qua đài báo, TTKNQG đã phổ biến kịp thời các chủ trương, chính sách, tiến bộ kỹ thuật mới, các mô hình làm ăn giỏi đến với người sản xuất trên khắp cả nước.
Đọc báo, nhà nông biết cách làm ăn
Sau 17 năm khai phá đồi hoang, những giọt mồ hôi, công sức của lão nông Lò Văn Miên (ở bản Na Ten, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã được đền đáp bằng những trái ngọt. Hơn 10ha cam, bưởi và ao cá đem lại cho ông hàng tỷ đồng mỗi năm.
Những ngày đầu làm trang trại ở đồi hoang, không chỉ người dân bảo ông khùng, hâm, bị "giời hành"... mà ngay vợ con ông cũng không tin có ngày hái quả. Vì thế ông một mình lên đồi phát cỏ, đào hố, mua cây giống về trồng. Tiền mua cây không có, phải bán cả trâu, lợn, dê.
"Thấy tôi quyết tâm, dần dà mọi người trong nhà cũng ủng hộ, cùng làm, năm đầu tôi trồng 1ha cam. Sau đó tôi đánh liều vay Ngân hàng Chính sách xã hội được 10 triệu đồng, đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho vườn cam" - ông Miên kể.
Ông đào ao nuôi cá để bán lấy tiền nuôi cam, bưởi. Để có kỹ thuật phòng chống các loại sâu bệnh hại cây, ngoài tham quan tại các khu vực trồng cam, bưởi nổi tiếng cả nước, ông Miên còn tìm hiểu thông tin trên sách báo.
Ông tâm sự: "Kinh nghiệm ở đấy chứ đâu, các báo giới thiệu nhiều mô hình trang trại, những gương nông dân làm giàu, cách phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc cây ăn quả, cái quan trọng là người dân có biết học hỏi để làm".
Bây giờ mỗi năm, ông Miên thu hoạch trên 20 tấn cá, hàng trăm tấn hoa quả, thu lãi hơn 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động.
Còn ông Nguyễn Trọng Phúc (sinh năm 1962, ngụ ấp Bình Hòa A, xã Song Bình, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang), bây giờ đã thuộc làu làu kỹ thuật trồng bưởi da xanh như một cán bộ khuyến nông thực thụ. Ông Phúc cho biết, nhờ chăm chỉ với mảnh vườn của mình, chịu khó học hỏi tìm đọc trên báo chí, nghiên cứu các tài liệu khuyến nông và cả kinh nghiệm của người đi trước mà ông thành thạo nghề trồng bưởi, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Ba Phúc chia sẻ: "Những kiến thức trồng và chăm sóc bưởi là tôi được cơ quan khuyến nông hướng dẫn, còn để tự mình mày mò thì lâu lắm mà không biết hiệu quả tới đâu".
Theo TTKNQG, thời gian qua đã có nhiều chương trình, chuyên mục khuyến nông được phổ biến đến nông dân thông qua các loại hình, phương tiện truyền thông: Từ truyền hình, phát thanh, báo giấy, báo điện tử đến các sự kiện khuyến nông (hội thi, hội chợ, diễn đàn, tọa đàm), ấn phẩm khuyến nông...
Nông dân đã được tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật, cách làm ăn mới được minh chứng từ các mô hình, tấm gương nông dân cụ thể.
Nhiều chuyên mục được người dân yêu thích, coi như những "cẩm nang" trong sản xuất như: "Mách nhỏ", "Sổ tay nhà nông" trên VTV1; "Bạn của nhà nông", "Nhịp cầu khuyến nông" trên VTV2; chuyên trang Khuyến nông của Báo Nông thôn Ngày nay, Nông nghiệp Việt Nam…
Nhiều tọa đàm hữu ích
Những năm qua TTKNQG cũng đã duy trì các diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp và diễn đàn này đã trở thành "thương hiệu" của hệ thống khuyến nông Việt Nam. Từ những diễn đàn trong hội trường, ngoài đồng ruộng (đầu bờ, đầu chuồng), hay trong thời Covid-19 là những diễn đàn online đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích, giải đáp hàng vạn câu hỏi, thắc mắc của bà con nông dân.
Đặc biệt, chỉ trong năm 2021, TTKNQG đã phối hợp Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức 4 tọa đàm trực tuyến hiệu quả, mang tính thời sự, thu hút hàng nghìn bạn đọc quan tâm: Giải pháp thúc đẩy mô hình kết nối cung cầu nông sản chính quy; chuyển đổi số nông nghiệp, không thể chậm trễ; giải pháp phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, giảm phụ thuộc nhập khẩu; sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường.
Thông qua hoạt động thông tin tuyên truyền, những chủ trương, định hướng lớn của ngành nông nghiệp đã được người dân đón nhận và triển khai, tạo thành các phong trào sản xuất lớn như "Cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm"; phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi; hình thành các hội thi nông dân sản xuất giỏi… Từ đó góp phần nâng giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tá c của nước ta từ 10,5 triệu đồng (1995 lên 42,7 triệu đồng (2010) và 95 triệu đồng vào năm 2020.
Để thích ứng với bối cảnh dịch Covid-19, TTKNQG ra mắt trang tin "Phiên chợ khuyến nông" http://phiencho.khuyennongvn.gov.vn, để hệ thống khuyến nông Việt Nam chủ động giới thiệu các sản phẩm có dấu ấn của khuyến nông, các sản phẩm OCOP, sản vật địa phương.
|