Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Khẩn trương chuyển sang chính ngạch
16:00 - 14/12/2021
Các thay đổi mạnh mẽ từ thị trường Trung Quốc buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch để giảm thiểu rủi ro. Ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.
Ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương)


Thời gian qua, phía Trung Quốc liên tục có những thông báo về việc tạm dừng thông quan tại một số cửa khẩu với Việt Nam, gây ùn tắc một lượng lớn nông sản tại khu vực này. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông?

Nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất là Trung Quốc đang vẫn đang duy trì chính sách "Zero Covid" và họ đang là quốc gia duy nhất tiến hành xét nghiệm virus Sars Covi-2 trên bao bì các loại nông sản thực phẩm đông lạnh nhập khẩu từ nước ngoài. Khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Việt Nam thì các cơ quan chức năng Trung Quốc tăng cường việc kiểm soát hàng hóa tại các cửa khẩu và nếu phát hiện một loại trái cây hay nông sản có virus thì họ sẽ tự động tạm dừng thông quan với chủng loại mặt hàng đó trong vòng 1 tuần. Lần thứ hai vẫn phát hiện sẽ tiếp tục tạm dừng một tuần và nếu phát hiện đến lần thứ tư thì họ sẽ tạm dừng trong vòng một tháng.

Một nguyên nhân khác khiến hàng hóa, nông sản ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới thời gian qua là có một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp vẫn đang xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu phụ (xuất khẩu theo đường tiểu ngạch). Thực tế, thời gian qua, ở các cặp cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế như Hữu Nghị và nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch thì chưa bao giờ có tình trạng tạm dừng nhập khẩu. Chỉ có nông sản xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, qua các cửa khẩu phụ như: Tân Thanh, Cốc Nam hay các cặp chợ biên giới mới có hiện tượng ùn tắc nông sản.

Được biết, nhiều quy định mới sẽ được phía Trung Quốc áp dụng từ đầu năm 2022. Vậy trước những thay đổi này, Bộ Công Thương có khuyến cáo gì với doanh nghiệp để xuất khẩu nông sản bền vững sang thị trường này?

Các quy định được áp dụng từ đầu năm 2022, đặc biệt như: Lệnh số 248 về việc ban hành "Quy định về Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Lệnh số 249 về việc ban hành các "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" của Hải quan Trung Quốc hoàn toàn không phải quy định mới mà là những yêu cầu phù hợp với xu thế của cả thế giới mà ngay cả Việt Nam cũng đang áp dụng. Nó cũng phù hợp với vị thế của mộtnền kinh tế lớn thứ hai trênthế giới với yêu cầu ngày càng cao về các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, được cung cấp bởi các doanh nghiệp có năng lực, uy tín và chất lượng. Đây cũng là quy định đã được Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo và phát đi cảnh báo từ rất nhiều năm trước và doanh nghiệp buộc phải thay đổi để tiếp tục có quan hệ giao thương với thị trường này.

Với những doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều năm, có sự am hiểu thị trường và tầm nhìn thì những thay đổi này không mới và để đáp ứng được cũng không phải là việc khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp quen "ăn xổi" với quan điểm coi thị trường Trung Quốc giống như một cái chợ, quen giao thương theo đường tiểu ngạch, đó hoàn toàn không phải là thương mại quốc tế! Trong quan hệ thương mại quốc tế, hai doanh nghiệp buộc phải được liên kết bằng việc ký hợp đồng, có giao kèo kèm điều kiện thanh toán, thời điểm giao hàng, điều kiện quản lý chấtlượng thì mới bền vững.

Để chủ động tránh đứt gãy xuất khẩu vào Trung Quốc, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt rủi ro, gia tăng giá trị khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc?

Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã thường xuyên đăng tải các thông tin về sự thay đổi của thị trường lên Cổng thông tin của Bộ. Đồng thời, xuất bản nhiều cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc; tổ chức các hội nghị, hội thảo để tuyên truyền về các thay đổi về chính sách của thị trường nước bạn... Bộ Công Thương cũng có một hệthống thương vụ, chi nhánh thương vụtại 4 địa phương: Bắc Kinh, VânNam, Quảng Tây, Quảng Đông và hai văn phòng xúc tiến thương mại tại Trùng Khánh và Hàng Châu để sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cần phải khẳng định, các bộ, ngành chỉ có thể hỗ trợ, còn các doanh nghiệp cần phải chủ động có sự thích ứng với thay đổi của thị trường. Đồng thời, sự vào cuộc của các địa phương cũng rất quan trọng.

Bài học thành công của Bắc Giang là một trong những minh chứng cho sự vào cuộc của địa phương trong việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Từ những năm 2016, Bộ Công Thương đã hướng dẫn Bắc Giang cách để tiếp cận thị trường Trung Quốc và sau đó chỉ khoảng 3 năm, họ tự nguyện triển khai tất cả hoạt động từ xây dựng vùng nguyên liệu, xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp tại thị trường Trung Quốcmà không cần đến sự hỗ trợ của Bộ Công Thương hay bất cứ bộ, ngành nào. Năm 2021, dù Bắc Giang trở thành tâm dịch ngay thời điểm thu hoạch vải thiều nhưng vải thiều Bắc Giang vẫn được xuất khẩu thành công sang nhiều thị trường, trong đó chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc.

Xin cảm ơn ông!



 
Nguồn: Báo Công thương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn