Trung ương Hội Nông Dân Việt Nam - Quỹ Dân số Liên hợp quốc: Công bố đường dây nóng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực
(Cổng ĐT HND) – Chiều ngày 15/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông Dân Việt Nam phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức Lễ Công bố Đường dây nóng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực và Lễ bàn giao Bộ đồ dùng thiết yếu dành cho nữ nông dân có nguy cơ bị bạo lực trong bối cảnh dịch Covid-19.
|
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đánh giá cao sự hỗ trợ của UNFPA với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong những năm qua |
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn và bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp quốc Việt Nam chủ trì buổi Lễ.
Tham dự buổi Lễ còn có Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định; đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị thuộc Trung ương Hội và đại diện các bộ, ngành liên quan, các tổ chức xã hội và tổ chức quốc tế; Hội Nông dân các tỉnh, thành phố…
Việc thành lập đường dây nóng mới miễn phí của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có ý nghĩa quan trọng khi giờ đây người bị bạo lực, đặc biệt là những người sống tại các vùng nông thôn đã có thể tiếp cận với kênh trợ giúp, kịp thời và thân thiện.
|
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp quốc Việt Nam nhấn mạnh: Tất cả phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam, bao gồm những người dễ bị tổn thương nhất có quyền được sống một cuộc sống không bạo lực |
Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 do UNFPA tài trợ cho thấy tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ tại các khu vực nông thôn (28%) cao hơn so với tỷ lệ bạo lực tại các khu vực thành thị (22%).
Điều tra cũng chỉ ra rằng gần 2/3 số phụ nữ (62,9%) từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực về thể chất, tình dục, tâm lý và bạo lực về mặt kinh tế cũng như các hành vi kiểm soát từ chồng. Một nửa số phụ nữ từng trải qua bạo lực về thể chất hoặc bạo lực tình dục do người chồng gây ra chưa từng nói với ai về chuyện này. Hầu hết phụ nữ bị bạo lực (90,4%) đã không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào.
Tình trạng này dường như trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Số lượng các cuộc gọi tới đường dây nóng do UNFPA hỗ trợ đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
|
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn (đứng giữa) bấm nút kích hoạt ra mắt Đường dây nóng |
Ngoài việc đưa ra cảnh báo, UNFPA cũng đã chủ động thúc đẩy việc thành lập một đường dây nóng mới do những đường dây hiện nay đang hoạt động với tần suất cao hơn so với dự kiến ban đầu.
Trong bài phát biểu khai mạc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đánh giá cao sự hỗ trợ của UNFPA với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong suốt những năm qua.
Ông Lương Quốc Đoàn cho biết: “Chúng tôi sẽ vận hành đường dây nóng 1800 1768 một cách hiệu quả nhất, từ đó góp phần giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới tại các vùng nông thôn. Đây được xem như một bước tiến mang tính thực tế của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong việc bảo vệ quyền của các hội viên, đặc biệt là nữ hội viên và thay đổi thái độ của nam giới đối với bạo lực gia đình. Chúng tôi rất trân trọng sự hỗ trợ từ UNFPA và Chính phủ Nhật Bản”.
|
Toàn cảnh buổi Lễ tại điểm cầu Trung ương Hội |
Phát biểu tại sự kiện ra mắt đường dây nóng, bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam biểu dương sự cam kết mạnh mẽ từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là những người đang sinh sống tại vùng nông thôn.
Bà Naomi Kitahara nhấn mạnh: “Chúng ta cần tất cả các bên liên quan nỗ lực nhiều hơn và hợp tác mạnh mẽ hơn nữa nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam. Tất cả phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam, bao gồm những người dễ bị tổn thương nhất, có quyền được sống một cuộc sống không bạo lực và họ cần được ưu tiên như một phần trong công tác ứng phó với Covid-19. Chúng ta cần đảm bảo mỗi người dân là một phần trong quá trình phát triển bền vững của đất nước, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chúng ta sẽ không để phụ nữ và trẻ em gái bị bỏ lại phía sau”.
|
Lễ ký biên bản bàn giao Bộ đồ dùng thiết yếu dành cho nữ nông dân có nguy cơ bị bạo lực trong bối cảnh dịch Covid-19 bằng hình thức trực tuyến |
Tiếp nối chương trình hỗ trợ 24.377 bộ đồ dùng thiết yếu dành cho nữ hội viên, nông dân có nguy cơ bị bạo lực giới tại 11 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và lũ lụt miền Trung, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Hội Nông dân Việt Nam 8.400 bộ đồ dùng thiết yếu dành cho nữ hội viên, nông dân tại 05 tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Bộ đồ dùng thiết yếu bao gồm các dụng cụ cơ bản giúp phụ nữ và trẻ em gái có thể bảo vệ chính họ và giữ gìn vệ sinh, sự tôn trọng và phẩm giá trong bối cảnh khủng hoảng. Đây là sản phẩm đặc trưng trong gói hỗ trợ nhân đạo toàn diện của UNFPA nhằm bảo vệ sức khỏe và quyền sinh sản và tình dục của phụ nữ và trẻ em gái, cũng như để phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình. Ngoài ra, bộ đồ dùng bao gồm những thông tin không chỉ cần thiết cho sức khỏe sinh sản và tình dục, mà còn cho những tài liệu thông tin và truyền thông thiết yếu để phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình.
|
Bộ đồ dùng thiết yếu dành cho nữ nông dân |
Theo Chủ tịch Lương Quốc Đoàn, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tiếp nhận và chuyển trực tiếp tới nữ hội viên, nông dân có nguy cơ bị bạo lực ở 5 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid - 19, đúng đối tượng và số lượng phân bổ theo kế hoạch đã thống nhất giữa các bên.
Thay mặt Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn trân trọng cảm ơn Qũy dân số Liên hợp quốc, Chính phủ Nhật Bản về sự thấu hiểu, hợp tác, giúp đỡ quý báu và có hiệu quả đối với phụ nữ, trẻ em gái có nguy cơ bị bạo do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid - 19.
|
Buổi Lễ được kết nối trực tuyến với các điểm cầu |