|
Ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu khai mạc Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ V - Vĩnh Long năm 2021. (Ảnh: HX) |
Agribank là Ngân hàng chủ lực trong lĩnh vực "Tam nông", dư nợ cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Agribank luôn chiếm 70% tổng dư nợ. Tại đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa gạo, thủy sản của cả nước, tổng dư nợ cho vay của Agribank trong khu vực là hơn 186.000 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 86,5%.
Đối với ngành lúa gạo, hoạt động tín dụng của Agribank đã có đầu tư tích cực trong những năm gần đây. Giai đoạn 2016 – 2020, doanh số cho vay ngành lúa gạo của Agribank đạt gần 250.000 tỷ đồng, dư nợ tăng đều qua các năm, đóng góp tích cực vào hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo của cả nước.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho biết: Festival Lúa gạo Việt Nam là hoạt động khẳng định được vị trí, giá trị và ý nghĩa khi phát huy được vai trò là nhịp cầu kết nối, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển ngành lúa gạo Việt Nam trên thị trường.
Đặc biệt Festival đã góp phần quảng bá hạt gạo Việt Nam ra thế giới, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút sự đầu tư, phát triển cho ngành lúa gạo Việt Nam khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.
Đây là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu kép: Vừa chủ động phòng, chống dịch Covid 19, vừa tích cực thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Từ ý nghĩa đó, qua 5 kỳ Festival lúa Gạo Việt Nam (4 lần tổ chức tại 4 tỉnh vùng ĐBSCL là Hậu Giang (2009), Sóc Trăng (2011), Long An (2018) và Vĩnh Long (2019), Agribank luôn là đơn vị tích cực đồng hành tài trợ để chương trình diễn ra thành công tốt đẹp.
Tại Festival lúa gạo lần thứ 5 này, Agribank tài trợ 1 tỷ đồng.
Theo Ban tổ chức, với quy mô gần 400 gian hàng tới từ 17 địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp, Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ V sẽ được diễn ra từ ngày 7/1 đến ngày 10/1, cùng với một chuỗi các chương trình, hoạt động liên hoàn, bổ trợ qua lại lẫn nhau trong một chương trình tổng thể gắn với các hoạt động văn hóa lễ hội phong phú, đa dạng, hấp dẫn và ý nghĩa như: Hoạt động hội chợ triển lãm thành tựu phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của tỉnh Vĩnh Long, ĐBSCL và các tỉnh, thành trên phạm vi cả nước; triển lãm những thành tựu sản xuất lúa gạo Việt Nam qua các thời kỳ gắn với lễ khai mạc Festival.
|
Ông Lương Quốc Đoàn và ông Bùi Văn Nghiêm trao hoa và kỷ niệm chương cho đại diện các đơn vị đồng hành cùng Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ V - Vĩnh Long năm 2021. (Ảnh: MK) |
Cùng với đó là hoạt động hội thảo sản phẩm OCOP và phát triển ngành hàng lúa gạo, động lực quan trọng để phát triển nông thôn mới, tạo tiền đề phát triển một cách toàn diện ngành nông nghiệp nói chung và ngành lúa gạo Việt Nam nói riêng.
Bên cạnh đó, một số hoạt động ý nghĩa khác diễn ra trong khuôn khổ Festival như: Hội thi "Gạo ngon Thương hiệu Việt"; Hội thi "Món ngon Gạo - Nếp Việt Nam". Đặc biệt là việc phát hành ấn phẩm "Lúa gạo Việt Nam", các hoạt động giao lưu biểu diễn đờn ca tài tử và nhiều chương trình hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc, độc đáo mang đậm bản sắc phương Nam.
Không chỉ tạo điểm nhấn cho Festival về mặt văn hóa, nghệ thuật mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa về ý nghĩa thiết thực của chương trình trong bối cảnh đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.