|
Đồng chí Lương Quốc Đoàn- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN biểu dương và đánh giá cao các thành tích mà các nông dân Việt Nam xuất sắc đã đạt được trong năm qua |
Tham dự buổi gặp mặt còn có các Phó Chủ tịch: Phạm Tiến Nam, Đinh Khắc Đính, Nguyễn Xuân Định; đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị cơ quan Trung ương Hội NDVN.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Lương Quốc Đoàn đã chúc mừng và biểu dương, đánh giá cao những thành tích mà các nông dân đã xuất sắc đạt được trong năm qua. Năm 2021 cũng là năm thứ 9 Trung ương Hội NDVN chủ trì và phối hợp cùng với các ban, ngành liên quan tổ chức Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam”. Có thể nói, Chương trình thực sự đã tạo được những dấu ấn tốt đẹp, được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ghi nhận cũng như đánh giá cao và nhận được hiệu ứng xã hội, truyền thông tốt. 63 tấm gương điển hình “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021” đều là những cá nhân có thành tích tiêu biểu nhất trong cả 3 phong trào thi đua lớn do Hội NDVN phát động.
Theo người đứng đầu Hội NDVN, do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua, cùng với các ngành nghề khác, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức vô cùng lớn (giá vật tư đầu vào tăng cao liên tục; giá bán các sản phẩm nông sản làm ra luôn ở mức thấp, thậm chí nhiều nơi bị ứ đọng...).
Nhờ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành linh hoạt của Chính phủ, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch rất lớn, các ngành, các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nặng nề song ngành nông nghiệp vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng vô cùng ấn tượng. Qua đó cho thấy, Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Hội NDVN luôn quan tâm và dành nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời giúp bà con nông dân vượt khó.
"Trong hơn 30 năm đổi mới, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân nông thôn phát triển mạnh mẽ và có những thành tựu vượt bậc; đặc biệt, ngành nông nghiệp luôn đạt xuất siêu ấn tượng. Qua ứng phó với đại dịch, Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng thấy rằng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là trụ đỡ hết sức vững chắc cho nền kinh tế. Có thể thấy, đây là thời điểm lịch sử và hiếm có trong suốt quá trình sản xuất nông nghiệp của nông dân trong những năm qua. Sắp tới, các cấp, các ngành cần nhìn nhận lại đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp để đưa ra các quyết sách hỗ trợ xứng tầm, kịp thời, hỗ trợ khối nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển và bứt phá hơn”- Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn cho biết.
Trong thời gian vừa qua, Trung ương Hội NDVN đã triển khai nhiều giải pháp kịp thời để hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân tại các tỉnh, thành phố vượt khó trong đại dịch. Cụ thể, Hội đã đổi mới công tác tuyên truyền vận động, nhất là tham gia mạnh mẽ vào các chương trình phát triển kinh tế xã hội; đẩy mạnh phối hợp với các cấp, các ngành, doanh nghiệp tổ chức chuyển giao KHKT cho nông dân, gắn với lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân.
Đồng thời, các cấp Hội đã sắp xếp lại tổ chức ở nông thôn, tăng cường sinh hoạt thông qua các chi, tổ Hội, tạo ra sự gắn kết giữa nông dân với nhau, bà con được chủ động về thông tin và chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau. Hoạt động tư vấn dịch vụ, hỗ trợ nông dân (đặc biệt về nguồn vốn) được tập trung đẩy mạnh. Theo đó, Hội ND liên kết chặt chẽ với các ngân hàng (ngân hàng CSXH, ngân hàng Nông nghiệp & PTNT...) triển khai chương trình phối hợp ủy thác nguồn vốn vay với tổng dư nợ đạt 150.000 tỷ đồng để hỗ trợ hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.
|
Quang cảnh buổi gặp mặt đoàn đại biểu 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc” |
Đáng chú ý, vào thời gian xảy ra đại dịch, giá vật tư nông nghiệp (nhất là phân bón) liên tục tăng cao, có thời điểm còn tăng đến 200%; trong khi đó, nhiều mặt hàng nông sản làm ra bị ùn ứ, giảm sút giá bán đã gây thiệt hại rất lớn đối với bà con nông dân. Trước thực trạng đó, Trung ương Hội NDVN đã tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan và triển khai việc ký kết với các doanh nghiệp sản xuất phân bón tổ chức cung ứng sản phẩm phân bón chất lượng cao đến hội viên, nông dân, tránh việc bà con mua phải hàng giả, kém chất lượng làm ảnh hưởng đến sản xuất.
Đặc biệt, Trung ương Hội NDVN còn hỗ trợ hội viên, nông dân chuyển đổi số nhanh, an toàn, hiệu quả. Hội NDVN sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, tăng cường liên kết hội viên, nông dân trong sản xuất hòa nhập nhanh với nền kinh tế số, thương mại số trên toàn cầu. |
Bên cạnh đó, Trung ương Hội NDVN đứng ra làm đầu mối, phối hợp với các cơ quan chuyên môn để hỗ trợ hội viên, nông dân tiêu thụ nông sản thông qua các sàn thương mại điện tử. Mặt khác, hỗ trợ đào tạo, tổ chức tập huấn giúp cho bà con chủ động đưa các sản phẩm lên sàn tiêu thụ vừa hiệu quả vừa an toàn. Đến nay, các cấp Hội cũng đã kết nối, xây dựng chuỗi hàng trăm điểm bán, cửa hàng tiêu thụ nông sản an toàn cho người dân, hội viên, nông dân tại các tỉnh, thành phố.
Có thể thấy, 63 tấm gương nông dân xuất sắc cũng là đại diện tiêu biểu cho mẫu hình người nông dân thế hệ mới, thời kỳ của những người nông dân 4.0 đầy sự năng động, sáng tạo và có tầm ảnh hưởng, mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
“Tôi mong rằng trong thời gian tới, các nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 đều là các hạt nhân tích cực, nỗ lực phối hợp với các cấp Hội để thúc đẩy việc thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của bà con nông dân trong cả nước. Qua đó, tạo ra thêm nhiều các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu"- Chủ tịch Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt một cách thẳng thắn và tâm huyết, ông Lê Văn Quyết - Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi Long Thành Phát (tỉnh Đồng Nai) cho rằng: Nếu cứ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm thì chắc chắn rằng nông dân Việt Nam mình suốt đời khổ. Năm được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Vì thế, nếu nông dân không liên kết lại với nhau thì "sẽ không giải quyết được gì cả".
|
Ông Lê Văn Quyết- Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi Long Thành Phát (tỉnh Đồng Nai) chia sẻ kinh nghiệm với các đại biểu tại buổi gặp mặt |
Xúc động nhớ lại chặng đường đầy khó khăn, vất vả khi quyết tâm lập nghiệp trước đây, ông cho biết: Quá trình 20 năm với “nghề” nuôi gà, song trước đây ông chỉ nuôi gia công cho các doanh nghiệp. Sau đó, có một số doanh nghiệp nước ngoài cần sản lượng rất lớn (khoảng 30.000 con gà/ngày) và sản phẩm thịt gà phải có chất lượng đồng đều, đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu.
Lúc này, ông đang nuôi 400 nghìn con gà nên nếu xuất bán chỉ trong 10 ngày là hết. Trước bài toán khó đặt ra là làm sao để có đủ số lượng và chất lượng gà thương phẩm vì sẽ cần tới nguồn tài chính rất lớn. Cái khó ló cái khôn, để có phương án giải quyết, ông Quyết đã mạnh dạn đứng ra thành lập HTX để liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu.
"Để có vốn, tôi đã vận động các hộ dân góp tiền, sau đó gom lại chừng 3- 5 hộ thành 01 mô hình tổ hợp tác để tổ chức thực hiện dự án. Hiện, HTX có 17 thành viên tham gia chính thức và 7 thành viên tham gia liên kết là các công ty, trang trại "đủ tầm" có năng lực tài chính, kinh nghiệm sản xuất"- Ông Quyết cho biết.
Nhờ có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào (con giống, thức ăn…) và bao tiêu đầu ra nên trong đại dịch Covid-19, HTX của ông vẫn duy trì ổn định hoạt động xuất bán gà trắng với giá từ 25.000 – 28.000 đồng/kg. Ông cũng tiết lộ, tuy hôm nay đang ra Hà Nội tham dự Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” nhưng ở nhà, HTX vẫn đang xuất bán hơn 3 vạn con gà.
|
Nông dân giỏi Nguyễn Thị Thảo (tỉnh Gia Lai) bày tỏ" “Sắp tới, tôi mong Chính phủ, Hội NDVN cùng với các bộ, ngành liên quan có những giải pháp để bình ổn giá mặt hàng phân bón; đồng thời, hỗ trợ đầu ra cho hạt cà phê Tây Nguyên” |
Đề xuất với lãnh đạo Trung ương Hội NDVN, nông dân giỏi Nguyễn Thị Thảo (tỉnh Gia Lai) bày tỏ: Những năm trước, mặt hàng cà phê được mùa nhưng lại bị mất giá. Sang năm 2021, cà phê được giá, được mùa, song do giá vật tư đầu vào (phân bón, thuốc BVTV…) lại tăng cao liên tục khiến hạt cà phê Tây Nguyên phải "gánh" quá nhiều chi phí. Do đó, dù sản phẩm được giá nhưng người nông dân vẫn không có lãi nhiều.
“Sắp tới, tôi mong Chính phủ, Hội NDVN cùng với các bộ, ngành liên quan có những giải pháp để bình ổn giá mặt hàng phân bón; đồng thời, hỗ trợ đầu ra cho hạt cà phê Tây Nguyên”- Bà Nguyễn Thị Thảo chia sẻ.
Nông dân giỏi Đặng Văn Bảy (tỉnh Bến Tre) cho biết: Năm 2021, bà con nuôi tôm ở miền Tây cũng gặp phải nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là trong khâu cung ứng, vận chuyển thức ăn cho tôm. Tuy chịu sự ảnh hưởng bởi việc cung ứng sản phẩm đầu vào nhưng giá tôm hiện vẫn duy trì ở mức ổn định; đồng thời, sản lượng và chất lượng tôm nuôi không ngừng được nâng lên do bà con nông dân đã áp dụng nhiều công nghệ mới vào nuôi tôm.
Nếu như thời điểm năm 2018, con tôm có size từ 30- 35 con/kg; vào năm 2020 là 20- 25 con/kg thì đến năm 2021 đã tạo ra bước đột phá rất lớn với size tôm ấn tượng, chỉ từ 15- 20 con/kg. Nhờ đó, giá thu mua tại các ao nuôi của người nông dân cũng giữ ổn định ở mức 255.000 đồng/kg (đối với size 20 con/kg), cao hơn 30% so với trước đây. Tuy nhiên, hiện nguồn vốn đầu tư nuôi tôm công nghệ cao đòi hỏi rất lớn nên người dân rất cần có sự hỗ trợ từ phía các ngân hàng.
|
Nông dân giỏi Đặng Văn Bảy (tỉnh Bến Tre) cho biết: Năm 2021 đã tạo ra bước đột phá rất lớn với size tôm ấn tượng, chỉ từ 15- 20 con/kg, giá bán cao hơn 30% so với trước đây |
“Tại buổi gặp mặt với Lãnh đạo Trung ương Hội NDVN hôm nay, tôi muốn kiến nghị với Chính phủ, Hội NDVN sớm ban hành các chính sách để hỗ trợ nông dân có thể dễ dàng tiếp cận được nhiều nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư cho sản xuất. Bên cạnh đó, bà con nông dân cũng rất mong muốn phía ngân hàng ưu tiên về lãi suất vay, giãn thời gian vay đối với nông dân để bà con có thời gian kịp thời quay vòng vốn”- Ông Đặng Văn Bảy đề xuất.
Theo nhà báo Lưu Quang Định- Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt– là đơn vị được Trung ương Hội NDVN giao thực hiện Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” cho biết: Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động của Chương trình, hầu hết các nông dân Việt Nam xuất sắc được tôn vinh đều có sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, hành động. Những điển hình nông dân xuất sắc được bình xét và tôn vinh trên tất cả các lĩnh vực sản xuất (trồng trọt; chăn nuôi; trang trại tổng hợp; thuỷ hải sản; sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp; phát minh sáng kiến; xây dựng nông thôn mới; bảo vệ an ninh tổ quốc…). Ông cũng đề nghị thành lập Câu lạc bộ NDVN xuất sắc sau 10 năm tổ chức Chương trình tôn vinh này.
Nhân dịp này, 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021” đã vinh dự được nhận Bằng khen và quà lưu niệm của Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN.
Đây cũng là những đại biểu sẽ được vinh danh tại Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021” trong chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam lần thứ IX, năm 2021 diễn ra vào tối mai (02/12) tại Nhà hát Lớn Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam. Sự kiện với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Trong khuôn khổ buổi gặp mặt, một nét mới của năm 2021 là Ban tổ chức chương trình đã lựa chọn và vinh danh 10 gương mặt tiêu biểu nhận danh hiệu “Nông dân chuyển đổi số” như một ghi nhận cho những tiến bộ và ứng dụng của công nghệ 4.0 trong nông nghiệp hiện đại.
Một số hình ảnh tại buổi gặp mặt đoàn đại biểu 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc”: