Thanh Hóa: Phát huy hiệu quả các mô hình điểm về bảo vệ môi trường
10:40 - 19/05/2021
(MTNT) – Những năm gần đây, tại nhiều địa phương trong tỉnh đang tập trung cho mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của bà con nông dân. Song, cũng chính từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt, làng nghề… của người dân lại đang tạo ra những áp lực làm ảnh hưởng đến việc gìn giữ, bảo vệ môi trường nông thôn.

Được tập huấn kiến thức về chăn nuôi, hội viên, nông dân đã tích cực áp dụng giúp mang lại lợi nhuận và bảo vệ môi trường sống


 
Trước thực trạng trên, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã xác định rõ tầm quan trọng và tính cấp thiết của công tác bảo vệ môi trường nhằm góp phần giữ gìn sức khỏe cho người dân trên địa bàn nông thôn. Đồng thời, Hội ND tỉnh tích cực chỉ đạo các cấp Hội tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phát huy hiệu quả vai trò làm chủ thể trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

 
Theo đó, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tích cực phối hợp với các ban, ngành chức năng trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền; vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động để cùng chung tay bảo vệ môi trường. Thông qua nhiều hình thức và nội dung được tổ chức một cách đa dạng, phong phú, nhất là lại phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương đã cho thấy mang lại những kết quả thiết thực.

 
Hàng năm, Hội ND tỉnh thường xuyên phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức lễ mít tinh, ra quân cổ động và làm vệ sinh môi trường. Đặc biệt là vận động hội viên, nông dân tham gia vào những hoạt động cụ thể để hưởng ứng các sự kiện, chủ điểm lớn về môi trường như: Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường...

 
Đây được xem là một trong những hình thức tuyên truyền, vận động hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế. Tại các buổi mít tinh, cổ động, Hội ND tỉnh cũng đều khéo léo lồng ghép nội dung, tổ chức phát động các phong trào bảo vệ tài nguyên môi trường tới mỗi cán bộ, hội viên, nông dân ở các cơ sở Hội. Các cấp Hội còn tăng cường việc viết tin bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Website của Hội ND tỉnh, Bản tin nông dân Thanh Hóa hay trong các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội...

 
Ngoài ra, các cấp Hội cũng thường xuyên phối hợp cùng ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ môi trường; kỹ thuật thu gom, phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình; thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật... Qua đó, giúp nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, hội viên, nông dân cũng như mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia hưởng ứng và cùng thực hiện; góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường sống ở nông thôn.

 
Đáng chú ý, hàng năm, Hội ND tỉnh còn đưa chỉ tiêu “tham gia xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu” trở thành một trong những chỉ tiêu chính để tiến hành đánh giá, xếp loại. Định kỳ mỗi năm, Hội ND tỉnh cũng tổ chức việc sơ, tổng kết thi đua, khen thưởng đối với các cá nhân, tổ chức Hội làm tốt công tác bảo vệ môi trường nông thôn. Từ đó, kịp thời biểu dương, phát động và nhân rộng những mô hình, các cách làm hay, đạt hiệu quả của các địa phương.

 
Hội ND tỉnh chỉ đạo 27/27 huyện, thị, thành Hội xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với các ngành để thực hiện các chương trình, hoạt động tham gia bảo vệ môi trường. Đồng thời, tập trung chỉ đạo mỗi cơ sở Hội căn cứ vào thực tế tại địa phương để đề xuất xây dựng 1 mô hình mới hoặc duy trì và nhân rộng 1 mô hình có hiệu quả về bảo vệ môi trường…

 
Tính đến nay, các cơ sở Hội trong tỉnh đã phát động và triển khai xây dựng trên 300 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn. Nhiều mô hình triển khai rất tốt, mang lại kết quả thiết thực và hiện tiếp tục được các cấp Hội nhân rộng. Tiêu biểu như: Mô hình thu gom rác thải trong thôn, xóm và khu dân cư; thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật; trồng mới, bảo vệ và chăm sóc hàng cây; xây dựng các tuyến đường không rác thải...

 
Để nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, hội viên, nông dân trong việc cùng chung tay bảo vệ môi trường, những năm qua Hội ND huyện Quảng Xương đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, cụ thể. Qua đó, góp phần đảm bảo sức khỏe môi trường sống của cộng đồng dân cư cũng như giữ sạch môi trường sinh thái ở địa bàn nông thôn.

 
Hàng năm, Hội ND các xã, thị trấn trong huyện đều tổ chức việc đăng ký các chỉ tiêu thi đua cho các chi, tổ Hội như: Không có người vi phạm bảo vệ môi trường; không có hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp không an toàn; giao chỉ tiêu xây dựng các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường đến tận chi Hội cũng như căn cứ vào tình hình thực tế ở mỗi địa phương để lựa chọn xây dựng mô hình cho phù hợp.

 
Đã có nhiều phong trào, mô hình và cách làm cụ thể được triển khai, tạo sức lan tỏa, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân cùng tham gia, hưởng ứng. Tiêu biểu như chương trình “Ngày chủ nhật xanh”- là hoạt động thường xuyên diễn ra vào dịp cuối tuần. Chương trình đã vận động đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân cùng tham gia dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, phát quang bụi rậm, tháo gỡ biển quảng cáo trái phép để tránh che khuất tầm nhìn… Qua đó, góp phần làm giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông xảy ra trên những tuyến đường liên thôn, liên xã.

 
Bên cạnh đó, để thể hiện vai trò gương mẫu của cán bộ, hội viên, nông dân trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, các cấp Hội còn phối hợp với các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn và vận động bà con nông dân tiến hành thu gom, phân loại chất thải, rác thải sinh hoạt ngay tại gia đình. Hội còn phối hợp để hướng dẫn việc hình thành và duy trì mô hình các Tổ thu gom, xử lý rác thải ở tất cả các thôn, xóm, khu dân cư rồi sau đó  đem vận chuyển tới các địa điểm xử lý tập trung theo quy định.

 
Hiện, toàn huyện đã xây dựng được 1.200 bể chứa rác thải, thuốc bảo vệ thực vật trên khắp các cánh đồng; xây dựng 290 mô hình đoạn đường nông dân tự quản... Ngoài ra, Hội cũng huy động sự tham gia của cả cộng đồng trong công tác giám sát, quản lý chất thải tại địa bàn nông thôn…

 
Hội ND huyện còn phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cho bà con nông dân giúp nâng cao ý thức bảo quản, giữ gìn nguồn nước sạch; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; không xả, vứt rác thải bừa bãi... Ngoài ra, tích cực vận động hội viên, nông dân hạn chế tình trạng đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch; hướng dẫn cách phối trộn các loại chế phẩm sinh học nhằm tận dụng nguồn phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp trở thành lượng phân bón hữu cơ đem bón trên cây trồng giúp tăng năng suất và chất lượng.
 

Đối với việc xử lý môi trường chăn nuôi nông hộ, Hội ND huyện chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi theo quy trình an toàn. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 1.000 hộ chăn nuôi đang áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường (xây bể; sử dụng hầm khí biogas) vừa giúp tiết kiệm được chi phí mua chất đốt lại vừa giảm thiểu chất thải và nước thải gây ô nhiễm môi trường.

 
Hàng năm, Hội ND huyện Thọ Xuân cũng đẩy mạnh việc phối hợp với ngành chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, thu gom rác thải và hạn chế việc sử dụng túi ni-lon, đồ nhựa dùng một lần trong sinh hoạt hàng ngày. Qua đó, nâng cao kiến thức cho hội viên, nông dân về những tác hại của các loại rác thải nhựa đối với môi trường sống để tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi ni-lon, thay thế bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường.

 
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn vận động hội viên, nông dân vào mỗi chiều thứ 7 hàng tuần ra quân tham gia dọn dẹp, làm vệ sinh môi trường trên địa bàn các xã. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn hội viên, nông dân cách thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt trực tiếp ngay từ các hộ gia đình…

 
Hàng năm, Hội ND huyện còn tích cực phối hợp và tham gia cùng các đoàn tiến hành đi cơ sở để kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các địa phương. Từ đó, sớm phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời những bất cập, phát sinh, không để xảy ra điểm nóng hoặc những hành vi gây ô nhiễm môi trường.

 
Tính đến nay, 30 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tổ chức ký xong hợp đồng với Hợp tác xã dịch vụ môi trường. Cùng với đó, thông qua mô hình các Tổ thu gom rác thải để tiến hành thực hiện việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và đưa về xử lý tại các lò đốt rác, kết hợp với việc chôn lấp theo đúng quy định.

 
Ước tính, tần suất thu gom rác thải bình quân 2 ngày/lần, riêng đối với các khu vực thị trấn có đông dân cư thì 1 ngày/lần. Nhờ đó, lượng rác trung bình được thu gom và đem đi xử lý khoảng 126,7 tấn/ngày (tỷ lệ thu gom đạt 96,3%), góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra tại các địa phương.

 
Mặt khác, cùng với việc tập trung hướng dẫn các cấp Hội xây dựng nhiều mô hình điểm về bảo vệ môi trường, Hội ND tỉnh cũng đã hỗ trợ và tổ chức cấp phát 300 thùng chứa rác thải sinh hoạt cho địa bàn các xã gồm: Xã Thọ Dân (huyện Triệu Sơn); xã Đông Ninh (huyện Đông Sơn); thị trấn Lang Chánh (huyện Lang Chánh).

 
Năm 2020, Hội ND tỉnh đã phối hợp tổ chức 02 lớp tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng truyền thông về thu gom và xử lý rác thải, chất thải nông thôn cho cán bộ, hội viên, nông dân của 6 huyện gồm: Triệu Sơn, Như Thanh, Thường Xuân, Nông Cống, Thiệu Hóa, thành phố Thanh Hóa. Phối hợp tổ chức thành công Hội thi "Nông dân tìm hiểu kiến thức và pháp luật về bảo vệ môi trường năm 2020" tại địa bàn huyện Hà Trung với 6 đội tuyển tham gia thi đấu đến từ 3 huyện: Hà Trung, Thạch Thành, Hoằng Hóa cũng đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng và cổ vũ của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân.


Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2021, Hội ND tỉnh tiếp tục thành lập 10 Tổ tự quản “bảo vệ môi trường trên các dòng kênh, mương”; triển khai thực hiện 3 mô hình "thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình". Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục và nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân trong việc bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.


 

Trọng Bình
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn