Hội thảo "Ngày nông dân không dùng tiền mặt"
15:07 - 02/12/2021
(Cổng ĐT HND)- Sáng ngày 1/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp chỉ đạo Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức Hội thảo “Ngày nông dân không dùng tiền mặt”.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam phát biểu khai mạc Hội thảo


Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam; Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng đã tham dự và chủ trì Hội thảo. Dự Hội thảo còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của các Bộ, Ban, ngành Trung ương; các đại biểu nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021…
 
Toàn cảnh Hội thảo


Hội thảo là một trong chuỗi các sự kiện của chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam 2021” được tổ chức thường niên và đặc biệt có ý nghĩa trong thời điểm Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.


Đề án của Chính phủ đã đưa ra mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực và từng bước phát triển về thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa với các chỉ tiêu cụ thể như: Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản; số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25% mỗi năm. Để đạt được mục tiêu trên, việc triển khai chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt hướng tới người nông dân là rất quan trọng.


Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho biết: Trong vài năm trở lại đây, thanh toán không dùng tiền mặt được đông đảo người dân Việt Nam lựa chọn, thay thế cho phương thức thanh toán tiền mặt truyền thống.


Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cũng chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản khiến việc phổ cập phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn gặp khó khăn nếu không có các giải pháp quyết liệt. Do vậy, muốn phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa, trước hết cần phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này để người dân tự đưa ra quyết định phù hợp.
 
Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết: Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, ban hành quy định  khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa


Tại Hội thảo, Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho hay, hiện ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, ban hành quy định tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa như: Hướng dẫn mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử trực tuyến (eKYC), giúp người dân mở tài khoản thanh toán mà không cần đến điểm giao dịch; thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) và đã cấp phép cho 3 nhà mạng viễn thông gồm Viettel, VNPT và Mobifone triển khai thí điểm dịch vụ này…


Theo báo cáo, trong 9 tháng năm 2021, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng lần lượt tăng 1,88% về lượng và tăng 42,58% về giá trị. Hoạt động thanh toán qua các kênh điện tử tăng trưởng mạnh qua các năm, trong đó thanh toán qua di động tăng 50 - 80% mỗi năm về số lượng; thanh toán qua internet tăng 35 - 40%/năm về số lượng.


Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%. Đáng chú ý, hiện nay, nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, QR Code, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai.


Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cũng thông tin thêm, ngân hàng Nhà nước đã cho phép triển khai thí điểm các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn với 3 mô hình ngân hàng hợp tác với các tập đoàn viễn thông, cửa hàng xăng dầu để cung ứng dịch vụ chuyển tiền nhanh tới người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chưa có tài khoản ngân hàng. 


Để mở rộng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, trong thời gian tới, ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi đối tượng và người dân; nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới vào lĩnh vực thanh toán để đưa ra những sản phẩm, dịch vụ tiện ích, phù hợp với hành vi tiêu dùng ở khu vực nông thôn.


Bàn về những nội dung liên quan đến vấn đề thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ông Hoàng Ngọc Phương - Giám đốc khối vận hành Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) nhấn mạnh: Thời gian qua, ngân hàng đã phát triển nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn tập trung giải quyết các vấn đề về tinh giản quy trình, tiết giảm chi phí, truyền thông dịch vụ và các biện pháp đảm bảo an toàn bảo mật giao dịch cho khách hàng.


Các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt của VietinBank đã phát huy các lợi thế, giúp cho khách hàng thực hiện các giao dịch một cách nhanh chóng, an toàn. Cùng với việc triển khai ưu đãi cho khách hàng, ngân hàng còn triển khai các chương trình thi đua trong hệ thống nhằm thúc đẩy các chi nhánh tích cực triển khai các sản phẩm dịch vụ số hóa tới khách hàng, đẩy mạnh phát triển các đơn vị chấp nhận thanh toán QR để mở rộng mạng lưới, tạo nền tảng, công cụ giúp khách hàng làm quen với các phương thức thanh toán hiện đại, không dùng tiền mặt.

Phó Tổng giám đốc ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hải Long chia sẻ ý kiến tại Hội thảo



Nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Hải Long, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho biết: Agribank đã thực hiện chương trình miễn phí chuyển tiền trong nước qua các kênh giao dịch tại quầy, dịch vụ ngân hàng điện tử, phát hành thẻ ATM miễn phí cho khách hàng; triển khai nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mại dành cho khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử dành cho các khách hàng mở tài khoản trực tuyến trên ứng dụng Agribank E Mobile Banking; phối hợp với các cửa hàng, trung tâm mua sắm, siêu thị thực hiện các chương trình ưu đãi khi khách hàng thực hiện thanh toán bằng QR Pay trên ứng dụng Agribank E Mobile Banking…
 
Các đại biểu tham dự Hội thảo



Ông Trương Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel - Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel nhận định: Việc chuyển đổi từ tiền mặt sang thanh toán bằng các phương thức thanh toán không tiền mặt, trong đó có Viettel Money để mua cây trồng, thanh toán các chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hay những chi phí khác tạo ra một bản sắc kinh tế mới, một nông thôn mới với nhiều ưu thế trong việc giao thương, mua bán.
 
Ông Trương Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel - Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel


Để thúc đẩy chiến lược thanh toán không dùng tiền mặt, Vụ trưởng Vụ truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Lê Thị Thuý Sen bày tỏ: Bên cạnh cơ chế  chính sách khác, truyền thông được xem là trụ cột quan trọng, nhằm đạt được mục tiêu thay đổi nhận thức, hành vi của người dân. Khi truyền thông cho bà con phải quan tâm tới những vấn đề nông dân cần, sự thuận lợi, an toàn, dễ sử dụng của các tiện ích của thanh toán không dùng tiền mặt. Nông dân có giao dịch lần đầu thì sẽ có giao dịch lần sau, nhiều nông dân sử dụng dịch vụ không dùng tiền mặt dần dần sẽ tạo ra một cộng đồng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. 
 
Tính an toàn, tiện lợi của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt


Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung tham luận, thảo luận, hỏi đáp về các nội dung: Chính sách, hành lang pháp lý thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa; các giải pháp, sản phẩm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt để giới thiệu cho người nông dân những cơ chế chính sách, lợi ích của hoạt động này; xu hướng chuyển đổi số, thanh toán số, các sản phẩm dịch vụ mới trong thực tiễn, phương thức thanh toán…


 

Vũ Chăm
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn