Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU đã ghi nhận những sự tăng trưởng khá, trong đó ba thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam trong khối EU là Đức, Hà Lan và Bỉ.
|
Chế biến tôm xuất khẩu |
Xuất khẩu sang EU vẫn tăng dù dịch phức tạp
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ đầu năm tới nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU chỉ giảm trong 2 tháng 8 và 9 do nhà máy chế biến phải giảm công suất hoạt động để phòng dịch Covid-19, các tháng còn lại đều tăng trưởng dương.
Thống kê của VASEP cho thấy, tính tới ngày 15/10/2021, tôm Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt gần 439 triệu USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 15%.
Cũng theo VASEP, hiện nay Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang EU những sản phẩm như tôm sú PD hấp đông lạnh, tôm thẻ Nobashi đông lạnh, tôm thẻ HLSO tươi đông lạnh, tôm thẻ Nobashi đông lạnh, tôm thẻ chân trắng, lột vỏ, luộc sushi đông lạnh, tôm sú tươi PD đông lạnh, tôm thẻ sushi luộc đông lạnh, tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú bỏ đầu PTO, tươi đông lạnh, tôm sú PD đông lạnh... Đáng chú ý, sau một năm Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU cũng đã ghi nhận những sự tăng trưởng khá. Các sản phẩm được miễn thuế ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực gồm mã HS 03061792 và mã HS 03061799. Tuy nhiên, thị trường EU đòi hỏi hết sức khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc phải thuận lợi. Chưa kể tại thị trường EU, tôm Việt Nam lại phải cạnh tranh với các nhà cung cấp tôm đỏ Argentina cũng như nhà cung cấp Ecuador.
Nhiều cơ hội trong các tháng cuối năm
Dự báo triển vọng của xuất khẩu tôm vào EU, đại diện của VASEP cho biết, nhu cầu nhập khẩu tôm của EU trong những tháng cuối năm nay vẫn tiếp tục tăng và ba thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam trong khối EU là Đức, Hà Lan và Bỉ.
Sau khi suy giảm mạnh trong năm 2020, kinh tế EU đang trên đà hồi phục và được dự báo trở lại bình thường ngay từ năm 2022. Dự báo trong năm 2021, kinh tế EU có thể đạt mức tăng trưởng trên 5% so với năm 2020.
Đáng chú ý, để khôi phục kinh tế hậu Covid-19, EU đã kích hoạt nhiều gói hỗ trợ, giải ngân các quỹ khôi phục sản xuất nhằm xây dựng lại các chuỗi cung ứng hàng hóa. Những tháng cuối năm nay, EU rất khan hiếm hàng hóa bởi nhiều đối tác cung ứng cho EU đang phải chống chọi với dịch Covid-19, cộng với áp lực về giá cước vận tải biển tăng cao trong khi nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm của người dân EU tăng.
Đây là lợi thế cho các nhà cung cấp của Việt Nam sang EU. Tuy nhiên, lợi thế này không kéo dài lâu bởi chỉ trong vòng 6 tháng đến 1 năm nữa các chuỗi cung ứng mới sẽ đi vào ổn định, việc thâm nhập thị trường của các doanh nghiệp mới sẽ khó khăn hơn. Thêm vào đó, nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng đã xúc tiến đàm phán hiệp định thương mại tự do với EU để khai thác thị trường nhiều tiềm năng này, áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng dần. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam, dù đang gặp rất nhiều khó khăn sau thời gian giãn cách cũng như dịch còn đang lan rộng và có chiều hướng phức tạp tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long song họ vẫn dồn mọi nguồn lực để khôi phục sản xuất, tận dụng thời cơ hiện nay để củng cố và phát triển thị phần tại thị trường EU.
Trong bối cảnh đó, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP - đề xuất, ngành ngân hàng cần giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp; về phía bảo hiểm xã hội cần miễn đóng 100% BHXH cho doanh nghiệp và người lao động trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải ngừng hoạt động hoặc thực hiện giãn cách xã hội; Bộ Giao thông Vận tải có tác động đến các đơn vị vận tải biển giảm giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế.