Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nông dân đã làm giàu bằng bàn tay, khối óc để đóng góp chung cho nền kinh tế
10:01 - 30/12/2021
Chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, trong điều kiện khó khăn nhưng kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát, điều này có được nhờ đóng góp quan trọng của ngành nông nghiệp. 
Nhìn lại năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19, mới đây lại thêm biến chủng mới; cộng thêm tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp nhưng ngành nông nghiệp vẫn có những đóng góp vô cùng quan trọng cho nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế - xã hội. 
 
 
"Trong điều kiện khó khăn nhưng kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát, điều này có được nhờ đóng góp quan trọng của ngành nông nghiệp" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
 
 
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, khi dịch bệnh bùng phát, để đảm bảo sức khỏe người dân, các địa phương phải áp dụng các biện pháp hành chính để chống dịch, tăng cường giãn cách. Nhiều hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nhưng lúc đó, sức khỏe của người dân được đặt lên trên hết.
 
 
Sau đó, chúng ta mở chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19, đưa ra những chính sách kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế được khôi phục, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều thành quả, trong đó có nông nghiệp. 
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nông nghiệp đã có những đóng góp quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế. Ảnh: P.V

 
"Nông nghiệp đã có những đóng góp quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế khi tăng trưởng tới 2,85%, quý III/2021 tăng trưởng kinh tế âm 6,4% nhưng nhờ đoàn kết, vượt khó vươn lên, chúng ta đã lấy lại đà tăng trưởng, trong đó nông nghiệp tăng trưởng dương đã góp phần cho tăng trưởng dương của nền kinh tế đất nước" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. 
 
 
Đặc biệt ấn tượng với con số xuất khẩu nông lâm thủy sản lập kỷ lục 48,6 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đó là sản phẩm của Việt Nam, là sự sáng tạo, nỗ lực của doanh nghiệp, người dân.
 
 
"Nông dân đã làm giàu bằng bàn tay khối óc ở từng khung trời, cửa biển, góp vào thành tích chung của nền kinh tế" - Thủ tướng nói.
 
 
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để đạt được những kết quả quan trọng đó, ngành nông nghiệp đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phát huy, kế thừa, phát huy những thành quả đã đạt được, có nhiều đổi mới, sáng tạo để nâng tầm giá trị nông sản.
 
 
Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, trong hợp tác quốc tế, linh hoạt thích ứng đã giúp ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn khi chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng.
 
 
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại của ngành nông nghiệp như chưa chủ động phát triển, còn phụ thuộc vào một số thị trường, vào yếu tố thời tiết, các điều kiện khác; công nghệ sau thu hoạch, thương hiệu sản phẩm chưa thực sự được chú trọng. 
 
 
"Chúng ta xuất khẩu 3 tỷ USD mặt hàng gạo nhưng phải nhập hàng tỷ USD ngô, đậu tương, thực tế này đặt ra bài toán phát triển hài hòa nguyên liệu cho chế biến" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
 
 
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, vấn đề phá rừng chưa được khắc phục triệt để; chưa có chính sách đột phá thu hút nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, đời sống người dân ở vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo còn khó khăn.
 
 
Nói về nhiệm vụ của ngành nông nghiệp năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trước những thời cơ cũng như thách thức mới, ngành nông nghiệp cần đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng công tác dự báo, tổ chức thực hiện có hiệu quả sản xuất, chế biến để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
 
 
"Ngành phải đặt mục tiêu xuất khẩu cao hơn, mạnh mẽ, quyết tâm để đạt được mục tiêu đề ra" - Thủ tướng nhấn mạnh.
 
 
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị Bộ NNPTNT tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm. 
 
 
Đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm, chỉ khi có thương hiệu thì nông sản mới đem lại giá trị gia tăng cao.
 
 
"Cà phê của Việt Nam không thua kém cà phê của Brazil nhưng cái chúng ta cần là phải xây dựng thương hiệu" - Thủ tướng khẳng định. 
 
 
Theo Thủ tướng, Việt Nam đã tham gia 17 FTAs, cơ hội là rất lớn, do vậy phải khai thác tốt lợi thế thị trường, nâng cao năng lực chế biến, từ quả xoài, nhãn phải ra được nhiều sản phẩm khác. Bên cạnh đó, phải quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với phát triển khoa học công nghệ.
 
 
Về tình trạng nông sản ùn ứ ở cửa khẩu đợi thông quan sang Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, các ngành, các địa phương biên giới cần tăng cường trao đổi với phía bạn để tìm giải pháp khắc phục ngay, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
 
 
Về lâu dài, theo Thủ tướng, phải tăng cường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm.
 
 
Thủ tướng cũng chỉ đạo phải kiên quyết khắc phục được thẻ vàng của EC, gắn với bảo vệ chủ quyền, lợi ích của nước ta trên biển.
 
 
Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp, Bộ NNPTNT tăng cường chuyển đổi số để kết nối thị trường, phát triển du lịch nông thôn gắn với khai thác các giá trị văn hóa để người dân không cần ly hương vẫn có cuộc sống ổn định.
Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn