Chủ trì Hội nghị ký kết có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Đinh Khắc Đính, Phạm Tiến Nam, Bùi Thị Thơm, Nguyễn Xuân Định; đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị, các Tổng cục, Cục, Vụ, thuộc hai cơ quan. Đồng thời, Hội nghị còn có sự tham dự trực tuyến của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nông dân của 63 tỉnh, thành phố…
|
Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn tặng hoa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhận định: Từ nhiều năm nay, nông nghiệp nước ta đã được đánh giá là "Trụ đỡ của nền kinh tế", nhất là khi đất nước có những biến động xã hội, nông nghiệp càng có vị trí, vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh của đất nước.
|
Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại Hội nghị ký kết |
Theo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, chương trình phối hợp xác định 5 nhóm nội dung rất cụ thể cần được quan tâm chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn tới. Đó là: Phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng KHCN sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững. Đăng ký và quản lý mã vùng trồng và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát vật tư nông nghiệp. Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp; phối hợp trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó chú trọng: Thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường nông thôn. Phát triển sản phẩm OCOP và du lịch nông nghiệp nông thôn; tổ chức hiệu quả hoạt động đào tạo nghề, huấn luyện nông dân nhằm nâng cao năng lực cộng đồng, vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; phối hợp trong tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân, tổ chức các diễn đàn nông nghiệp và giới thiệu, tôn vinh hình ảnh người nông dân thế hệ mới.
|
Toàn cảnh Hội nghị |
Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất giao nhiệm vụ cho 10 đơn vị đầu mối của hai Cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu và tổ chức thực hiện từng nhóm nội dung, giải pháp trong chương trình phối hợp.
“Với hệ thống tổ chức của Hội từ Trung ương tới thôn, xóm ấp bản, trên 10.000 cán bộ chuyên trách cấp xã, trên 3.200 cán bộ cấp huyện, gần 2.000 cán bộ Hội cấp tỉnh và Trung ương, đại diện cho hơn 10,2 triệu hội viên, nông dân đang sinh hoạt tại hơn 95.000 chi Hội, Hội Nông dân Việt Nam cam kết cùng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ để triển khai Chương trình phối hợp nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu về phát triển một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn hiện đại như phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra” - Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.
|
Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội nghị ký kết |
Chương trình phối hợp nhằm tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tạo dựng hình ảnh người nông dân thế hệ mới có kiến thức, kỹ năng, tay nghề cao và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị ký kết |
Đồng thời, phát huy hiệu quả vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hai cơ quan trong thực thi nhiệm vụ hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã; kết nối tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; vệ sinh môi trường nông thôn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
|
Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh trình bày dự thảo Chương trình phối hợp |
Chương trình phối hợp được triển khai cụ thể bằng kế hoạch hàng năm trên cơ sở lồng ghép các hoạt động, nguồn lực, phối hợp thống nhất, chặt chẽ có sự theo dõi, kiểm tra, giám sát, đảm bảo thiết thực và hiệu quả, phù hợp với chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nông dân Việt Nam.
|
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu trong cả nước |
Hoạt động phối hợp được thực hiện chủ động, tích cực, thường xuyên, chặt chẽ và hiệu quả khi xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến các hoạt động phối hợp góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển theo mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Chương trình phối hợp hai Cơ quan là cơ sở để ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nông dân các cấp xây dựng chương trình phối hợp triển khai các hoạt động liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại địa phương.
|
Tại điểm cầu Hội Nông dân tỉnh An Giang |
Thông qua chương trình phối hợp, hai bên sẽ hướng dẫn hội viên, nông dân ứng dụng CNC, nông nghiệp sinh thái theo hướng kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp gắn với áp dụng các qui trình kỹ thuật, tiêu chuẩn GAP. Phấn đấu đến năm 2025, số lượng vùng trồng được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu tăng gấp 5 lần so với hiện nay (diện tích khoảng trên 500.000 ha).
Bên cạnh đó, hai Cơ quan cùng phối hợp và chỉ đạo ngành dọc thực hiện: Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp, ưu tiên cán bộ Hội cấp xã làm công tác phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
|
Tại điểm cầu tỉnh Sơn La |
Phấn đấu đến năm 2025 có 50% số lượng Hội Nông dân cấp xã đều có cán bộ am hiểu nhiệm vụ và có kỹ năng tư vấn phát triển hợp tác xã. Trước mắt tập trung vận động, hỗ trợ nông dân tham gia xây dựng các hợp tác xã để phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng chuỗi giá trị tại 11 tỉnh, 75 huyện theo Đề án Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ nông, lâm sản giai đoạn 2021-2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Giai đoạn 2021 – 2025, hai cơ quan phối hợp tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân theo nội dung thành phần trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu nông dân được tham gia đào tạo nghề nông nghiệp; tập trung dạy nghề và hỗ trợ lao động nông thôn tìm kiếm, kết nối việc làm thông qua Trung tâm hỗ trợ nông dân Trung ương Hội và các Trung tâm hỗ trợ nông dân ở các tỉnh, thành phố. Hỗ trợ lao động nông thôn học nghề, học ngoại ngữ để xuất khẩu lao động; phát triển kinh tế nông thôn, sản phẩm nông sản đa giá trị gắn với chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp hữu cơ.
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
Trên cơ sở đó, định kỳ hàng năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chương trình phối hợp, rút kinh nghiệm chỉ đạo và thống nhất kế hoạch triển khai năm tiếp theo.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, các nội dung trong chương trình phối hợp là cuộc cách mạng trong đổi mới nông nghiệp, nông thôn và thay đổi nhận thức của bà con. Người nông dân là chủ thể, có vị trí trung tâm của mọi chương trình xây dựng kinh tế xã hội, phát triển nông nghiệp, nên cần nâng cao năng lực để họ có thể tự vươn lên làm giàu trong bối cảnh hiện nay.