Cả nước có bao nhiêu tỉnh nằm trong đề án nuôi tôm hùm xuất khẩu đến năm 2025?
Ðể thực hiện có hiệu quả việc tổ chức liên kết, tạo thành chuỗi đầu tư sản xuất, bao tiêu, xuất khẩu sản phẩm giữa các doanh nghiệp với người nuôi tôm hùm là hết sức quan trọng. Chính vì thế, Bộ NNPTNT đã quyết định phê duyệt đề án phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025 tại 9 tỉnh ven biển...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Ðề án “Phát triển sản xuất, xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025”; dự kiến triển khai thực hiện ở 9 tỉnh, thành phố ven biển miền Trung, trong đó có tỉnh Bình Thuận.
Bộ đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng sản lượng tôm hùm nuôi đạt 3.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD, từng bước hình thành các vùng sản xuất và xuất khẩu tôm hùm trọng điểm…
Tiềm năng nuôi tôm hùm
Thực hiện Chương trình Mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững, thủy sản Bình Thuận đã vươn lên thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, trong đó có nghề nuôi tôm hùm.
Được biết đến là tỉnh có rất nhiều tiềm năng để nuôi tôm hùm bởi Bình Thuận có bờ biển dài 192 km, chưa kể đến huyện đảo Phú Quý là vùng sinh thái đa dạng với tiềm năng rất lớn về nuôi trồng và khai thác thủy sản.
Sự đa dạng sinh học và năng suất sinh học cao tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nghề nuôi trồng thủy sản với các loại hải sản có giá trị cao như tôm hùm. Huyện Phú Quý là địa phương có các hộ dân nuôi tôm hùm nhiều nhất với hơn 100 cơ sở nuôi và hơn 18.000 m2 diện tích mặt biển.
Mỗi năm, khu vực này thu hoạch sản lượng bình quân từ 150 - 200 tấn tôm hùm. Bên cạnh đó, tỉnh hiện đang tập trung vào phát triển mô hình nuôi tôm hùm thương phẩm mới tại các ao chắn ven biển hoặc các lồng bè để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
|
Ngư dân thu hoạch tôm hùm. Ảnh tư liệu |
Nghề nuôi tôm hùm ở Bình Thuận trong những năm gần đây đã góp phần quan trọng tạo việc làm, đem lại thu nhập đáng kể cho một bộ phận dân cư ven biển. Tuy nhiên, thời gian qua nghề nuôi tôm hùm đang đối diện nhiều thách thức và rủi ro khi đầu ra gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu tiểu ngạch.
Tôm hùm thương phẩm của tỉnh hầu hết được xuất khẩu tươi sống nguyên con sang thị trường Trung Quốc. Nhưng một lượng lớn trong số đó lại xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch nên kim ngạch xuất khẩu cũng như giá cả bấp bênh.
Bên cạnh đó, cũng còn tình trạng người dân không nghe theo hướng dẫn của cơ quan quản lý mà đua nhau nuôi tự phát nên sản phẩm chưa đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khó tính.
Nâng cao tỷ trọng xuất khẩu tôm hùm
Ðể thực hiện có hiệu quả việc tổ chức liên kết, tạo thành chuỗi đầu tư sản xuất, bao tiêu, xuất khẩu sản phẩm giữa các doanh nghiệp với người nuôi tôm hùm là hết sức quan trọng. Chính vì thế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định phê duyệt đề án phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025 tại 9 tỉnh ven biển, trong đó có Bình Thuận.
Đề án hướng tới mục tiêu phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm theo hướng bền vững và hiệu quả, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2025, thể tích lồng nuôi đạt khoảng 1,6 triệu m3, diện tích nuôi trong hệ thống trên bờ đạt 180 ha, tổng sản lượng nuôi đạt 3.000 tấn/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm.
Áp dụng các công nghệ nuôi tiên tiến để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và nguồn lợi hải sản. Đảm bảo 100% các vùng nuôi tôm hùm tập trung và các cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến, bảo quản tôm hùm xuất khẩu được cấp mã số, đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy định thị trường tiêu thụ.
Đề án cũng đặt ra nhiệm vụ cho Bình Thuận là phát triển nuôi tôm hùm bằng lồng tại đảo Phú Quý với thể tích lồng nuôi 2.700 m3, sản lượng nuôi hàng năm đạt 120 tấn/năm. Để triển khai có hiệu quả đề án trên, đòi hỏi các địa phương cần rà soát, điều chỉnh kế hoạch phát triển sản xuất tôm hùm, cả sản xuất giống và vùng nuôi thương phẩm để đưa vào quy hoạch sử dụng đất, mặt nước biển.
Tổ chức lại nuôi tôm hùm theo chuỗi giá trị, xây dựng mô hình liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thành các tổ hợp tác, Hợp tác xã, chi Hội nghề nghiệp liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm.
Xúc tiến thành lập Hiệp hội của người nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm hùm Việt Nam. Đồng thời kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, điều kiện cơ sở nuôi, sản xuất, cung cấp con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường và vật tư phục vụ trong nuôi tôm hùm.
Áp dụng các giải pháp công nghệ trong chế biến, bảo quản, đặc biệt là đầu tư chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, công nghệ bảo quản vận chuyển sống tôm hùm nhằm đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm hùm Việt Nam…
|