Theo bà Hồ Thị Liêu (trú tại thôn Đông Thịnh, Hồng Lộc, Lộc Hà), thời điểm giáp Tết Nguyên đán giá chè xanh tăng cao, người dân hết sức phấn khởi
Hà Tĩnh: Chè xanh tốt um tùm, nông dân chặt hàng bó to bán chạy như tôm tươi
Những ngày này, dọc các triền đồi ở huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh nổi bật một màu xanh mướt của những cây chè xanh. Trên đồi, tiếng cười nói của người hái chè rôm rả, người dân phấn khởi khi chè xanh được mùa, giá lại cao.
Hầu hết cây chè được trồng ở triền đồi, phần lớn là cây chè cổ thụ có tuổi thọ từ vài chục năm, đến nửa thế kỷ. Bởi vậy, chè xanh ở đây nấu lên có hương thơm dịu nhẹ, vị đậm đà, ngọt đặc trưng, thương lái rất ưa chuộng.
Bà Hồ Thị Liêu (trú tại thôn Đông Thịnh, huyện Lộc Hà), cho biết: "Nhà tôi hiện có hơn 3 sào chè, chè được trồng từ đời ông bà. Thời điểm trước đây, chè xanh rớt giá, do bán nhỏ lẻ, thị trường hẹp, giá chỉ được 8.000 – 10.000 đồng/kg.
Những năm trở lại đây, đặc biệt giáp Tết Nguyên đán giá chè xanh tăng cao, giá dao động 20.000 – 30.000 đồng/kg. Người trồng chè xanh phấn khởi vui mừng, nếu giá chè xanh bình ổn, người trồng chè sẽ mở rộng diện tích, đầu tư chăm sóc".
Cũng là hộ dân có kinh nghiệm trồng chè xanh lâu năm, bà Hồ Thị Nga (trú tại thôn Trung Sơn, xã Hồng Lộc), vui vẻ nói: "Nhà tôi trồng chè xanh hơn 40 năm, hiện giá chè xanh tăng cao nên bà con rất phấn khởi. Chè xanh được trồng ở đất đồi núi, không phải chăm bón cầu kỳ như những loại cây trồng khác".
"Trồng chè xanh mỗi năm chỉ cần làm cỏ, bón phân 1 lần. Thỉnh thoảng xới đất vun gốc, cây chè sẽ phát triển xanh tốt. Cách 2 - 3 tháng thu hoạch 1 vụ, giá chè xanh cao, nên gia đình cũng đủ để trang trải cuộc sống".
Trồng chè xanh rất dễ, không tốn kém chi phí đầu tư
Còn ông Phan Văn Sô (thương lái thu mua chè xanh ở chợ Cầu Trù), cho hay: "Tôi làm nghề thu mua chè xanh hơn 10 năm nay. Thông thường tôi đứng ở đầu đường lớn để đón chè xanh của các hộ dân đưa ra bán. Những dịp cuối năm, giá tăng cao, chè xanh khan hiếm, tôi phải trực tiếp đến tận các đồi chè của các hộ dân để thu mua".
"Hiện đang vào thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ chè xanh lớn, thương lái thu mua chè xanh đổ xô về tận vườn ngày càng nhiều. Có hôm tôi phải dậy 4 giờ sáng, đến trực tại vườn chè, người dân hái được bao nhiêu tôi thu gom đến đó, nếu chậm chân là đánh xe về không" - ông Sô nói.
Ông Trần Văn Quyết (trú tại thôn Thượng Phú, Lộc Hà), chia sẻ: "Gia đình tôi trồng chè hơn 30 năm, mỗi năm chè cho thu hoạch 3 vụ lớn. Chè được trồng ở vườn đồi nên việc chăm sóc, bón phân, tưới tiêu… khá thuận lợi. Cuối năm, giá chè xanh tăng cao, thương lái thu mua tại vườn, trừ chi phí mỗi năm gia đình tôi thu về khoảng 30 triệu đồng".
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Viết Bình - Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc, cho biết: "Chè xanh là cây trồng chủ lực của người dân địa phương. So với cây trồng khác, chi phí trồng cây chè xanh không lớn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chè xanh Hồng Lộc, Lộc Hà từ lâu nổi tiếng vì thơm ngon đậm đà".
Theo ông Bình, hiện nay, tổng diện tích trồng chè của xã khoảng 57ha, được chia đều cho hơn 1.000 hộ dân, tập trung chủ yếu ở 5 thôn: Đông Thịnh, Trường An, Trung Sơn, Thượng Phú, Quang Nam… "Đời sống người dân trồng cây chè xanh ngày một nâng cao, có của ăn của để, con cái được học hành đến nơi đến chốn" - ông Bình nói.
"Để mọi người biết đến nhiều hơn về chè Hồng Lộc, chúng tôi đang nỗ lực để chè được công nhận nhãn hiệu tập thể "Chè Hồng Lộc", sẽ được cấp văn bằng bảo hộ, kinh phí để xây dựng sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ" - ông Lê Viết Bình - Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc, nói.
|